Làm gì và làm như thế nào để vực dậy tiềm năng du lịch ĐBSCL hay phát triển bền vững du lịch đồng bằng? Đó là những trăn trở nhiều năm của những người tâm huyết với ngành. Tại hội nghị sơ kết vừa qua của Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, đã có rất nhiều ý kiến đóng góp của lãnh đạo hiệp hội và các doanh nghiệp xoay quanh các vấn
Khách Tây mua tour về An Giang ngày càng đông.
Làm gì và làm như thế nào để vực dậy tiềm năng du lịch ĐBSCL hay phát triển bền vững du lịch đồng bằng? Đó là những trăn trở nhiều năm của những người tâm huyết với ngành. Tại hội nghị sơ kết vừa qua của Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, đã có rất nhiều ý kiến đóng góp của lãnh đạo hiệp hội và các doanh nghiệp xoay quanh các vấn đề này. Chúng tôi xin tổng hợp một số ý kiến quan trọng.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL Châu Bỉnh Khung: “Tạo điểm nhấn cho du lịch ĐBSCL”
Trong 2 năm 2009- 2010, đã bình chọn đạt 9 điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL. Các điểm du lịch tiêu biểu, sau khi được quảng bá rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, đã tạo được sự chú ý của du khách, giúp du khách có địa chỉ tin cậy khi muốn khám phá du lịch đồng bằng. Từ đó, lượng du khách đến các điểm du lịch tiêu biểu không ngừng tăng lên, đồng nghĩa với việc góp phần tăng trưởng lượng du khách đến với ĐBSCL.
Tuy nhiên, các điểm được bình chọn tiêu biểu chưa hẳn là đã hoàn thiện. Vì vậy, sự tác động từ phía du khách ngày càng đông về số lượng, cũng như nhu cầu nâng cao về chất lượng, vô cùng phong phú, đa dạng; để đáp ứng nhu cầu trên, bản thân các điểm du lịch phải không ngừng đầu tư, nâng cao chất lượng phục vụ, cũng như đa dạng hóa các dịch vụ du lịch cho du khách. Đồng thời cần có sự quan tâm nhiều hơn nữa từ phía cơ quan Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch không ngừng phát triển. Chúng ta nhận thấy, những tỉnh, thành đang có sự phát triển mạnh mẽ về du lịch, đều được sự quan tâm đặc biệt từ phía lãnh đạo địa phương, đều có những nghị quyết riêng về du lịch.
Mặc dù chưa đạt yêu cầu như mong muốn, nhưng có thể coi đây là kết quả của quá trình hoạt động tạo ra điểm nhấn, góp phần cho du lịch ĐBSCL phát triển bền vững trong những năm tiếp theo, như đề án phát triển du lịch ĐBSCL đến năm 2020 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT và DL).
Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch ĐBSCL Lâm Thanh Bình: “Nâng tầm hoạt động liên kết hợp tác”
Với những lợi thế về tiềm năng phát triển du lịch, tài nguyên du lịch phong phú, nhiều di tích lịch sử văn hóa có giá trị, có nhiều loại hình văn nghệ dân gian nổi tiếng như: cải lương, đờn ca tài tử và các món ăn đặc trưng Nam Bộ. Gần đây, hệ thống giao thông thủy bộ, hàng không đã có sự phát triển thuận tiện đi lại nội vùng, cả nước và đến với các nước láng giềng. Có thể nói ĐBSCL có đủ điều kiện để khẳng định vai trò của mình là một cực tăng trưởng của du lịch Việt Nam, có sức lan tỏa thúc đẩy sự phát triển cả vùng, và mở rộng liên kết hợp tác du lịch quốc tế. Thế nhưng, thời gian qua mức độ khai thác sử dụng tài nguyên và lợi thế vốn có chưa tương xứng, hiệu quả mang lại chưa đạt như mong muốn.
Để phát triển nhanh hơn trong thời gian tới, các tỉnh, thành Tây Nam Bộ cần nâng cao chất lượng hoạt động liên kết, hợp tác, chú ý quy hoạch sản phẩm đặc trưng của từng địa phương trong tổng thể vùng. Các hoạt động liên kết này phải khai thật cụ thể, thống nhất thời gian, đơn vị thực hiện, qua đó làm mới tour tuyến của vùng, tạo sự hấp dẫn du khách.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL Châu Bỉnh Khung: “Chủ trương và chính sách nhất quán đẩy mạnh phát triển du lịch ĐBSCL”
Nghị quyết của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế- xã hội và đảm bảo quốc phòng- an ninh vùng ĐBSCL có nêu rõ: “Phát triển mạnh các loại hình du lịch sinh thái, du lịch sông nước, tham quan rừng ngập mặn, du lịch văn hóa, gắn với TP Hồ Chí Minh, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và các tuyến du lịch liên vùng Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và các nước trong khu vực. Cho phép áp dụng một số cơ chế khuyến khích ưu đãi cho phát triển du lịch, xây dựng huyện đảo Phú Quốc thành một trung tâm du lịch lớn của cả nước và là một cầu nối trong hội nhập kinh tế giao thông có hiệu quả với khu vực”.
Về mặt Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 492, phê duyệt Đề án thành lập vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL. Trong đó xác định: “Là trung tâm dịch vụ (giáo dục- đào tạo, y tế, khoa học- công nghệ, thương mại…), du lịch lớn của cả nước”. Từ đó, Bộ VH-TT và DL quyết định phê duyệt Đề án phát triển du lịch ĐBSCL đến năm 2020, để khai thác có hiệu quả tiềm năng phát triển du lịch ĐBSCL một cách toàn diện về kinh tế, văn hóa- xã hội, quốc phòng- an ninh và môi trường. Trên đây là quan điểm, chủ trương, chính sách nhất quán đẩy mạnh phát triển du lịch ĐBSCL.
Rừng Trà Sư (An Giang) có sức hấp dẫn lạ kỳ.
Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch ĐBSCL Lâm Thanh Bình: “Mở rộng liên kết quốc tế”
Trong khi chờ đợi “nhạc trưởng” của vùng, ngoài sự hỗ trợ, chỉ đạo của BCĐ Tây Nam Bộ, thiết nghĩ Bộ VH-TT và DL, Tổng cục Du lịch sớm thành lập Ban Điều phối phát triển du lịch ĐBSCL, để có cơ sở điều phối, thực hiện các hoạt động liên kết của vùng, phối hợp thực hiện Đề án phát triển du lịch ĐBSCL đến năm 2020 và đẩy mạnh các hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch.
Ngoài ra, du lịch Tây Nam Bộ với tư cách là một thể thống nhất. Cụ thể là BCĐ Tây Nam Bộ hoặc Ban Điều phối phát triển du lịch đồng bằng cần đẩy mạnh hợp tác, liên kết với Campuchia, đầu tư khai thác tuyến du lịch ven biển: Việt Nam- Campuchia- Thái Lan, tuyến đường thủy dọc sông Mekong, tuyến đường bộ Hà Tiên- Châu Đốc sang Campuchia và cả Thái Lan. Nhiều chuyên gia nước ngoài cho rằng, để khai thác tốt sản phẩm du lịch, ĐBSCL cần tập trung tuyên truyền quảng bá sản phẩm đặc trưng, thật ấn tượng để thu hút khách, nhất là khách quốc tế, quan tâm phát triển du lịch cộng đồng, nông thôn, khuyến khích người dân củng cố và phát triển làng nghề truyền thống, hàng thủ công mỹ nghệ kết hợp với phục vụ
du lịch.
Đồng thời, cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch trong mối quan hệ toàn vùng, đẩy mạnh liên kết đào tạo bồi dưỡng, nâng cao tính chuyên nghiệp trong phục vụ du lịch. Có thế, du lịch ĐBSCL mới tạo được bước đột phá, phát triển nhanh hơn nữa trong thời gian tới.
QUANG THUẦN (tổng hợp)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin