Nghị định (NĐ) 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng của Chính phủ được ban hành, theo nhiều ý kiến đây là bước đi quan trọng trong việc “trị những căn bệnh” của thị trường vàng trong nước thời gian qua. Tuy nhiên, cũng có một số vấn đề cần quan tâm…
Nghị định (NĐ) 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng của Chính phủ được ban hành, theo nhiều ý kiến đây là bước đi quan trọng trong việc “trị những căn bệnh” của thị trường vàng trong nước thời gian qua. Tuy nhiên, cũng có một số vấn đề cần quan tâm…
Dễ quản lý chất lượng vàng
NĐ ra đời nhằm lập lại trật tự hoạt động kinh doanh và sản xuất vàng miếng. Trong đó, Nhà nước độc quyền sản xuất, xuất khẩu và nhập khẩu vàng nguyên liệu. Vì vậy, dân là người hưởng lợi đầu tiên do chất lượng vàng miếng được đảm bảo.
Tuy nhiên, các đại lý, doanh nghiệp (DN) kinh doanh vàng trên thị trường tự do sẽ thu hẹp do phải đủ điều kiện mới được cấp phép kinh doanh vàng miếng. Như thành lập đúng quy định nhà nước, có vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng trở lên, có kinh nghiệm kinh doanh từ 2 năm trở lên, thuế phải nộp từ việc kinh doanh vàng từ 500 triệu đồng/năm trong vòng 2 năm liên tiếp, có mạng lưới kinh doanh từ 3 tỉnh, thành thuộc Trung ương. Căn cứ theo các điều kiện này, hiện Vĩnh Long có hơn 300 DN, hộ cá thể kinh doanh vàng nhưng “loáng thoáng” sẽ rất ít DN hội đủ điều kiện, thậm chí là không có. Theo ông N.M. Hoàng- chủ tiệm vàng ở TP Vĩnh Long, các quy định sẽ khiến các DN kinh doanh vàng miếng thu hẹp dần, vì không riêng gì Vĩnh Long mà hầu hết cả nước khó có DN nào đủ điều kiện.
Theo một chủ tiệm kinh doanh vàng khác cũng ở TP Vĩnh Long, NĐ trên ngoài đảm bảo chất lượng vàng miếng còn nhằm vào vàng nữ trang, mỹ nghệ hoặc các mặt hàng trang trí bằng vàng khác. Theo ông, mặc dù không hội đủ điều kiện kinh doanh vàng miếng nhưng bản thân các tiệm vàng cũng không còn “nơm nớp sợ” vàng kém chất lượng từ các đầu mối khác như hiện nay. Riêng trường hợp DN nào “tính toán trục lợi, đầu cơ để làm lũng đoạn thị trường vàng” như thời gian qua cũng sẽ bị loại trừ. Từ đó, thị trường vàng có thể đi vào ổn định, không còn các bệnh “ngựa chứng” không theo quy luật như trước nữa.
Vừa qua, UBND tỉnh Vĩnh Long có chỉ thị về việc quản lý hoạt động kinh doanh vàng trên địa bàn tỉnh theo NĐ 24 của Chính phủ. Theo đó, trong 6 tháng kể từ ngày 10/7/2012, các DN, tổ chức tín dụng đang kinh doanh mua, bán vàng miếng trên địa bàn được tiếp tục kinh doanh mua, bán vàng miếng và phải hoàn tất thủ tục đăng ký kinh doanh. Sau ngày 10/1/2013, nếu không có giấy phép do Ngân hàng Nhà nước cấp, không được kinh doanh mua, bán vàng miếng.
Cần phổ biến sâu rộng NĐ
Ngoài ra, chỉ thị còn nêu rõ sau ngày 25/5/2013, các tổ chức không có giấy chứng nhận đủ điều kiện do Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Vĩnh Long cấp không được hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Cùng thời gian này, các tổ chức đang hoạt động kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ không thực hiện đăng ký lại với cơ quan đăng ký kinh doanh cũng không được hoạt động. Các cá nhân, hộ gia đình, hợp tác xã và DN được thực hiện gia công cho DN sản xuất vàng miếng trang sức, mỹ nghệ và phải có đăng ký gia công vàng trang sức, mỹ nghệ trong giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận DN theo quy định…
Hiện NĐ đã có, chỉ thị của UBND tỉnh cũng vừa được ban hành. Tuy nhiên, tại khá nhiều các tiệm vàng ở các huyện, xã vẫn chưa có nắm được nhiều thông tin. Anh H. Nghĩa- chủ một tiệm vàng thị trấn Long Hồ cho biết: Cũng mới nghe thoáng qua nội dung chính của NĐ nhưng thấy “không ảnh hưởng” gì, bởi tiệm không kinh doanh vàng miếng. Anh Nghĩa cũng cho biết thêm, hiện cũng không biết là phải làm thủ tục để xin đăng ký kinh doanh lại. Tương tự, chị Thy- chủ một tiệm vàng ở TP Vĩnh Long cũng “ngạc nhiên” với thông tin phải đăng ký kinh doanh lại với cơ quan chức năng. Chị cho biết vẫn chưa biết có NĐ, cũng chưa nắm nhiều thông tin về nội dung hướng dẫn. Do đó, hy vọng sắp tới sẽ có ngành chức năng tuyên truyền để người kinh doanh vàng được hiểu rõ và làm đúng với tinh thần của NĐ.
Tuy nhiên, bên cạnh những mục tiêu tích cực mà NĐ mang lại, nhiều DN, cá nhân kinh doanh vàng trên địa bàn Vĩnh Long cho rằng nếu không quản lý chặt chẽ thì dễ dẫn đến những “hệ lụy” về sau. Theo ông Hoàng, Nhà nước muốn quản lý tài sản quốc gia là vàng nhưng cần tránh tình trạng “lợi ích độc quyền”. Vì khi vàng là mặt hàng độc quyền thì khó có thể biết lợi nhuận sẽ như thế nào. Ngoài ra, chất lượng vàng cũng là cái quan trọng đối với tài sản “thân thuộc” của người dân.
Bài, ảnh: K. DUY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin