Ngỡ ngàng không phải vì là lần đầu ghé lại, mà tôi cứ tự hỏi: “Tại sao đến lần thứ ba mình mới… khám phá ra nét đẹp của Ba Hòn?” Tạm gác lại những dự định, những câu hỏi của công việc, tôi “tự thưởng” cho mình cái cảm giác trọn vẹn làm du khách, để được đắm mình trong “phối cảnh” giữa huyền thoại lịch sử và không gian
Phong cảnh Ba Hòn nhìn từ đỉnh Hòn Me.
Ngỡ ngàng không phải vì là lần đầu ghé lại, mà tôi cứ tự hỏi: “Tại sao đến lần thứ ba mình mới… khám phá ra nét đẹp của Ba Hòn?” Tạm gác lại những dự định, những câu hỏi của công việc, tôi “tự thưởng” cho mình cái cảm giác trọn vẹn làm du khách, để được đắm mình trong “phối cảnh” giữa huyền thoại lịch sử và không gian mơ màng nhìn từ đỉnh Hòn Me vào một ngày mặt trời… kiệm nắng.
Theo Quốc lộ 80 từ Rạch Giá đi về hướng Hà Tiên khoảng 30km, vừa rẽ trái đã thấy biển báo: “Di tích mộ chị Sứ cách 13km”. Đoạn đường ngang qua xã Hòn Sóc, huyện Hòn Đất, luôn gợi nhớ trong tôi hình ảnh của làng nghề chẻ đá ở Thoại Sơn (An Giang). Ngày nay, làng nghề Hòn Sóc vẫn còn đó ngổn ngang những tảng đá to, đá nhỏ, bên cạnh những đống cột đá đã được đục đẽo tỉ mỉ theo những quy cách định sẵn, nhưng không còn thấy cái cảnh nhộn nhịp của những năm về trước. Mà dù có nhộn nhịp hay không, thì hồi nào tới giờ có ai làm giàu bằng nghề đục đá mướn đâu? Xa xa là Hòn Sóc đã “sứt mẻ” khá nhiều cũng do nghề… phá núi.
Qua ngã ba Phùng Lương, thuộc xã Thổ Sơn, chúng tôi vào viếng và dâng hương mộ chị Sứ- cụm di tích mà lần trước tôi đến thăm vẫn còn khá bề bộn. Mộ chị Sứ gối đầu vào núi, từ trên cao là quần thể tượng đài hoành tráng, ngó xuống minh đường có hố bom B52, giờ đã “hiền lành” hóa ao súng đang lác đác nở hoa. Tất cả tạo nên cảm giác vừa sử thi của thiên anh hùng ca bất tử, vừa thật gần gũi, yên bình, nhẹ nhõm. Những bức phù điêu chạy theo hình cánh cung, tựa vòng tay của núi dang ra ôm trọn vào lòng người con gái liệt sĩ anh hùng Phan Thị Ràng (chị Sứ). Phía trước là nhà trưng bày, có thể giúp du khách hình dung được về vùng đất Ba Hòn lịch sử, qua những hiện vật, nhân vật, những con số cụ thể của từng trận đánh, từng thời kỳ ác liệt của chiến tranh. Mà trong đó, riêng sự hy sinh của các Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, cũng đủ để hậu thế mãi mãi nghiêng mình kính phục. Nhà báo Nguyễn Thanh Hùng- Tổng Biên tập Báo Kiên Giang đã tìm chỉ cho chúng tôi ảnh chân dung mẹ Gấm, người đã tận hiến cho Tổ quốc 14 người con thân yêu của mình. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trong dịp về thăm nhân kỷ niệm 40 năm chiến thắng Ba Hòn- Hòn Đất (2009), đã bày tỏ sự xúc động sâu sắc đối với vùng đất Ba Hòn: “Tôi xúc động, bồi hồi và tưởng nhớ sâu sắc đồng bào, đồng chí và những đồng đội của tôi đã sát cánh cùng nhau chiến đấu và đã anh dũng hy sinh một cách oanh liệt. Tôi chân thành cảm ơn đồng chí, đồng bào đã giúp đỡ tôi, nhất là lúc tôi bị thương, để tôi sống và có được ngày hôm nay.”
Cách cụm di tích mộ chị Sứ không xa là Hòn Me nơi có Trung tâm Phát sóng truyền hình quốc gia và địa phương trên đỉnh, ở độ cao gần 200m. Nhưng để lên tới đỉnh, xe men theo con đường tráng nhựa ngoằn ngoèo trên 2 cây số, con đường… tạo dáng đèo dốc giữa đồng bằng, làm cho du khách dễ có cảm giác khá thú vị như hành trình vượt lên miền ngược. Thoáng chốc hiện ra “dưới chân” là bức tranh với những gam màu rất lạ, từ những ruộng lúa xen kẽ không đều nhau. Từ đỉnh Hòn Me phóng tầm mắt ra xa, biển Tây trong ngày không nắng như vành trăng khuyết mờ sương lõm vào đất liền; còn những con kinh thủy lợi dọc ngang thẳng như kẻ chỉ, đưa ruộng lúa rướn mình ra sát mép biển. Hòn Sóc trở nên nhỏ nhắn ngay trước mặt, xanh mờ phía xa là dãy Thất Sơn hùng vĩ của An Giang. Tôi định hướng xem đâu là con đường của dòng kinh Võ Văn Kiệt, bắt đầu từ dòng Vĩnh Tế tại vàm T5, của xã Lạc Quới, huyện Tri Tôn, An Giang và kết thúc tại cống Tuần Thống, xã Bình Giang, huyện Hòn Đất, Kiên Giang để “toan tính” cho một lần lang thang dọc suốt dòng kinh này, chứng kiến sự đổi thay kỳ diệu của vùng Tứ giác Long Xuyên.
Ai đó cho rằng, lạ lùng những ngọn núi của xứ này là cứ muốn “thò chân” ra biển, để tạo nên vô số những hòn, những hang kỳ bí ở đồng bằng phương Nam. Thật ra là vì biển đã rút đi từ mấy ngàn năm trước, trả lại vùng đất rộng mênh mông trải dài từ miền Đông đến miền Tây Nam Bộ. Đó cũng là vùng đất chứa đựng gần như trọn vẹn nền văn minh văn hóa Óc Eo. Và thật thú vị khi ngay trên đỉnh Hòn Me có hẳn một bảo tàng khá quy mô và tương đối hoàn chỉnh về những di chỉ của nền văn hóa độc đáo này- do chính một người đam mê ở TP Rạch Giá lập nên. Anh La Hoài Phong- Phó Giám đốc Trung tâm Phát sóng truyền hình quốc gia và địa phương, giới thiệu khá chi tiết một số cổ vật quý hiếm và cho biết sắp tới sẽ có hằn bài thuyết minh chuyên đề riêng cho bảo tàng này.
Thật thiếu sót, nếu lên đến đỉnh Hòn Me mà không vào dâng hương ngôi chùa có thờ tượng Bác Hồ, phía dưới là tượng 2 nhà sư liệt sĩ: Hòa thượng Thích Trí Thiền và Thiền sư Thích Thiện Ân. Hai nhân vật gắn liền với chùa Tam Bảo ở TP Rạch Giá- một di tích cấp quốc gia của tỉnh Kiên Giang.
Ngồi dưới bóng râm của những tán me cổ thụ, bên tách trà bốc khói, gió từ biển tạt vào lồng lộng, tiếng chuông chùa khẽ ngân lên làm lòng người như mơ màng trong không gian đậm đặc những huyền thoại lịch sử, trên vùng đất phát tích nền văn hóa Óc Eo có từ mấy ngàn năm trước. Dưới kia, rất thực là những xóm ruộng, xóm nghề bình yên nằm cặp theo chân núi hay chạy dọc hai bên bờ kinh. Và câu chuyện về vùng đất Ba Hòn cứ dài ra dường như bất tận, theo lòng người chân tình, mến khách ở cuối trời phương
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin