
Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều ngày 21/8, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Nguyễn Văn Bình khẳng định: “Nợ xấu của chúng ta hiện nay chưa đến mức hốt hoảng”. “Cuối năm 2011, việc giảm lãi suất (LS) xuống còn một con số, ở mức 9%/năm được coi như giấc mơ nhưng đến nay chúng ta đã làm được”.
Đẩy nhanh chi tiêu công giúp giải phóng lượng hàng tồn kho, nhất là trong lĩnh vực vật liệu xây dựng… là một trong những giải pháp được NHNN nêu ra.
Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều ngày 21/8, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Nguyễn Văn Bình khẳng định: “Nợ xấu của chúng ta hiện nay chưa đến mức hốt hoảng”. “Cuối năm 2011, việc giảm lãi suất (LS) xuống còn một con số, ở mức 9%/năm được coi như giấc mơ nhưng đến nay chúng ta đã làm được”.
Nợ xấu và giải pháp giải quyết
Theo NHNN Việt Nam, báo cáo của các tổ chức tín dụng (TCTD) đến 31/5/2012, nợ xấu của hệ thống là 117.723 tỷ đồng, chiếm 4,47% tổng dư nợ. Còn theo kết quả giám sát của NHNN, đến 31/3/2012, nợ xấu của các TCTD là 202.099 tỷ đồng, chiếm 8,6% tổng dư nợ. Trong khi, các tổ chức nước ngoài báo cáo nợ xấu trên 13%. Theo lý giải của Thống đốc Nguyễn Văn Bình, lý do số liệu nợ xấu khác nhau xuất phát từ việc các TCTD báo cáo: Ban đầu, chính chúng tôi gặp nhiều khó khăn để giải trình với Chính phủ về vấn đề này. Có khi vì mục tiêu lợi nhuận mà các TCTD không muốn công khai nợ xấu. Phía NH lý giải là không nắm bắt được thông tin. Điển hình như việc NHNN xử lý 9 TCTD cách đây không lâu. Tại thời điểm đó, các TCTD này báo cáo nợ xấu không quá 2,5% và đều làm ăn có lãi. Tuy nhiên qua kiểm tra, NHNN phát hiện nợ xấu của một số NH lên tới 30%, có NH 60% và làm ăn không có lãi, thậm chí có một số NH nợ xấu ăn cả vào vốn điều lệ. Thống đốc khẳng định: “Từ nhiều nguồn số liệu, tôi xin khẳng định số liệu từ NHNN là chính xác và có cơ sở nhất”.
Các nguyên nhân đưa đến nợ xấu được cho là do: chính sách kinh tế vĩ mô trong thời gian dài phát triển theo chiều rộng, tăng trưởng tín dụng quá nóng; chính sách của NHNN nhiều năm không đổi mới nên không theo kịp thực tế dẫn đến không định hướng tín dụng; hoạt động của các TCTD, thẩm định dự án sơ sài; doanh nghiệp vay sử dụng vốn không đúng mục đích…
Vấn đề nhiều ĐBQH quan tâm là giải pháp xử lý nợ xấu như thế nào. Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định: “Nợ xấu của chúng ta hiện nay chưa đến mức hốt hoảng. Trong thời kỳ khủng hoảng một số nước còn có tỷ lệ nợ xấu cao hơn ta nhiều”. Và cho biết, đến nay các TCTD trong cả nước đã trích lập 70.000 tỷ đồng để dự phòng giải quyết nợ xấu.
Vì thế có các giải pháp như: NHNN đã thay đổi lại cơ bản các văn bản quy định về hoạt động tín dụng, sẽ ban hành đầy đủ trong quý III năm nay và có hiệu lực từ năm 2013. Sắp xếp lại cơ quan thanh tra giám sát hoạt động các NH. Phối hợp chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa (như đẩy nhanh chi tiêu công giúp giải phóng lượng hàng tồn kho, nhất là trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, giám sát các TCTD). Phối hợp với chính quyền địa phương, tòa án để phát mãi, xử lý nhanh các khoản nợ trong hệ thống NH để xử lý nợ xấu.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng hỏi: “Từ đây đến cuối năm hoặc giữa năm sau, liệu nợ xấu có giảm không? Nếu giảm, còn bao nhiêu?”. Thống đốc trả lời: “Theo thông lệ quốc tế, ngưỡng nợ xấu an toàn ở mức dưới 3%, còn nợ xấu trên 3- 5% là ở mức nguy hiểm. Việc giảm nợ xấu phụ thuộc vào môi trường kinh tế trong nước và thế giới. Tôi tin tưởng chúng ta sẽ cải thiện được tình hình nợ xấu ở mức an toàn mà thế giới quy định”.
Giảm LS: sẽ thận trọng
Vấn đề LS cũng làm nóng nghị trường, khi sự quan tâm của các ĐBQH kỳ vọng mặt bằng LS sẽ tiếp tục giảm và muốn biết nguyên nhân vì sao LS vẫn cao. ĐBQH tỉnh Quảng Nam Ngô Văn Minh chất vấn: “NHNN quy định trần LS huy động ở mức 9%/năm nhưng trên thị trường các NH áp dụng ở mức 11- 12%/năm. Các NH đang lãi lớn nhưng tại sao NHNN không kéo LS cho vay xuống ở mức 13%/năm mà lại ở mức 15%/năm?” Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, trong quá khứ việc các NH lãi lớn là có thể có nhưng hiện nay điều này không còn nữa. Với LS huy động 10- 12%/năm cùng với việc những quy định của NHNN về trích dự phòng rủi ro, chi phí về mặt bằng cho thuê, nhân sự… việc quy định LS cho vay ở mức 15%/năm thì các NH thương mại, cổ phần cơ bản là hòa vốn.
Đề cập đến yêu cầu các TCTD đưa các khoản LS cũ về 15%/năm, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, Công văn 198 của NHNN về việc giảm LS trong thời gian qua chỉ như là một lời đề nghị nhưng đã góp phần giảm LS. Trước đây dư nợ có LS trên 15%/năm chiếm trên 65% nhưng tính đến ngày 16/8, chỉ còn 24%. Kết quả này có thể coi là một thành công nhất định của việc kéo giảm LS. Nếu vấn đề thanh khoản tiếp tục được duy trì thì mặt bằng LS sẽ còn giảm.
Theo Thống đốc, giấc mơ LS đã thực hiện được. Ông cho rằng: Cuối năm 2011, việc giảm LS xuống còn một con số, ở mức 9%/năm được coi như giấc mơ nhưng đến nay chúng ta đã làm được. Việc hạ LS như vừa rồi là đúng thời điểm và được nhiều tổ chức quốc tế ủng hộ. Việc điều hành LS phải dựa trên cơ sở chặt chẽ chứ không thể thích thì làm. Một số tổ chức quốc tế còn than phiền việc giảm LS của VN như vừa qua là quá nhanh.
Do đó, Thống đốc thừa nhận: “Từ nay trở đi cần phải thận trọng trong việc đưa ra chính sách điều chỉnh giảm LS. Bởi nếu chúng ta không cố gắng giữ giá trị của đồng tiền Việt Nam thì người dân sẽ chuyển sang đầu cơ USD, vàng như trước đây. Điều này hoàn toàn không có lợi cho nền kinh tế”.
Bài, ảnh: LÝ AN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin