Qua hơn 25 năm cải cách kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế, nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình giai đoạn 2001- 2010 là 7,26%, nước ta trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp.
Thị trường bất động sản sẽ được khơi thông khi công ty thu mua nợ xấu đẩy “cục máu đông nợ” ra khỏi nền kinh tế (ảnh minh họa).
Qua hơn 25 năm cải cách kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế, nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình giai đoạn 2001- 2010 là 7,26%, nước ta trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp. Cơ cấu kinh tế, cơ sở hạ tầng, xóa đói giảm nghèo,… đều đạt những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, nền kinh tế chung vẫn còn không ít yếu kém, tăng trưởng GDP cao nhưng đã có xu hướng chậm lại, chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Đấy cũng chính là những lý do để Chính phủ lập đề án Tái cơ cấu (TCC) kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả, năng suất và năng lực cạnh tranh.
Ưu tiên tái cơ cấu ngân hàng- đầu tư công và doanh nghiệp nhà nước
Với mục tiêu tổng quát của TCC kinh tế đến năm 2020 là nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực xã hội, nâng cao năng suất lao động, năng suất các yếu tố tổng hợp và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, thúc đẩy mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu,… Trong điều kiện thực tế của nước ta hiện nay, Hội nghị lần thứ 3 BCH Trung ương khóa XI đã xác định 3 lĩnh vực ưu tiên TCC trong 5 năm tới là: TCC đầu tư với trọng tâm là đầu tư công; TCC thị trường tài chính với trọng tâm là TCC hệ thống các ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính; TCC doanh nghiệp (DN) nhà nước mà trọng tâm là các tập đoàn và tổng công ty nhà nước.
TCC hệ thống ngân hàng nhằm loại bỏ nguy cơ mất an toàn đối với hệ thống tài chính nói riêng và nền kinh tế nói chung. Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa- nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, Vụ trưởng Vụ Chiến lược ngân hàng nhà nước Trung ương khẳng định: Kinh tế Việt Nam “có bệnh”. Mấy năm gần đây lãi suất thấp, tăng trưởng tín dụng nóng, dẫn đến lạm phát cao và nợ xấu tăng lên. Khi Chính phủ bắt đầu chống lạm phát thì dẫn đến tình trạng lãi suất cao, tổng cầu giảm dẫn đến hàng tồn kho tăng lên, nợ xấu lại tăng lên. Vòng lẩn quẩn này cần được TCC lại để tạo điều kiện cho hệ thống tài chính phát triển tốt hơn, làm tiền đề thúc đẩy TCC các lĩnh vực kinh tế khác. Cũng vì vậy, việc thành lập công ty mua bán nợ- tuy cũng nhằm để TCC hệ thống ngân hàng và DN- đã được đặt ra. Song, cũng còn nhiều vấn đề cần quan tâm. Bởi hầu hết nợ xấu thường là bất động sản. Như vậy, liệu có trường hợp nào ngân hàng chỉ bán “miếng đất xấu” và giữ lại “miếng đất tốt”. Theo Tiến sĩ Nghĩa: “Nếu ngân hàng nào không bán lại nợ xấu cũng sẽ có nhiều cách xử lý: dự trích quỹ rủi ro, kiểm soát tăng trưởng tín dụng… Nhiệm vụ của công ty mua bán nợ là đẩy nợ xấu ra khỏi nền kinh tế”. Tất nhiên, vấn đề này còn có khá nhiều ý kiến băn khoăn cần phải được làm thật rõ. Sao cho TCC hệ thống tài chính phải đạt hiệu quả cao nhất.
Vấn đề TCC DN nhà nước mà trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty được đặt ra nhằm xác định rõ vai trò, chức năng của từng loại DN nhà nước; đổi mới, phát triển và áp dụng khung quản trị theo thông lệ quốc tế; đồng thời, áp đặt đầy đủ kỷ cương nhà nước và kỷ luật thị trường, buộc các DN nhà nước phải hoạt động đầy đủ theo cơ chế thị trường và cạnh tranh bình đẳng như các DN khác.
Một trong 3 lĩnh vực ưu tiên TCC nữa là đầu tư công với những đổi mới căn bản về cơ chế và cách thức huy động, phân bố, quản lý và sử dụng vốn đầu tư xã hội. Tiến sĩ Võ Chí Thành- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương đặt vấn đề: Vốn để đầu tư công là từ trái phiếu chính phủ, vốn ODA,… nên hiệu quả đầu tư này ra sao, có kích thích và lôi kéo đầu tư tư nhân hay không? Vì vậy, làm thế nào để giảm bớt rủi ro trong đầu tư công, giảm thiểu nợ công xuống mức thấp nhất là vấn đề cần bàn luận và có hướng giải quyết triệt để.
Vừa tái cơ cấu vừa gỡ khó cho DN
Không chỉ tập trung TCC DN nhà nước, đề án TCC còn đặt ra vấn đề song song, là nâng cao chất lượng DN tư nhân và đầu tư nước ngoài. Bởi thực tế cho thấy, từ năm 2000 đến nay, khu vực kinh tế tư nhân trong nước đã tăng trưởng vượt bậc cả về số lượng lẫn chất lượng. Một số đã trở thành các tập đoàn kinh tế và thuộc vào nhóm các DN lớn nhất của quốc gia. Vì vậy, hiện nay, khi các DN liên tục gặp khó như hàng tồn kho cao, khó tiếp cận nguồn vốn, phải thu hẹp sản xuất.v.v… thì nhiều DN cũng đã và đang chủ động TCC nội bộ, chọn phương thức kinh doanh phù hợp. Đề án cũng đã đặt ra nhiều chương trình và giải pháp hỗ trợ DN nhỏ và vừa, như: hỗ trợ đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực quản lý, nâng cao chất lượng sản phẩm…
Điều này là hoàn toàn phù hợp với việc thực hiện Nghị quyết 13 của Chính phủ nhằm có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường. Bởi theo Tiến sĩ Võ Chí Thành thì TCC mỗi DN cũng chính là TCC lại cung và cầu. Trong giai đoạn khó khăn, TCC có thể thay đổi theo một hướng nào đó, như thay đổi cơ cấu xuất nhập khẩu, mặt hàng, thay đổi cơ cấu vốn, thay đổi đất sử dụng,…
Riêng tại hội nghị triển khai Nghị quyết 13 của UBND tỉnh Vĩnh Long, ông Nguyễn Văn Diệp- Chủ tịch UBND tỉnh đã đưa ra hàng loạt yêu cầu cho các ngành các cấp, nhằm nhanh chóng tháo gỡ khó khăn cho các DN, đồng thời cũng là TCC lại đầu tư công. Cụ thể, yêu cầu Sở Kế hoạch- Đầu tư rà soát cụ thể từng công trình, đẩy nhanh tiến độ; nhưng những dự án sửa chữa lớn, cải tạo cơ sở vật chất chưa thật bức xúc thì tạm dừng. Đặc biệt, theo dõi DN thuận lợi, khó khăn thế nào để tham mưu thật tốt cho UBND tỉnh. Riêng Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Vĩnh Long phải quản lý thật tốt, thực hiện đầy đủ và đúng theo tinh thần của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Tiền cho vay phải chắc chắn nhưng cũng phải “vì cái tâm” đối với DN. Tuy nhiên, cũng cần phải tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng; sử dụng chủ động, linh hoạt các công cụ của chính sách tiền tệ, bảo đảm tốc độ tăng trưởng tín dụng, thực hiện kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, giảm được mặt bằng lãi suất,… đúng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước…
Bài, ảnh: P. NAM- K. DUY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin