
Vĩnh Long tự hào “cái nôi” của du lịch xanh ĐBSCL và từ lâu kinh tế xanh, hay còn gọi là ngành công nghiệp “không khói” đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Thế nhưng, ngay cả những du khách dễ tính, cũng cảm thấy “hổng được hài lòng” khi hòa mình vào màu xanh miệt vườn sông nước.
Một chút vui khi được chủ vườn chỉ cách pha trà mật ong và thưởng thức ngay tại chỗ.
Vĩnh Long tự hào “cái nôi” của du lịch xanh ĐBSCL và từ lâu kinh tế xanh, hay còn gọi là ngành công nghiệp “không khói” đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Thế nhưng, ngay cả những du khách dễ tính, cũng cảm thấy “hổng được hài lòng” khi hòa mình vào màu xanh miệt vườn sông nước.
Miệt vườn sông nước: đi vòng vòng, ăn và… hết
Người viết mới dẫn đoàn du khách 16 người có cả trẻ em đến từ TP Hồ Chí Minh, họ là những người làm trong giới truyền thông, nghiên cứu sinh ở nước ngoài, giáo viên… họ nhờ thiết kế tour: không lo tiền bạc, chỉ cần thoải mái, thưởng thức đặc sản, hưởng thụ đêm miệt vườn sông nước. Để chắc ăn, tôi đặt tour trọn gói một công ty du lịch. Họ rất ngạc nhiên khi tour bao trọn gói gồm: đò chở khách, ăn tối, ăn sáng, ngủ qua đêm, đi chợ nổi- làng nghề, ghé vài điểm theo yêu cầu, chưa tới 400.000 đ/khách.
Chúng tôi được đưa đến ăn tối và nghỉ đêm tại một điểm du lịch khá mới mẻ, với rất nhiều mai vàng. Thực đơn bữa tối: Bánh xèo- lạ miệng, mỗi người 1 cái, nhưng khi cô nhân viên nói “các anh chị dùng thoải mái đi ạ” ai nấy khoát tay “món khác thôi”. Món cá lóc nướng trui- con cá bằng cườm tay, gắp 1 đũa hết vèo. Cháo gà, 2 bàn 2 dĩa và 2 tô cháo, gà có 3 đầu nhưng chỉ 4 chân! Hỏi còn món gì, nhân viên lắc đầu “hết rồi”. Đoàn phải kêu thêm cơm trắng cá kho tộ, thịt kho tiêu cho tụi nhỏ ăn no bụng.
Buổi chiều khi nhận phòng, ai cũng hồ hởi vì mình là “VIP”, toàn bộ khu du lịch chỉ có đoàn mình, thoải mái chọn phòng có máy lạnh, có cửa trổ ra ao cá mát mẻ. Nhưng tất cả thất vọng, có máy lạnh nhưng “hổng có xài được anh chị ơi”- nhân viên giải thích. Buổi tối lần mò ra bờ sông chơi, không có lấy 1 cái bóng đèn thắp sáng. Mấy đứa nhỏ mê chạy nhảy, cha mẹ phải theo suốt. Đêm không có gì ăn, tuy nhà hàng có nước uống, mì gói nhưng nhân viên đã về nhà nghỉ hoặc ngủ sớm! Còn ăn sáng chỉ có mỗi bánh mì ốp la (món này ở Sài Gòn ăn chán!).
Đường đi qua chợ nổi lênh đênh trên sóng nước, tiếp cận đời sống người dân ven sông. Khách vui hơn một chút vì có thể móc bóp ra mua trái dưa hấu, củ khoai lang chợ nổi. Ít ra cũng được nhìn người ta làm bánh tráng, làm cốm kẹo, được ăn sản phẩm, uống nước trà tại chỗ “thích thì mua ủng hộ dùm”. Anh Bách- nhân viên PR, nói “may mà có sông nước, miệt vườn vớt lại”.
Cần thêm một chút lửa
“Rồi đi đâu nữa”- một thành viên trong đoàn hỏi. “Mấy chỗ khác cũng na ná chỗ hồi hôm ngủ, cũng vườn, cũng cây vậy hà”- anh lái đò nói cho khách “an lòng”. Nhiều du khách nói du lịch Vĩnh Long đơn điệu không biết có đúng? Ngoài vài điểm lạ lạ: ngủ tại nhà dân nghe đờn ca tài tử, vào vườn hái trái, cỡi đà điểu- câu cá sấu, tát ao bắt cá. Còn lại khá giống nhau: du khách đi tham quan một vòng, rồi ghé vào ăn gà xé phay, cá tai tượng chiên xù, ốc hấp tiêu,…
Chiếc đò chở khách “nín thở” chui cầu bê tông bắc qua sông rạch.
Du khách luôn thấy thiêu thiếu khi đi du lịch miệt vườn. Nhiều vườn trái cây (theo mùa), khách thích hái trái nhưng chủ vườn cứ cò kè theo sau “ăn trái nào tui hái cho”. Có ao cá, khách muốn câu chơi nhưng “hổng có cần câu”. Nhiều lần tôi cũng bị đỏ mặt khi đặt bàn ăn tiếp khách. Ở một điểm du lịch lớn, thức ăn dọn lên bàn cái nào cũng “chút tí”, khách gắp qua một lượt đã hết. Đôi khi nhiều ít không quan trọng, chỉ cần nhìn- thấy- đã, cho sướng con mắt thôi. Nếu khách thuê tour trọn gói thì suốt các điểm đến tham quan gần như không có chỗ để tiêu tiền, muốn mua những món đặc sản của Vĩnh Long về làm quà cũng khó tìm ra. Xứ sở trái cây, nhưng những sản phẩm trái cây có thể mang đi như giỏ nhãn, giỏ chôm chôm, giỏ bưởi… cũng không hề có.
Một anh đồng nghiệp mời đoàn ghé dùng bữa cơm gia đình dưới vườn cây ăn trái, với “đặc sản còn hơn ở nhà hàng”. Các món ăn gỏi cuốn, tôm sông luộc, cá tai tượng chiên xù cuốn bánh tráng, gà nòi hầm sả… vừa ăn còn được chủ nhà chỉ cách ăn với từng món nước chấm, được giới thiệu cách chế biến, con gà này chỉ ngủ trên cây, con cá nuôi ao nước ra vô mỗi ngày. Khi về còn được quà xách tay mấy trái bưởi, trái dừa xỏ
dây lạt.
Cù lao du lịch An Bình mùa chôm chôm chín với những bảng chỉ đường tiếp thị.
Những món ăn và tình quê mộc mạc đã được chị Đoan Trang- nghiên cứu sinh ở Mỹ, đưa lên Facebook của mình, nhận được rất nhiều bình luận từ cộng đồng mạng “thích ghê”. Nhưng những ai đã đi qua Vĩnh Long, tỏ ra tiếc nuối: “Phải chi những người làm du lịch Vĩnh Long chăm chút thêm cho sản phẩm miệt vườn, đầu tư món ăn, tìm hiểu thị hiếu du khách… Sao không tăng giá tour, tăng tiền món ăn để du khách khá giả được phục vụ chu đáo hơn? Ngành kinh tế xanh- công nghiệp “không khói”, rất cần một chút lửa nhiệt tình- như gia đình anh đồng nghiệp thì miệt vườn sông nước sẽ cuốn hút và đáng nhớ biết bao nhiêu.
Bài, ảnh: LAN THƯƠNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin