Đến hết quý III/2012, sản xuất công nghiệp (CN) của tỉnh Vĩnh Long tuy vẫn duy trì đà tăng trưởng cao. Tuy nhiên, giá trị sản xuất CN 9 tháng, theo ông Vũ Ngọc Tú- Phó Giám đốc Sở Công thương chỉ tăng ở mức 14,67% là chưa đạt tiến độ đề ra. Do vậy, để mục tiêu cả năm đạt tăng trưởng 22% trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, ngành công thương phải phấn đấu, nỗ lực tối đa.
Tạo môi trường tích cực thu hút đầu tư, tạo tăng trưởng ổn định, bền vững cho DN là mục tiêu hàng đầu của ngành công thương.
Đến hết quý III/2012, sản xuất công nghiệp (CN) của tỉnh Vĩnh Long tuy vẫn duy trì đà tăng trưởng cao. Tuy nhiên, giá trị sản xuất CN 9 tháng, theo ông Vũ Ngọc Tú- Phó Giám đốc Sở Công thương chỉ tăng ở mức 14,67% là chưa đạt tiến độ đề ra. Do vậy, để mục tiêu cả năm đạt tăng trưởng 22% trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, ngành công thương phải phấn đấu, nỗ lực tối đa.
Nhiều doanh nghiệp (DN) “hấp thụ” chính sách
Trong giai đoạn khó khăn, Công ty TNHH Cơ khí- Thương mại- Xây dựng Mười Tâm làm điều có vẻ “hơi ngược” là đầu tư máy móc chuyên dùng, như máy cắt dây tự động công nghệ cao, máy chấn sắt 300 tấn, máy chặt sắt dày 13 ly. Giải thích, Giám đốc Điền Hòa Tâm cho rằng: “Thời điểm này máy móc hạ giá vì nhà sản xuất cần bán hàng nhanh để thanh toán tiền vay ngân hàng, giảm gánh nặng lãi suất. Khách hàng thì cần sản phẩm chất lượng nhưng giá phải chăng. Nên phải trang bị máy móc tăng năng suất, hạ giá thành”. Và theo ông, khi Nghị quyết 13 của Chính phủ được ban hành, tạo điều kiện tốt để DN mua máy móc với nguồn vốn giá rẻ (lãi từ trên 20%/năm còn 15%/năm). Tiếp theo đó là các chính sách về thuế đã hỗ trợ DN phát triển sản xuất, mở rộng thị trường và ổn định công ăn việc làm, thu nhập cho người lao động.
Với sự quan tâm hỗ trợ của các ban ngành, DNTN Hồng Hương đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền sản xuất quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn ISO 22000 trên 4 tỷ đồng. Việc đầu tư giúp DN giảm chi phí đáng kể, đồng thời cho ra sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường cao cấp, đa dạng. Chủ DN- ông Nguyễn Minh Vũ cho biết: “Mục đích ứng dụng khoa học công nghệ vào nhà máy giờ đã đạt được. Trước kia tôi nghĩ nó nằm ngoài khả năng của mình. Hơn nữa, lãnh đạo tỉnh còn giới thiệu các sản phẩm cao cấp vào siêu thị, DN có cơ hội mở rộng thị trường, được người tiêu dùng chấp nhận”. Đây là 2 trong số nhiều DN nắm bắt và tận dụng cơ hội từ các chính sách, chủ trương của Nhà nước để mở rộng sản xuất kinh doanh.
Theo đánh giá của Sở Công thương, nhiều DN đã tích cực chủ động vượt qua khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sản lượng đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Điều này đã góp phần duy trì đà tăng trưởng sản xuất CN cả năm của tỉnh. Ở khu vực kinh tế dân doanh, một số ngành tăng trưởng khá như: thủy sản đông lạnh, gạo xay xát và lau bóng, thức ăn gia súc gia cầm, nấm rơm muối, nước mắm, nước uống tinh khiết, cửa nhôm,… Trong khi đó, các DN có vốn đầu tư nước ngoài đều có mức tăng trưởng khá cao, khai thác tốt thị trường xuất khẩu và nội địa.
Nỗ lực về đích
Theo ông Vũ Ngọc Tú- Phó Giám đốc Sở Công thương, giá trị sản xuất CN 9 tháng chỉ tăng ở mức 14,67% là chưa đạt tiến độ đề ra. Bên cạnh các sản phẩm có tăng trưởng, vẫn có một số chững lại hoặc giảm mạnh, như: thức ăn thủy sản, hột vịt muối, nước chấm, thảm lác, dầu nhờn, thuốc viên, vỏ nang capsule, ống tiêm kim chích, bê tông ly tâm, gạch- gốm các loại, đóng sửa tàu và xà lan. Bên cạnh các địa phương có tốc độ tăng trưởng cao là TP Vĩnh Long, Vũng Liêm; cũng có huyện đạt rất thấp như Mang Thít. Nhiều DN có điều kiện “hấp thụ” chính sách, nhưng vẫn còn nhiều DN nhỏ còn thiếu vốn sản xuất kinh doanh, một số DN khó khăn về lao động và thị trường tiêu thụ.
Dây chuyền sản xuất hiện đại của DNTN Hồng Hương.
Ngành công thương cũng ghi nhận DN vẫn khó tiếp cận tín dụng, thị trường của một số ngành hàng bị thu hẹp do biến động kinh tế, giảm đầu tư công, nguyên liệu đầu vào tăng cao, hạ tầng giao thông không thuận lợi. Trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, theo ông Tú, để đạt tăng trưởng cả năm 22% như kế hoạch đề ra, ngành công thương phải phấn đấu, nỗ lực hết sức, kịp thời tháo gỡ vướng mắc cho DN bằng các giải pháp: đẩy mạnh triển khai xây dựng các khu- tuyến CN để tạo động lực mới đem lại hiệu quả kinh tế cao; hỗ trợ thiết thực cho DN về khuyến công, đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ; tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại; tăng cường quản lý thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin