Còn nhiều khó khăn trong phát triển ngành nghề truyền thống nông thôn

02:09, 27/09/2012

Chưa có sự gắn kết giữa làng nghề, nghệ nhân, thợ thủ công và các doanh nghiệp trong mở rộng quy mô sản xuất, truyền nghề, chưa xây dựng được nhãn hiệu, thương hiệu mạnh và chất lượng lao động chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa là những khó khăn chính trong việc bảo tồn và phát triển ngành nghề truyền thống, ngành nghề nông thôn (NNNT) ở Vĩnh Long.

Chưa có sự gắn kết giữa làng nghề, nghệ nhân, thợ thủ công và các doanh nghiệp trong mở rộng quy mô sản xuất, truyền nghề, chưa xây dựng được nhãn hiệu, thương hiệu mạnh và chất lượng lao động chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa là những khó khăn chính trong việc bảo tồn và phát triển ngành nghề truyền thống, ngành nghề nông thôn (NNNT) ở Vĩnh Long.

Vĩnh Long hiện có 7 nhóm ngành nghề chính với 40 loại NNNT, trên 15.600 cơ sở, hàng năm chiếm tỷ trọng trên 20% trong giá trị sản xuất công nghiệp và 8,7% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của Vĩnh Long. Qua khảo sát của Sở Công thương Vĩnh Long, có 16 làng nghề truyền thống và 6 làng nghề gặp khó khăn do thiếu vốn đổi mới công nghệ, không chủ động nguồn nguyên liệu và thị trường tiêu thụ không ổn định.

Với mục tiêu từ nay đến năm 2020 tăng giá trị sản lượng NNNT bình quân 5,5– 6%/năm, tỉnh Vĩnh Long ưu tiên phát triển và bảo tồn một số ngành nghề truyền thống như sản xuất gạch, gốm đỏ, dệt chiếu, sản xuất dưa cải chua, đậu hủ ky… Tỉnh khuyến khích phát triển với tốc độ hợp lý các ngành nghề mới như trồng và sơ chế nấm rơm, sơ chế hạt ca cao, dịch vụ mua bán, chế biến khoai lang, xe tơ xơ dừa, xe lõi cói, đan lục bình, xay xát gạo… Đối với một số ngành nghề truyền thống không có khả năng đột phá thị trường như nghề chằm nón lá, chằm lá lợp nhà, đan đát, sản xuất nhang…, tỉnh xây dựng giải pháp bảo tồn, ổn định quy mô, chuyển đổi phương thức sản xuất theo hướng gắn kết, hỗ trợ, từng bước đa dạng hóa sản phẩm gắn với mô hình du lịch– làng nghề. Từ nay đến năm 2020, tỉnh Vĩnh Long tiếp tục bồi dưỡng để công nhận thêm 18 làng nghề truyền thống và 35 làng nghề nông thôn.

Trung tâm Khuyến công tỉnh Vĩnh Long kết hợp với Phòng Công thương các huyện, thành phố hỗ trợ các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn tham gia các hiệp hội ngành nghề, xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và thực hiện tư vấn hỗ trợ nguyên liệu đầu vào– thị trường tiêu thụ sản phẩm cho cơ sở NNNT. Trung tâm thực hiện chuyển giao thiết bị cho các cơ sở sản xuất tàu hủ ky Mỹ Hòa (Bình Minh), hội ngành nghề dưa cải Tân Định (Bình Tân), làng nghề xe lõi lác Thanh Bình, đề án ứng dụng mộc dân dụng cho Hợp tác xã Mộc xã Trung Ngãi (Vũng Liêm) và tổ chức các lớp dạy nghề, truyền nghề cho ngành sản xuất gốm đỏ, đan thảm lục bình…

HUỲNH KIM PHƯỢNG

 

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh