Tuy chưa thể khẳng định nguyên nhân dẫn đến vụ sạt lở đất ở ấp An Long (xã An Bình- Long Hồ) khiến nhiều hộ nuôi cá bè mất tiền tỷ nhưng hơn ai hết, chủ nhân của những bè cá tại đây đã canh cánh nỗi lo khi ngày ngày trước đó cứ chứng kiến những chiếc xáng thi nhau cạp cát sông. Vụ việc đã làm nặng thêm gánh lo về mối họa thiên tai và không loại trừ… nhân tai!
Tuy chưa thể khẳng định nguyên nhân dẫn đến vụ sạt lở đất ở ấp An Long (xã An Bình- Long Hồ) khiến nhiều hộ nuôi cá bè mất tiền tỷ nhưng hơn ai hết, chủ nhân của những bè cá tại đây đã canh cánh nỗi lo khi ngày ngày trước đó cứ chứng kiến những chiếc xáng thi nhau cạp cát sông. Vụ việc đã làm nặng thêm gánh lo về mối họa thiên tai và không loại trừ… nhân tai!
Do quy định quản lý hành chính, nhiều địa phương đang gặp khó trong quản lý hoạt động khai thác tài nguyên cát sông.
Nỗi lo xáng cạp gần bờ
Chưa hết bần thần khi bè cá của mình trong tích tắc đã làm mồi cho “bà thủy”, anh Đặng Văn Sơn bức xúc: Khoảng một tháng nay, đêm nào cũng có khoảng 3- 4 xáng cạp nhả khói tiến vào gần bờ để khai thác cát. Thấy được nguy cơ mất an toàn cho các bè cá, nhiều chủ bè đã phản ứng mạnh thì các phương tiện trên mới chịu lùi ra chút ít. Tình trạng trên cứ tiếp diễn khiến đôi bên từng xảy ra cãi cọ, xích mích. Người dân đã nhiều lần phản ánh sự việc trên với chính quyền địa phương, nhưng khi lực lượng chức năng đi khỏi thì đâu lại vào đó.
Tại hiện trường vụ sạt lở, một đoạn đê bao khoảng 200m trong phút chốc đã đổ ầm xuống sông, cuốn theo nhiều bè cá, ao nuôi và tài sản của người dân. Một số người đã trầm mình cứu bè cá cho hay, từ một bãi bồi mà giờ nơi đây trở thành một búng nước sâu hoắm đến hàng chục thước. Vì sao có sự thay đổi đột ngột như vậy?
Theo người dân, không đơn giản là do tình trạng xâm thực ngang làm sạt lở bờ sông mà còn có sự tác động của con người, và cũng không loại trừ khả năng việc khai thác cát quá mức ở gần khu vực này. Hơn ai cả, chính những người neo bè nơi đây chứng kiến sự việc trên diễn ra suốt ngày đêm từ nhiều ngày qua. Do đó, người dân tỏ ra khá bức xúc khi cho rằng tiền tỷ của họ trôi sông không hoàn toàn do tác động của thiên tai.
Lợi dụng đêm tối và lúc thủy triều lên, các xáng cạp tiến vào gần bờ để khai thác cát trái với vị trí cấp phép. Sự việc trên được ghi nhận tại hầu hết các địa phương trong tỉnh. Tại buổi làm việc với đoàn khảo sát của Ban Kinh tế- Ngân sách thuộc HĐND tỉnh Vĩnh Long, ông Lê Hoài Dũng- Phó Chủ tịch UBND xã Thành Lợi (Bình Tân), thông tin: Thời gian qua, địa phương ghi nhận trường hợp người dân đã phản ứng lại việc các xáng cạp khai thác cát gần bờ bằng cách chọi đá để cảnh báo và xua đuổi các phương tiện trên lùi ra xa. Sự việc trên cho thấy, nếu khoảng cách không đủ gần thì người dân cũng khó có thể “vũ trang nhân dân” bằng cách chọi đá để cảnh báo các phương tiện khai thác cát.
Theo đánh giá của đoàn khảo sát, tuy việc làm trên của người dân chưa đúng nhưng không phải là không có cơ sở. Bởi việc khai thác cát gần bờ đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân, không đảm bảo an toàn, trong khi tình trạng sạt lở bờ sông diễn ra ngày càng phức tạp và nguy hiểm khó lường.
Khó quản lý
Theo thống kê đến tháng 3/2012 của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Long, toàn tỉnh có 28 đơn vị khai thác tại 32 khu vực mỏ cát, tổng khối lượng cho phép khai thác là 4,4 triệu m3 với thời gian khai thác mỗi mỏ là 2 năm. Hiện có một khu vực UBND tỉnh không cho phép tiếp tục khai thác, 4 khu vực mỏ không hoạt động kể từ ngày cấp phép, 8 khu vực mỏ xin ngưng khai thác. Còn lại 19 khu vực mỏ đang hoạt động của 19 đơn vị.
Cũng theo sở này, thời gian qua, ngành chức năng đã kiểm tra 241 đợt, xử lý 109 phương tiện, chủ mỏ vi phạm với số tiền phạt trên 1,7 tỷ đồng. Trong năm 2011, UBND tỉnh đã ra quyết định tạm ngưng khai thác có thời hạn 2 đơn vị, không cấp lại giấy phép 5 doanh nghiệp do vi phạm các quy định khai thác.
Ghi nhận xung quanh đợt khảo sát của Ban Kinh tế- Ngân sách thuộc HĐND tỉnh Vĩnh Long về tình hình quản lý, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản trên toàn tỉnh gần đây cho thấy, tình trạng khai thác cát sông trái phép còn khá phổ biến. Nhiều nơi, các phương tiện khai thác quá giờ quy định, khai thác gần bờ, số lượng phương tiện nhiều hơn quy định,…
Huyện Long Hồ có 8 doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát sông trên tuyến sông Cổ Chiên và sông Tiền thuộc địa bàn các xã: An Bình, Đồng Phú, Hòa Ninh, Bình Hòa Phước và Thanh Đức với tổng công suất khai thác hàng năm là 180.000m3. Tuy chưa có kết luận chính thức về tác động của việc khai thác cát đối với hiện tượng sạt lở bờ sông, nhưng theo ghi nhận thực tế của cơ quan quản lý, tại phía đầu cồn khu vực ấp An Long, xã An Bình đang có hiện tượng sạt lở. Cũng tại xã này đã có nhiều hộ dân khiếu nại tình trạng khai thác cát quá giờ và gần bờ, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân.
Báo cáo của UBND huyện Trà Ôn cũng cho thấy, tình trạng khai thác cát sông trái phép trên địa bàn huyện vẫn còn khá phổ biến. Một số doanh nghiệp chưa đăng ký phương tiện, thời gian khai thác trong ngày, chưa thực hiện việc cắm mốc giám sát đường bờ, thả phao đảm bảo an toàn giao thông thủy… Còn tại huyện Bình Tân, bên cạnh tình trạng khai thác cát quá giờ quy định, khai thác gần bờ, phương tiện nhiều hơn số lượng đăng ký thì còn xuất hiện một số phương tiện nhỏ bơm hút bùn trong các kinh, rạch một cách tự phát đã làm ô nhiễm nguồn nước và gia tăng nguy cơ sạt lở ven khu vực bơm hút.
Khai thác cát sông quá mức cũng làm gia tăng nguy cơ gây sạt lở.
Đối mặt thực trạng trên, nhiều địa phương kiến nghị đang gặp khó trong khâu quản lý, thiếu phương tiện, nhân lực; công tác phối hợp kiểm tra liên ngành chưa thật sự hiệu quả. Trong khi đối tượng hộ cá thể khai thác trái phép rất đa dạng, tình trạng bơm hút diễn ra vào ban đêm. Thậm chí, nhiều chủ phương tiện sẵn sàng nộp phạt nhưng sau đó lại tái phạm. Chưa kể, đối với những địa bàn giáp ranh thì công tác kiểm tra, xử lý lại càng khó khăn hơn.
Để gỡ khó, trước mắt, Sở Tài nguyên và Môi trường kiến nghị UBND tỉnh Vĩnh Long đình chỉ, thu hồi giấy phép đối với các tổ chức, cá nhân khai thác cát sông gây tác động xấu đến môi trường như sạt lở bờ sông, ảnh hưởng đến công trình kinh tế, dân sinh, không đảm bảo an toàn giao thông thủy,…
Bên cạnh, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh giáp ranh như: Tiền Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Trà Vinh, tiến tới thống nhất quy chế quản lý và phối hợp xử lý trong hoạt động khai thác cát sông; phối hợp, liên kết giữa các ngành, các địa phương trong việc thanh- kiểm tra triển khai thực hiện quy hoạch.
Về lâu dài, sở sẽ phối hợp với Viện Nghiên cứu Địa chất và Khoáng sản xây dựng hệ thống quản lý và giám sát hoạt động khoáng sản khai thác cát trên sông ứng dụng hệ thống định vị toàn cầu (GPS) trong quản lý.
Bài, ảnh: THÀNH LONG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin