Là địa bàn vùng sâu của huyện Tam Bình, thu nhập của người dân xã Bình Ninh chủ yếu dựa vào nông nghiệp nên cuộc sống nói chung vẫn còn khó khăn. Hội Phụ nữ xã Bình Ninh kết hợp với chương trình khuyến công và Trung tâm Học tập cộng đồng tổ chức mô hình “đưa nghề về làng”, kết hợp dạy nghề với việc tổ chức các tổ sản xuất gia công sản phẩm cho doanh nghiệp, tạo việc làm tăng
Nghề đan lục bình thu hút nhiều lao động nữ nông thôn.
Là địa bàn vùng sâu của huyện Tam Bình, thu nhập của người dân xã Bình Ninh chủ yếu dựa vào nông nghiệp nên cuộc sống nói chung vẫn còn khó khăn. Hội Phụ nữ xã Bình Ninh kết hợp với chương trình khuyến công và Trung tâm Học tập cộng đồng tổ chức mô hình “đưa nghề về làng”, kết hợp dạy nghề với việc tổ chức các tổ sản xuất gia công sản phẩm cho doanh nghiệp, tạo việc làm tăng thêm thu nhập cho phụ nữ nông thôn.
Người đi đầu trong tổ chức mô hình “đưa nghề về làng” là chị Thiều Thị Bé Tư- Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp An Hòa. Trăn trở với hoàn cảnh khó khăn của chị em trong tổ phụ nữ do thu nhập phụ thuộc vào vụ lúa trong năm, thiếu việc làm trong lúc nông nhàn. Qua tham gia các lớp tập huấn của chương trình khuyến công kết hợp với Hội Phụ nữ huyện Tam Bình, chị Bé Tư quyết tâm đưa nghề về làng. Tại xã Bình Ninh, từ năm 2003, nghề đan lục bình đã hình thành, Hội Phụ nữ xác định đây là nghề phù hợp với lao động nữ vùng nông thôn và khai thác sử dụng nguồn nguyên liệu địa phương. Chị vận động chị em tham gia lớp dạy nghề của chương trình khuyến công tổ chức tại xã, liên hệ với Công ty Xuất nhập khẩu thủ công mỹ nghệ Vĩnh Long nhận sản phẩm về gia công, tạo việc làm cho chị em sau khi học nghề. Đến nay, xã Bình Ninh tổ chức được 18 tổ hợp tác đan lục bình, thu hút trên 1.000 lao động, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho chị em phụ nữ nông thôn, thu nhập hàng tháng từ 1,2– 1,5 triệu đồng/lao động. Với các sản phẩm từ nguyên liệu lục bình đa dạng như: khung lục bình, dĩa đựng trái cây, kệ sách báo,… Ưu điểm của mô hình tạo việc làm tại chỗ này là chị em phụ nữ có thể vừa chăm sóc gia đình vừa nhận hàng về nhà gia công.
Chị Bé Tư cho biết, từ khi có nghề đan lục bình, chị em phụ nữ nhận hàng về gia công tại nhà, tạo việc làm cho các thành viên trong gia đình ở các khâu đơn giản như dán keo khung, phơi nguyên liệu… Mô hình tổ phụ nữ đan lục bình còn giúp chị em gắn bó với sinh hoạt hội, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, kiến thức chăm sóc gia đình, góp phần giảm tệ nạn xã hội ở vùng nông thôn.
Hỗ trợ phát triển kinh tế, tạo việc làm là chương trình trọng tâm của các cấp hội phụ nữ tỉnh Vĩnh Long trong đó ưu tiên xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình hiệu quả giúp phụ nữ vùng nông thôn vượt khó thoát nghèo.
|
Theo chị Nguyễn Thị Thu Trang- Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Tam Bình, với mục tiêu giải quyết việc làm cho 2.000 lao động nữ, Hội Phụ nữ huyện tổ chức nắm lại số hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, tìm hiểu nhu cầu việc làm của chị em để tổ chức dạy nghề phù hợp. Năm 2012, Hội Phụ nữ huyện kết hợp với chương trình khuyến công tổ chức 34 lớp dạy nghề cho phụ nữ nông thôn, trong đó ưu tiên tổ chức dạy nghề truyền thống như đan lục bình, dệt chiếu…, kết hợp với doanh nghiệp tổ chức mô hình gia công tạo việc làm tại chỗ ổn định cho chị em sau khi học nghề.
Bài, ảnh: HUỲNH KIM PHƯỢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin