Kỳ cuối: Làm sao để doanh nghiệp tiếp cận dịch vụ ngân hàng?

06:06, 03/06/2012

Vai trò của tín dụng ngân hàng (NH) đã thấy rõ, tuy nhiên bước vào thời kỳ mới cũng chính là khó khăn, thách thức mới. Trong đó, khả năng tiếp cận nguồn vốn và các dịch vụ NH của doanh nghiệp, các thành phần kinh tế được cho là một vấn đề nan giải, nhất là trong giai đoạn khó khăn. Vậy làm thế nào để giải quyết vấn đề này, tạo nền để doanh nghiệp (DN) vượt qua và là tiền đề

>> Kỳ 1: ĐBSCL: Tiềm năng và những hạn chế

>> Kỳ 2: Tín dụng ngân hàng đối với tăng trưởng kinh tế vùng

 



Đa dạng các loại hình dịch vụ, tăng tiện ích,… sẽ tạo điều kiện để DN có thể tiếp cận với vốn vay NH. (Ảnh minh họa)

Vai trò của tín dụng ngân hàng (NH) đã thấy rõ, tuy nhiên bước vào thời kỳ mới cũng chính là khó khăn, thách thức mới. Trong đó, khả năng tiếp cận nguồn vốn và các dịch vụ NH của doanh nghiệp, các thành phần kinh tế được cho là một vấn đề nan giải, nhất là trong giai đoạn khó khăn. Vậy làm thế nào để giải quyết vấn đề này, tạo nền để doanh nghiệp (DN) vượt qua và là tiền đề để phát triển mạnh trong thời gian tới?

Chủ động nhìn về phía DN

Trong những năm trở lại đây, tình hình kinh tế trở nên bất ổn. Nhiều DN hoạt động khó khăn, thua lỗ hoặc ngừng sản xuất. Từ đó, nhu cầu vốn ngày càng cao. Tuy nhiên, vốn cho vay từ các tổ chức tín dụng, NH không thể đáp ứng đủ nhu cầu, khiến DN đã khó lại càng thêm khó. Hiện vùng ĐBSCL có khoảng 95% là DN có quy mô nhỏ và vừa. Theo các chuyên gia kinh tế, đối tượng DN này rất dễ bị “tổn thương”. Vừa qua, Chính phủ, NH Nhà nước đã có nhiều biện pháp để ứng cứu DN khỏi nguy cơ thua lỗ, tiếp tục sản xuất kinh doanh. Các biện pháp về thuế như: gia hạn nộp thuế, giảm tiền thuê đất,… trong Nghị quyết 13 của Chính phủ; giao Bộ Tài chính báo cáo Quốc hội xem xét giảm 30% thuế thu nhập DN trong năm 2012; miễn thuế khoán (thuế giá trị gia tăng, thu nhập cá nhân, thuế thu nhập DN);… hạ lãi suất cho vay xuống còn 15%/năm trong Thông tư 14 của NH Nhà nước;… đã cho thấy tính kịp thời của Nhà nước đối với DN.

Mặt khác, gói hỗ trợ DN 29.000 tỷ đồng cũng đã được tính đến bằng nhiều phương án nhằm khai thông dòng vốn. NH Nhà nước còn yêu cầu các NH thương mại niêm yết công khai mức lãi suất cho vay trên từng lĩnh vực. Riêng khu vực ĐBSCL, NH Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng cho biết sẽ tiếp tục hỗ trợ tín dụng xuất khẩu nông- thủy sản với quy mô khoảng 100 triệu USD. Mức lãi suất cho vay đối với chương trình này sẽ thấp hơn khoảng 2% so với lãi suất cho vay thông thường…

Mặt khác, để chủ động nguồn vốn cho vay, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Mùi- Giám đốc Trường Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực NH Thương mại CP Công thương Việt Nam cho rằng ngành NH cần nâng cao hơn nữa sự đa dạng, chất lượng, tiện ích dịch vụ. Cần phát triển các loại hình dịch vụ NH hiện đại, mở rộng kênh phân phối, tạo thuận tiện trong giao dịch, tăng tính an toàn cho khách hàng,… Bà nhấn mạnh thêm, các NH thương mại cần đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ, xem DN là một trong những cơ sở hạ lãi suất, xây dựng thương hiệu, thực hiện hiệu quả chăm sóc khách hàng,…

DN cũng cần chủ động

Một thực tế hiện nay là giữa NH và DN chưa thật sự có tiếng nói chung và tồn tại khá nhiều vấn đề bất cập làm NH có tiền cũng không thể giải ngân, DN thiếu vốn cũng vô phương vay được. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Mùi thì các mặt còn hạn chế của không ít DN là rào cản tiếp cận vốn như: chưa hiểu sâu sắc các loại hình dịch vụ NH nên còn thận trọng khi tiếp cận và sử dụng các dịch vụ NH, nhất là các dịch vụ NH hiện đại; một số DN do năng lực tài chính hạn chế, uy tín chưa cao nên vay vốn thiếu tài sản đảm bảo; một số DN tuy có khối tài sản lớn nhưng lại có nhiều lý do không thể hiện trên sổ sách và chứng từ; chưa có quy định bắt buộc báo cáo tài chính của tất cả các DN nhỏ và vừa phải được kiểm toán dẫn đến thiếu thông tin chính xác cung cấp cho NH;… Các hạn chế này cần phải được khắc phục.


DN cần sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, hiệu quả, đảm bảo minh bạch sẽ làm mối liên kết giữa DN và NH thêm chặt chẽ. (Ảnh minh họa)

Theo ý kiến của bà Mùi, để nâng cao hiệu quả liên kết giữa NH và DN thì ngoài sự cố gắng của các NH, DN cần hoàn thiện, tìm kiếm các thông tin để dễ dàng chủ động tiếp cận và sử dụng dịch vụ. Trong đó, DN ngoài các vấn đề về phân tích, tìm hiểu thị trường; cơ chế, chính sách hội nhập thì cần chủ động đổi mới hệ thống quản trị nội bộ, tăng cường quản lý tài chính nhằm chủ động và hiện thực hóa cơ hội…

Trong khi đó, theo ý kiến của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mai Văn Nam- Trưởng khoa Kinh tế (Đại học Cần Thơ), muốn dễ dàng tiếp cận tín dụng thì các DN cần dựa vào thông tin về hệ thống tiêu chí đánh giá và mức độ tín nhiệm các khoản vay của NH đặt ra. DN tự đề ra cho mình cơ sở về mức độ vay vốn và các tiêu chí thỏa mãn yêu cầu của NH. Mặt khác, DN cần sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, đảm bảo sử dụng hiệu quả, an toàn. Đồng thời DN cần đảm bảo tài chính minh bạch, rõ ràng. Nếu DN tự chủ động được các vấn đề trên thì lợi ích giữa DN và NH sẽ được đảm bảo theo hướng phát triển bền vững, lâu dài…

Bài, ảnh: KHÁNH DUY

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh