Tuy gặp không ít khó khăn nhưng các sản phẩm làng nghề vẫn có một sức sống mãnh liệt nhờ thương hiệu đã được khẳng định qua nhiều năm, mang nét độc đáo riêng của mỗi địa phương. Và các ngành nghề nông thôn đã góp phần quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu, tạo động lực phát triển kinh tế nông thôn.
Tuy gặp không ít khó khăn nhưng các sản phẩm làng nghề vẫn có một sức sống mãnh liệt nhờ thương hiệu đã được khẳng định qua nhiều năm, mang nét độc đáo riêng của mỗi địa phương. Và các ngành nghề nông thôn đã góp phần quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu, tạo động lực phát triển kinh tế nông thôn.
Làng nghề đan thảm lục bình ở xã Ngãi Tứ (Tam Bình) thu hút đông lao động nữ.
Chú trọng phát triển làng nghề
Tính đến nay, tỉnh Vĩnh Long đã công nhận 22 làng nghề, trong đó đã hình thành các làng nghề thế mạnh như: làng nghề sản xuất gạch gốm, làng nghề trồng và xe lõi lác, đan thảm lục bình, làng nghề làm bánh tráng…
Thực hiện chương trình mỗi làng một nghề và chương trình “Bảo tồn làng nghề định hướng đến năm 2020”, đến nay, tỉnh đầu tư trên 2 tỷ đồng từ nguồn kinh phí của chương trình mục tiêu quốc gia để phát triển các làng nghề nông thôn và thực hiện các chính sách ưu đãi nhằm phát triển sản xuất, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề cho người lao động, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, hỗ trợ làng nghề tham gia các hoạt động hội chợ triển lãm trong và ngoài nước, xây dựng thương hiệu, đăng ký và thực hiện các chính sách bảo hộ thương hiệu, sở hữu trí tuệ.
Theo đó, tỉnh tập trung đầu tư vào làng nghề sản xuất gạch, gốm ở 2 huyện Long Hồ, Mang Thít, làng nghề trồng và xe lõi lác, đan thảm lục bình ở huyện Vũng Liêm, Tam Bình, làng nghề làm bánh tráng nem ở huyện Trà Ôn,…
Các làng nghề truyền thống địa phương như làng nghề sản xuất bánh tráng giấy tại xã Tường Lộc (Tam Bình), làng nghề bánh tráng nem xã Lục Sĩ Thành (Trà Ôn) từ hoạt động riêng lẻ hộ gia đình, đến nay nhờ thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển, đổi mới cung cách làm ăn, hỗ trợ nhau trong sản xuất và tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm đã mở rộng quy mô sản xuất, bình quân mỗi cơ sở từ 10- 15 lao động ổn định, thu nhập 1,5- 2 triệu đồng/người/tháng.
Làng nghề bánh tráng Lục Sĩ Thành (Trà Ôn) tạo thêm thu nhập cho lao động nông thôn.
Bên cạnh, một số làng nghề mới phát triển như làng nghề đan thảm lục bình xã Ngãi Tứ (Tam Bình), làng nghề xe lõi lác, xe tơ xơ dừa các xã: Thanh Bình, Quới Thiện (Vũng Liêm). Từ lao động thủ công, đến nay nhờ sự hỗ trợ của dự án phát triển làng nghề nông thôn, làng nghề được vay vốn mua máy xe lõi, mua dự trữ nguyên liệu, khuyến khích tổ chức lại sản xuất và hình thành các tổ mua nguyên liệu, tổ sơ chế phơi sản phẩm.
Không chỉ góp phần nâng cao được giá trị cho cây lác, cây lục bình, các ngành nghề này cũng tạo việc làm cho những hộ ít đất hoặc không có đất canh tác và có “công lớn” trong việc xóa đói giảm nghèo tại địa phương.
Ngoài ra, nhờ gắn với vùng nguyên liệu và khai thác lao động nông nhàn, các làng nghề phát triển mạnh về quy mô, điển hình như: nghề đan thảm lục bình ở xã Ngãi Tứ nay đã phát triển mạnh sang các xã Long Phú, Song Phú, Hậu Lộc, Mỹ Lộc (Tam Bình), Trường An (TP Vĩnh Long); nghề xe lõi lác phát triển sang các xã Trung Nghĩa, Trung Thành Đông (Vũng Liêm), qua đó cung cấp nguồn nguyên liệu sơ chế cho các cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ trong và ngoài tỉnh.
Động lực phát triển kinh tế nông thôn
Có thể nói, các sản phẩm của làng nghề, nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh khá đa dạng, với khoảng 50 loại hình khác nhau, gồm những nhóm sản phẩm chính từ đất nung, đan đát, chế biến lương thực, thực phẩm, chế biến gỗ, lâm sản, hàn tiện, may mặc,… với khoảng 15% số hộ nông thôn tham gia, ngành nghề nông thôn chiếm tỷ lệ 35- 40% trong cơ cấu sản xuất ngành công nghiệp.
Giá trị sản xuất hàng năm đạt gần 2.000 tỷ đồng, giải quyết việc làm ổn định cho trên 20.000 lao động nông thôn (thu nhập bình quân từ 400- 900 ngàn đồng/người/tháng, có nơi trên 1 triệu đồng/tháng).
Xã Ngãi Tứ (Tam Bình) đang nhân rộng quy mô làng nghề đan thảm lục bình, sản phẩm được tiêu thụ ở tỉnh Bình Dương và Khu công nghiệp Hòa Phú (Long Hồ) với khoảng 40.000 sản phẩm/tháng.
Bàn tay khéo léo của người lao động tạo ra những sản phẩm từ lục bình đẹp mắt. Ảnh: TL
Làng nghề sản xuất bánh tráng nem ở xã Lục Sĩ Thành (Trà Ôn) nổi tiếng với thương hiệu “Bánh tráng cù lao Mây”. Đây là làng nghề truyền thống lâu đời, hiện có 71 cơ sở sản xuất bánh quanh năm.
Dịp tết cũng là mùa làm ăn của một số làng nghề truyền thống như làng nghề sản xuất dưa cải ở Tân Bình và Tân Lược (Bình Tân), làng nghề sản xuất tàu hủ ky ở thị trấn Cái Vồn và xã Mỹ Hòa (Bình Minh).
Huyện Bình Minh cũng nổi tiếng với sản phẩm mứt me ở thị trấn Cái Vồn và các xã Thuận An, Mỹ Thuận. Tuy là ngành sản xuất thủ công nhưng sản phẩm mứt me đã được mở rộng thị trường tiêu thụ ngoài tỉnh và xuất khẩu, hàng năm riêng trong dịp tết cung ứng cho thị trường từ 10- 12 tấn mứt.
Theo định hướng phát triển công nghiệp nông thôn, làng nghề của Vĩnh Long giai đoạn 2011- 2015 và tầm nhìn đến 2020, khuyến khích mọi thành phần kinh tế, huy động mọi nguồn lực tham gia phát triển làng nghề, phát triển kinh tế nông thôn có sự hỗ trợ của Nhà nước; đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống, gắn với các cụm, các khu dân cư có ngành nghề sản xuất tập trung, có lực lượng lao động... tạo sản phẩm tiêu dùng và hàng hóa xuất khẩu, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Cụ thể, tỉnh tiếp tục duy trì, phát triển, mở rộng các làng nghề hiện có, đồng thời xây dựng các làng nghề mới. Phấn đấu đến năm 2020, giá trị sản xuất công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp của làng nghề chiếm tỷ trọng 20- 25%; lao động nông thôn tham gia ngành nghề chiếm 18%; phấn đấu từng bước mỗi làng một nghề.
Một số làng nghề đang có như: đan thảm lục bình, xe lõi lác, sản xuất gạch- gốm, làm bánh tráng, hoa kiểng- cây giống,… sẽ tập trung phát triển mạnh. Riêng làng nghề mới sẽ được phát triển như: du lịch sinh thái, chế biến khoai lang, đồ mộc, trồng và sơ chế nấm rơm, may thêu thủ công,… Đến năm 2020, Vĩnh Long sẽ có 95 làng nghề, tạo việc làm cho 65.000 lao động.
Giai đoạn từ nay đến năm 2015, khuyến khích phát triển các làng nghề chằm nón lá, bánh tráng nem, các sản phẩm đan (sản phẩm từ tre, trúc…), tàu hủ ky, cốm dẹp của đồng bào dân tộc thiểu số ở Vĩnh Long... Đây là những làng nghề truyền thống lâu đời của địa phương có những sản phẩm mang tính đặc trưng của Vĩnh Long nói chung, có khả năng phát triển thành những sản phẩm xuất khẩu. |
Bài, ảnh: THÀNH LONG- MAI ANH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin