Nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp (CN) góp phần thúc đẩy công nghiệp hóa- hiện đại hóa kinh tế tỉnh nhà. Ngoài việc quan tâm thu hút được các nhà đầu tư mới thì việc lắng nghe tình hình hoạt động của các doanh nghiệp (DN) đã có trên địa bàn cũng là điều cần thiết
Nhà máy Bia Sài Gòn- Vĩnh Long đi vào hoạt động sẽ đóng góp lớn vào ngân sách nhà nước.
Nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp (CN) góp phần thúc đẩy công nghiệp hóa- hiện đại hóa kinh tế tỉnh nhà. Ngoài việc quan tâm thu hút được các nhà đầu tư mới thì việc lắng nghe tình hình hoạt động của các doanh nghiệp (DN) đã có trên địa bàn cũng là điều cần thiết.
“Hút” DN mới
Theo Ban quản lý Các khu CN tỉnh, mặc dù tình hình kinh tế khó khăn nhưng từ đầu năm đến nay, thu hút đầu tư vẫn có nhiều kết quả khả quan: đã tiếp xúc và làm việc với 9 nhà đầu tư trong và ngoài nước, trong đó có 4 nhà đầu tư nước ngoài; đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 2 dự án ở Khu CN Bình Minh là Công ty CP Công nghệ Kim Cương Xanh và Công ty TNHH In Mekong, với vốn đầu tư lần lượt là 14 triệu USD và 20 tỷ đồng.
Còn theo Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ DN thì cũng đã có 10 dự án đăng ký với tổng mức đầu tư trên 1.167 tỷ đồng, chiếm 43,23% kế hoạch năm. Có 8 nhà đầu tư đang được hướng dẫn thủ tục hoặc hướng dẫn hoàn chỉnh hồ sơ và khảo sát địa điểm. Ngoài ra, Tổng Công ty CP Bia rượu- nước giải khát Sài Gòn (SABECO) cũng vừa tổ chức lễ khởi công xây dựng Nhà máy Bia Sài Gòn- Vĩnh Long với tổng mức đầu tư khoảng 600 tỷ đồng. Theo dự kiến, sau 12 tháng xây dựng, nhà máy sẽ đi vào hoạt động và đóng góp khoảng 300 tỷ đồng/năm vào ngân sách nhà nước. Theo ông Phạm Thành Khôn- Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thì Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ DN đã làm rất nhiều việc để giới thiệu, mời gọi nhà đầu tư về tỉnh. Số lượng nhà đầu tư nước ngoài đến tìm hiểu tăng hơn so với các năm trước đây.
Ông Đặng Quang Tấn- Phó trưởng Ban Quản lý Các khu CN cho rằng, Vĩnh Long có nhiều tiềm năng về vị trí địa lý, nguồn nhân lực, lao động, đồng thời, nhờ có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành liên quan nên tạo được điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, Vĩnh Long cũng vẫn gặp một số hạn chế. Cụ thể, Chính phủ đã đưa các khu CN ra khỏi danh sách địa bàn có điều kiện kinh tế khó khăn, khiến cho Vĩnh Long không được hưởng bất kỳ ưu đãi về thuế suất thu nhập DN (trừ các lĩnh vực công nghệ cao); công tác bồi hoàn giải tỏa còn tồn đọng, kéo dài khiến cho tiến độ bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư còn chậm; cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế;…
Nghe khó khăn của DN cũ
Thời gian qua, đã có trên dưới 400 DN giải thể hoặc ngừng hoạt động. Con số lớn hơn nhiều so với số lượng DN thu hút mới. Theo Sở Công thương, tình hình sản xuất của các DN trên địa bàn vẫn còn gặp nhiều khó khăn, lũy kế giá trị sản xuất công nghiệp 8 tháng năm 2012 gần 4.500 tỷ đồng, tuy có tăng hơn 14% so cùng kỳ nhưng mới đạt gần 57% kế hoạch năm. Phần lớn các DN vừa và nhỏ vẫn còn thiếu vốn sản xuất, khó khăn về lao động, thị trường tiêu thụ, giá nguyên nhiên liệu tăng cao,… Theo Công ty CP Chế biến thủy sản An Phước (Mang Thít) thì tình hình sản xuất trong những tháng đầu năm nắm chắc đã… thua lỗ. DN này cho rằng, bên cạnh chi phí đầu vào tăng mạnh thì lãi suất ngân hàng vẫn ở mức cao. Thậm chí, DN này vẫn còn có những khoản vay chịu lãi suất trên 20%/năm. Trong khi đó, thị trường xuất khẩu chủ yếu là Châu Âu và Mỹ giảm mạnh và chịu sự cạnh tranh khốc liệt,…
Ngoài khó khăn nội lực, nhiều DN cho rằng còn nhiều yếu tố ngoại lực. Trong đợt kiểm tra, theo dõi tình hình hoạt động DN của Sở Công thương, Công ty Acecook Việt Nam- chi nhánh Vĩnh Long (Khu CN Hòa Phú) cho rằng, tình trạng cúp điện không thông báo, chớp điện thường xuyên xảy ra làm sản phẩm bị lỗi tăng, làm giảm hiệu quả kinh doanh (chớp điện mỗi lần gây thiệt hại trên 100 triệu đồng). Ngoài ra, cơ sở hạ tầng khu CN chưa đảm bảo, thiếu lao động chuyên môn kỹ thuật cao,… cũng ảnh hưởng đến quá trình sản xuất.
Trong khi đó, công nghệ lạc hậu đã làm cho nhiều ngành nghề, DN gặp trở ngại trong quá trình hội nhập kinh tế thị trường, nhất là ở các DN vừa và nhỏ. Theo bà Hồ Thị Thắm- Phó Chủ tịch Hội Nghề gốm, ở các DN trong ngành, việc đầu tư mở rộng, thay đổi công nghệ gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh là các yếu tố về lãi suất, nguyên nhiên liệu, công nhân,… cũng làm cho nhiều DN “mờ mắt”. Qua đó, Hội Nghề gốm cũng kiến nghị nên có sự hỗ trợ hơn nữa vay vốn với lãi suất thấp và dễ dàng hơn, hỗ trợ văn phòng hội có phân xưởng chế tác tạo mẫu, trưng bày sản phẩm, xúc tiến thương mại giới thiệu sản phẩm,… Có như thế ngành gốm- từng là thế mạnh của tỉnh mới mong thoát khỏi cơn khủng hoảng, vực dậy sản xuất.
Theo ông Lâm Thanh Vũ- Trưởng Phòng Quản lý CN- tiểu thủ CN (Sở Công thương), mặc dù thu hút được nhiều nhà đầu tư mới nhưng so với số lượng DN đã giải thể, ngừng hoạt động thì giá trị sản xuất CN đã “hụt” chưa thể bù đắp được. Nếu định hướng giá trị sản xuất CN năm sau cao hơn năm trước (năm 2012 hơn 22% so 2011) thì rất khó thực hiện và có khả năng xem xét lại, nhất là tình hình kinh tế diễn biến phức tạp. Qua đó, ngoài việc tập trung thu hút đầu tư mới cũng cần tăng cường hỗ trợ các DN cũ đang hoạt động, góp phần phát triển kinh tế công nghiệp bền vững, lâu dài…
Bài, ảnh: KHÁNH NGUYỄN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin