Kỳ 2: Tín dụng ngân hàng đối với tăng trưởng kinh tế vùng

01:06, 01/06/2012

Làm sao khai thác tiềm năng để phát triển và vượt qua khó khăn, thách thức và những hạn chế “cố hữu” trong thời gian tới là các vấn đề được nhiều chuyên gia quan tâm. Tín dụng ngân hàng (NH) được cho là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế vùng.

>> Kỳ 1: ĐBSCL: Tiềm năng và những hạn chế


Tín dụng NH góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp- nông thôn thời gian qua và cũng là
động lực thúc đẩy trong thời gian tới.

Làm sao khai thác tiềm năng để phát triển và vượt qua khó khăn, thách thức và những hạn chế “cố hữu” trong thời gian tới là các vấn đề được nhiều chuyên gia quan tâm. Tín dụng ngân hàng (NH) được cho là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế vùng.

Thực trạng tín dụng ngân hàng

Trong nhiệm vụ 10 năm thực hiện Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị cũng đã khẳng định để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đưa ĐBSCL tiến tới hội nhập quốc tế thì tín dụng NH được xem là giải pháp cơ bản có ý nghĩa quyết định. Số liệu thống kê của NH Nhà nước Việt Nam, tính đến ngày 31/12/2011, toàn vùng ĐBSCL có tổng cộng 293 chi nhánh NH thương mại, cùng hàng chục quỹ tín dụng nhân dân trải đều khắp các tỉnh, thành. Theo Tiến sĩ Đào Minh Tú- Chánh văn phòng NH Nhà nước Việt Nam thì NH Nhà nước với chức năng là cơ quan quản lý tiền tệ và hoạt động NH đã tham mưu cho cấp ủy từng địa phương có những hướng đi chính xác, hiệu quả. Bên cạnh đó là các hệ thống tổ chức tín dụng có mạng lưới rộng khắp từ tỉnh đến huyện, liên xã của hầu hết các loại hình tín dụng gồm: 4 NH thương mại Nhà nước (Ngoại thương, Công thương, Đầu tư, Nông nghiệp), 1 NH Phát triển nhà ĐBSCL, 1 NH Chính sách xã hội, 36 NH thương mại cổ phần,… Nhờ vậy đã đáp ứng khá tốt nhu cầu vốn ngày càng tăng của doanh nghiệp, hộ gia đình ở các địa phương trong vùng. Đồng thời đội ngũ chuyên môn ngành NH tiếp tục được đầu tư đào tạo, làm cho chất lượng ngành ngày càng đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả khá tích cực. Cũng theo ông Tú, nếu như năm 2001, các tổ chức tín dụng chỉ huy động được khoản 9.400 tỷ đồng (chỉ chiếm 4,04% tổng vốn huy động cả nước) thì sau 10 năm, tổng vốn huy động đã tăng gấp 18 lần, vào khoảng hơn 167.500 tỷ đồng. Tỷ trọng vốn huy động của vùng luôn tăng cao trong những năm trở lại đây và là “nguồn lực tại chỗ quan trọng để thực hiện đầu tư sản xuất và chuyển dịch cơ cấu kinh tế”.

Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp của tín dụng NH thì việc tiếp cận nguồn vốn được xem là khâu “khó thở” đối với người cần vốn, nhất là trong những năm kinh tế bước vào thời kỳ khó khăn. Theo ông Trần Văn Cứng- Phó Chủ tịch Hội Nông dân An Giang, trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế thì nhu cầu vốn ngày cao trong khi việc tiếp cận vốn lại có nhiều vướng mắc. Theo ông, thủ tục vay vốn phức tạp, lợi ích giữa người vay và NH chưa thật sự bình đẳng, sự hỗ trợ từ các tổ chức đoàn thể,… chưa thật sự hiệu quả. Điều này phần nào làm cản trở phát triển kinh tế, trước tiên là ảnh hưởng đến kinh tế nông nghiệp, sau là các ngành công nghiệp (CN) chế biến liên quan cũng phát triển chậm chạp.

Vốn trong thời đại mới

Đứng trước nhiều tiềm năng, thách thức cũng như nhiều cơ hội mở ra, nhiều chuyên gia nhận định vai trò vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL sẽ cực kỳ quan trọng trong tương lai. Đặc biệt là phát triển mạnh kinh tế theo hướng CN- dịch vụ. Theo số liệu thống kê của BCĐ Tây Nam Bộ, nếu như năm 2000, tỷ trọng của ngành CN (bao gồm xây dựng) là 18,5%, ngành dịch vụ là 28% thì đến cuối năm 2010, tỷ trọng tăng lần lượt là 26% và 35%. Trong khí đó, theo định hướng trong giai đoạn 2011- 2020, GDP tăng bình quân toàn vùng là 12%/năm. Riêng tỷ trọng ngành CN trong giai đoạn này sẽ tăng 30%. Đồng thời kêu gọi đầu tư nhiều dự án có quy mô tầm quốc gia, có ý nghĩa hết sức quan trọng. Trong đó, sẽ tập trung chính yếu đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi và phát triển nguồn nhân lực mà nguồn vốn đầu tư, tín dụng NH là một trong những yếu tố then chốt.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Hữu Nghĩa- Vụ trưởng Vụ Dự báo, thống kê tiền tệ (NH Nhà nước Việt Nam) thì vốn đầu tư đóng vai trò quan trọng trong khai thác tiềm năng, thế mạnh và thúc đẩy kinh tế vùng. Bằng chứng là kinh tế ĐBSCL luôn tăng trưởng vượt bậc trong thời gian qua, tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo, cải thiện chất lượng cuộc sống và an sinh xã hội. Mặt khác, tín dụng NH còn đóng góp một phần không nhỏ cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh thu hút đầu tư trong và ngoài nước.

Đánh giá về vai trò của tăng cường nguồn lực tài chính trong thời đại mới, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Thanh- Viện trưởng Viện Chiến lược NH (NH Nhà nước Việt Nam) cho rằng, về mặt kinh tế, tuy ĐBSCL có nhiều phát triển nhưng xét ở một khía cạnh nào đó thì còn bộc lộ yếu kém. Bà cũng cho rằng năng lực tài chính của khu vực cũng còn yếu so với các khu vực khác do 2 nguyên nhân: năng lực tài chính và cơ sở hạ tầng. Do đó, tăng cường nguồn lực tài chính cũng sẽ là giải pháp tự nâng cao hiệu quả hoạt động NH, thu hút chất xám và kéo theo hiệu quả kinh doanh, phát triển kinh tế chung toàn vùng trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, theo Giáo sư, Tiến sĩ Võ Tòng Xuân (Hiệu trưởng Trường Đại học Tân Tạo), vai trò của NH còn đóng góp vai trò cực kỳ quan trọng để phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Theo đó, trong một khả năng tài chính giới hạn thì có thể đầu tư công trình trọng điểm để kích cầu chung. “Chúng ta đang đứng ở ngã ba đường đi đến phồn vinh, cần mạnh dạn đổi mới hơn nữa để nhanh chóng biến tiềm năng giàu đẹp của Việt Nam thành hiện thực”.

(Còn tiếp)

Bài, ảnh: KHÁNH DUY

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh