Dân sẵn sàng đối ứng từ 30- 50% vốn để đầu tư đường điện. Nếu đối ứng vốn, công trình điện có được ưu tiên đầu tư hay không? Vấn đề trên được nhiều địa phương đặt ra tại hội nghị sơ kết của BCĐ Điều hành cung cấp điện tỉnh Vĩnh Long tổ chức gần đây.
Phát triển điện góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội. Trong ảnh: Thi công công trình điện bức xúc năm 2011.
Dân sẵn sàng đối ứng từ 30- 50% vốn để đầu tư đường điện. Nếu đối ứng vốn, công trình điện có được ưu tiên đầu tư hay không? Vấn đề trên được nhiều địa phương đặt ra tại hội nghị sơ kết của BCĐ Điều hành cung cấp điện tỉnh Vĩnh Long tổ chức gần đây.
Dân: sẵn sàng góp vốn
Ông Phạm Minh Thiện- Trưởng Phòng Công thương huyện Bình Tân- cho biết: Thời gian qua, nhiều hộ dân ở xã Tân Hưng kiến nghị sẵn sàng đối ứng từ 30- 40% vốn để thi công đường điện hạ thế bức xúc. Vấn đề đặt ra, nếu dân đối ứng vốn thì công trình điện có được ưu tiên đầu tư sớm hay không?
Đại diện Phòng Công thương huyện Vũng Liêm thông tin: Nhiều hộ dân cũng đã đồng ý góp đến 50% vốn để đầu tư đường điện, đặc biệt nhiều nơi người dân sẵn sàng bỏ ra 100% vốn để đầu tư trước, sau đó ngành điện sẽ trả lại 50% cho dân. Bởi nhu cầu về điện đã trở nên quá bức bách. Trong khi các công trình điện bức xúc năm 2012 trên địa bàn huyện hiện chưa triển khai.
Đại diện Phòng Công thương huyện Mang Thít cũng đã đề nghị giải quyết rốt ráo tình trạng sử dụng điện 2 nguồn, bởi thực tế ở địa phương vẫn còn việc 1 hộ có tới 2 điện kế do sử dụng từ 2 nguồn cung cấp khác nhau.
Tại buổi thảo luận, nhiều địa phương đặt vấn đề: Ngành điện cần có cơ chế thoáng hơn cũng như xây dựng quy chuẩn kỹ thuật và giám sát để người dân tham gia vào việc nâng cấp, cải tạo lưới điện như đúc trụ điện, cải thiện đường dây, hỗ trợ việc lắp điện kế tại nhà (trong phạm vi bán kính 30m) (thay vì lắp điện kế theo trụ điện). Bởi việc làm này sẽ giảm đáng kể chi phí đầu tư thiết bị, giúp dân nghèo có cơ hội xài điện an toàn, giá rẻ. Bên cạnh, việc thẩm định các tiêu chuẩn kỹ thuật thoáng hơn thì ngành điện sẽ tranh thủ được nguồn lực của dân tham gia đầu tư, cải thiện lưới điện.
Theo ông Nguyễn Phước Năng- Giám đốc Công ty Điện lực Vĩnh Long, việc đầu tư các công trình điện mà dân đề xuất đối ứng cần có ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Vĩnh Long và Tổng Công ty Điện lực Miền Nam. Công ty Điện lực Vĩnh Long hiện chưa thể đưa ra quyết định. Riêng việc xem xét cơ chế để người dân tham gia đầu tư lưới điện với chi phí thấp hơn cần được bàn bạc kỹ nhằm đáp ứng các quy chuẩn kỹ thuật và đảm bảo độ an toàn cao nhất. Ông Nguyễn Minh Tho- Giám đốc Sở Công thương tỉnh cho rằng, đối với các công trình điện người dân đề xuất việc đối ứng thì huyện cần có văn bản đề nghị thật cụ thể.
Ông Phan Anh Vũ- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, Trưởng BCĐ Điều hành cung cấp điện tỉnh đã ghi nhận những đề xuất đối ứng vốn đầu tư lưới điện của dân, đồng thời chỉ đạo các sở, ngành liên quan tích cực phối hợp giải quyết trong thời gian tới.
Ngành điện: tiếp tục đẩy mạnh đầu tư
Theo ông Lê Thanh Hùng- Phó Giám đốc Công ty Điện lực Vĩnh Long, trong 2 năm 2011 và 2012, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, ngành điện đầu tư xây dựng mới, sửa chữa cải tạo lưới điện với tổng vốn 215 tỷ đồng. Cụ thể, ngành điện đang triển khai công trình trạm biến áp 110KV, công suất 40MVA tại Khu công nghiệp Hòa Phú và đường dây đấu nối 5,4km với tổng vốn 64 tỷ đồng; xây dựng 30km đường dây 110KV Bình Minh- Cầu Kè (Trà Vinh), vốn 40 tỷ đồng. Dự kiến 2 công trình này sẽ được vận hành vào cuối năm nay. Bên cạnh, Công ty Điện lực Vĩnh Long sẽ phối hợp cùng Công ty Lưới điện cao thế Miền Nam lập kế hoạch đầu tư lưới điện 110KV trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2013- 2015, trong đó xây dựng mới trạm biến áp 110KV Cổ Chiên, lắp máy 2 nâng công suất trạm biến áp 110KV Bình Minh, xây dựng đường dây 110KV Vĩnh Long- Bình Minh.
Điện- nhu cầu bức thiết cho sản xuất và sinh hoạt.
Đối với lưới điện phân phối, năm 2012, ngành điện đầu tư trên 50 tỷ đồng để phát triển lưới điện trung- hạ thế. Theo đó, một số công trình có quy mô lớn như: xây dựng mới các tuyến đường dây trung thế 22KV tại trạm Khu công nghiệp Hòa Phú, đường dây cáp ngầm 22KV vượt sông Cổ Chiên, cấp điện cho 4 xã cù lao huyện Long Hồ. Đến nay đã thi công hoàn tất xây dựng mới, cải tạo 71km đường dây trung thế, 28km đường dây hạ thế, nâng công suất, cấy trạm phân phối mới với tổng dung lượng 2.985KVA.
Bên cạnh, Công ty Điện lực Vĩnh Long đã đề nghị Tổng Công ty Điện lực Miền Nam cấp 5,3 tỷ đồng để thực hiện xóa các điện kế tổng cụm trên địa bàn. Hiện ngành điện đang triển khai thực hiện 8 công trình với 43 hạng mục, dự kiến xóa 96 điện kế tổng, chuyển bán điện trực tiếp cho 1.800 hộ dân. Ngoài ra, Công ty Điện lực Vĩnh Long cũng đã đầu tư khoảng 3,65 tỷ đồng thi công các nhánh rẽ lắp điện kế mới nhằm xóa điện kế tổng cụm, tách hộ câu đuôi theo Luật Điện lực.
Trong 9 tháng qua, toàn tỉnh đã phát triển thêm hơn 12km đường dây trung thế, trên 206km đường dây hạ thế, 72 trạm biến áp với tổng dung lượng 21.1125KVA. Nâng tổng số trên toàn tỉnh hiện có 1.954km đường dây trung thế, 2.903km đường dây hạ thế, 4.225 trạm biến áp (tổng dung lượng 289,5MVA); phát triển mới 7.316 điện kế, tổng số quản lý 238.344 khách hàng, tỷ lệ hộ có điện sử dụng đạt 98,7%.
Kế hoạch của BCĐ Điều hành cung cấp điện tỉnh Vĩnh Long, trong năm nay, sản lượng điện thương phẩm là 574 triệu kWh. Toàn tỉnh phát triển thêm 15.000 khách hàng (trong đó có khoảng 173 khách hàng lớn) với tổng công suất là 9,5MW. |
Bài, ảnh: LÊ SƠN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin