Trong điều kiện kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp (DN) phải tạm ngưng hoặc thu hẹp sản xuất. Tuy vậy, không ít DN vẫn ráng giữ chân người lao động, vì không nỡ thấy họ phải ra đi… Ở nhiều DN, người lao động còn trở thành động lực giúp DN vượt qua khó khăn, phát triển bền vững…
Ứng xử giữa chủ DN và người lao động sẽ là động lực quan trọng để phát triển bền vững (ảnh tư liệu).
Trong điều kiện kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp (DN) phải tạm ngưng hoặc thu hẹp sản xuất. Tuy vậy, không ít DN vẫn ráng giữ chân người lao động, vì không nỡ thấy họ phải ra đi… Ở nhiều DN, người lao động còn trở thành động lực giúp DN vượt qua khó khăn, phát triển bền vững…
Từ cái tình của DN với người lao động
DN thu hẹp sản xuất đồng nghĩa với một số lao động sẽ “ra đi” tìm bến đỗ mới. Ông Hồ Văn Vàng- Giám đốc Công ty TNHH Năm Vàng (Mang Thít) từng chia sẻ, khi nghề gốm bước vào giai đoạn khó khăn thì cũng chính là lúc lao động bỏ đi tìm công việc khác. Tuy nhiên, vẫn có những công nhân không “nỡ” bỏ mình đi và mình cũng phải có trách nhiệm tạo việc làm cho họ: “Những công nhân đã theo mình từ ngày đầu thì mình đâu thể nhìn họ mất việc. Bởi thế, phải tạo ra được công việc mới, cũng với sự quản lý của mình. Đến mùa gốm thì chuyển họ về làm”- ông nói.
Còn ông Huỳnh Dân Tâm- Giám đốc DNTN Tâm Hữu Tín (Phường 8- TP Vĩnh Long) nói: “Ở đây, có nhiều anh em đã theo mình làm từ rất lâu. Nếu thợ mới làm không được hoặc không cầu tiến, không chịu khó thì có thể cho nghỉ. Nhưng mấy anh em này, sẽ không bao giờ có chuyện cho nghỉ. Mà đời nào họ chịu nghỉ, gắn bó với mình lâu thì có cơm ăn cơm, có cháo ăn cháo”. Với ông, người công nhân quan trọng nhất là phải giỏi nghề, chịu khó rèn luyện, học hỏi. Mà những công nhân như thế thì ngay cả chủ DN cũng phải biết “nể”, biết quý mà tìm mọi cách để giữ chân. Không có nghĩa là trả lương thật cao mà còn có cái tình, cái nghĩa trong đó.
Không chỉ thế, nhiều chủ DN còn đứng ra tổ chức, tặng của hồi môn cho người lao động của mình khi lập gia đình. Một chủ DN ở Mang Thít xin giấu tên chia sẻ, đối với DN thì lao động là tài sản quý nhất, đặc biệt là có nhiều công nhân gắn bó với mình dù DN “lên hay xuống”. Chính vì thế, chuyện tặng con bò làm của hồi môn hay góp phần tổ chức tiệc cưới hỏi cũng là cái tình, cái nghĩa nên làm.
Trong khi đó, không chỉ đối xử tình cảm mà nhiều DN còn đưa ra nhiều giải pháp để người lao động có thể hiểu sâu, an tâm về nơi làm việc. Ông Bùi Văn Tho- Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khang Thịnh (Bình Minh) từng nói, chuyện công nhân đình công, lãn công không chỉ phụ thuộc vào tiền lương mà còn phụ thuộc nhiều vào các vấn đề “không minh bạch” khác. Ngoài ra còn phải tạo được uy tín đối với người lao động. Ngoài mức thu nhập ổn định ra thì các chế độ khác như bảo hiểm, tiền ngoài giờ, xét thưởng lao động, thưởng ngày lễ tết,… đúng theo pháp luật.
Đến động lực phát triển bền vững
“Một DN muốn sản xuất thì phải có công nhân, nếu không, máy móc dù hiện đại cách mấy cũng không làm gì được. Chính vì thế, DN muốn phát triển bền vững rất cần sự giúp sức từ phía người lao động”- ông Tho nhận xét. Ông cũng cho rằng từ những ứng xử, đối xử bình thường dù là nhỏ nhất với người lao động của chủ DN cũng có thể coi là động lực phát triển bền vững.
Tạo môi trường làm việc thoải mái để công nhân an tâm làm việc (ảnh minh họa).
Không chỉ như thế, trong khi kinh tế khó khăn, nhiều DN đã cơ cấu lại lao động của DN mình, mạnh dạn “bỏ qua” lao động kém, nhưng không thể nào để những người tốt về đạo đức và tay nghề phải ra đi. Bà Châu Thu Thủy- Phó Giám đốc Honda Tân Thành cho biết: Nhân viên kinh doanh của công ty đều được đi học nghiệp vụ, nhằm phục vụ khách tốt hơn. Nhưng mối quan hệ giữa lãnh đạo và nhân viên mới là mấu chốt để DN ngày càng phát triển bền vững. Nếu tạo ra một sự “bằng mặt không bằng lòng” đối với nhân viên thì rất khó. Cái quan trọng là hài hòa lợi ích giữa hai bên…
Theo anh Nguyễn Bá Đắc- công nhân đang làm việc cho một DN ở Khu công nghiệp Hòa Phú: Đã làm việc qua rất nhiều công ty nên hiểu rõ tại sao công nhân đình công, lãn công. Cũng có trường hợp là “ghét” lãnh đạo đến nỗi không muốn làm hoặc làm không đúng, không đủ, gây thiệt hại cho DN. “Làm cho công ty nào mà lãnh đạo đối xử tốt, chịu lắng nghe ý kiến của công nhân thì rất sướng. Có thể nói là lợi ích giữa người chủ và người lao động được đảm bảo. Từ đó, công nhân mới cảm thấy công việc mình làm rất đáng trân trọng, góp phần sức vào sự lớn mạnh cho công ty…” Còn chị Nguyễn Huỳnh Như- công nhân một DN sản xuất giày cho biết: Nếu lãnh đạo “chảnh”, không xem trọng công nhân thì sớm muộn gì cũng… thiếu lao động. Bởi, khi đó công nhân không còn cảm thấy thoải mái, tinh thần làm việc cũng giảm sút do “không muốn làm”.
Bài, ảnh: KHÁNH DUY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin