Phát triển khu tuyến công nghiệp (CN) hài hòa với môi trường, hài hòa lợi ích người dân vùng dự án, để tạo được sự đồng thuận, phát triển bền vững, chính là lựa chọn của ngành CN Vĩnh Long trong quá trình CN hóa-hiện đại hóa.
Phát triển khu- tuyến CN để chuyển dịch kinh tế địa phương theo hướng công nghiệp hóa.
Phát triển khu tuyến công nghiệp (CN) hài hòa với môi trường, hài hòa lợi ích người dân vùng dự án, để tạo được sự đồng thuận, phát triển bền vững, chính là lựa chọn của ngành CN Vĩnh Long trong quá trình CN hóa-hiện đại hóa.
Khu- tuyến CN: nhiều chuyển biến
Theo Ban Quản lý Các khu CN Vĩnh Long, tỉnh hiện có 2 khu CN là Hòa Phú, Bình Minh và tuyến CN Cổ Chiên. Đến nay đã có 30 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư (10 dự án có vốn đầu tư nước ngoài và 20 dự án trong nước), tổng số vốn đăng ký đầu tư trên 2.939 tỷ đồng và trên 116 triệu USD với tổng diện tích đất đã cho thuê là 160ha. Trong đó, có 5 dự án hoàn thành xây dựng toàn bộ diện tích, đi vào hoạt động; 16 dự án đi vào hoạt động giai đoạn 1; 9 dự án chưa triển khai do chưa có mặt bằng sạch, khó khăn về vốn.
Cụ thể, Khu CN Hòa Phú (giai đoạn 1) thu hút 16 dự án, đạt 100% diện tích đất CN, tổng vốn đăng ký hơn 593 tỷ và 94,61 USD, suất đầu tư bình quân 24 tỷ/ha, tương đương suất đầu tư các khu CN trong khu vực. Khu CN Bình Minh 9 dự án, đạt hơn 50% diện tích, tổng vốn đầu tư 952 tỷ và 14 triệu USD. Hiện 2 dự án đã đi vào hoạt động, 2 dự án đang xây dựng cơ bản, còn lại chưa triển khai. Tuyến CN Cổ Chiên 5 dự án, lấp đầy 100% diện tích, tổng vốn 1.394 tỷ và 7,4 triệu USD, trong đó 2 dự án đi vào hoạt động, 3 dự án còn vướng bồi hoàn giải tỏa. Khu CN Hòa Phú (giai đoạn 2) đang san lấp mặt bằng, chưa có nhà đầu tư thứ cấp thuê đất. Tháng 8/2011, Chính phủ chấp thuận cho tỉnh bổ sung 3 khu CN vào danh mục các khu CN ưu tiên thành lập mới đến năm 2015, định hướng đến năm 2020, là: Khu CN Bình Tân, Khu CN Đông Bình và Khu CN An Định.
Đánh giá của Ban Quản lý Các khu CN cho thấy, tuy gặp nhiều khó khăn trong thu hút kêu gọi đầu tư vào khu- tuyến CN và ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, nhưng các doanh nghiệp trong khu- tuyến CN vẫn đảm bảo ổn định sản xuất và doanh thu tăng trưởng khá trên 52% so cùng kỳ. Giá trị sản xuất CN các khu- tuyến CN hiện chiếm trên 47% giá trị toàn tỉnh, kim ngạch xuất khẩu chiếm 44,5%; góp phần tích cực nguồn thu ngân sách tỉnh.
Không chỉ góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mà giá hiệu quả mang lại từ các khu- tuyến CN rất lớn. Nếu năm 2005, có 2.676 lao động làm việc trong các khu- tuyến CN, trình độ tay nghề, tác phong CN rất nhiều hạn chế thì nay đã có 14.000 lao động (lao động trong tỉnh chiếm 82%), trình độ, tay nghề từng bước nâng lên. Thu nhập và đời sống người lao động được cải thiện. Quan hệ lao động dần hài hòa, ổn định, hạn chế xảy ra đình công, lãn công góp phần ổn định sản xuất kinh doanh.
Phát triển hài hòa và bền vững
Dù đã đạt nhiều kết quả đáng chú ý, mang lại hiệu quả kinh tế- xã hội lớn, nhưng quá trình phát triển khu- tuyến CN vẫn không tránh khỏi những vướng mắc. Đó là vấn đề bồi hoàn giải tỏa chưa thông ở một số dự án khiến doanh nghiệp mất cơ hội làm ăn, tỉnh cũng lỡ cơ hội đầu tư phát triển. Theo Ban Quản lý Các khu CN, đầu năm 2012, tại các khu- tuyến CN còn 98/1.757 hộ chưa nhận tiền bồi hoàn. Đến cuối tháng 4/2012, chỉ 31 hộ nhận tiền bồi hoàn, còn 67 hộ. Trong khi, số hộ nhận tiền nhưng chưa di dời là 47 hộ. Từ việc vận động các hộ bị thu hồi đất bàn giao mặt bằng, đến khiếu nại làm chậm tiến độ dự án, thậm chí phải dùng “biện pháp mạnh” cưỡng chế là những bài học đắt giá mà quá trình phát triển CN cần rút kinh nghiệm.
Một góc Khu công nghiệp Hòa Phú.
Phát triển khu- tuyến CN phải tạo được sự đồng thuận nơi người dân, nhất là người dân ảnh hưởng trực tiếp bởi dự án là rất quan trọng. Trong khi đó, vấn đề quản lý hoạt động doanh nghiệp, bảo vệ môi trường xung quanh khu- tuyến CN cũng đang đặt ra nhiều vấn đề cấp thiết. Hiện Khu CN Hòa Phú có nhà máy xử lý nước thải tập trung công suất 4.000 m3/ngày đêm, Khu CN Bình Minh đang xây dựng nhà máy công suất 2.200m3/ngày đêm đạt 80% khối lượng. Các dự án trong khu- tuyến CN được đánh giá thực hiện tốt các biện pháp bảo vệ môi trường, xử lý rác sinh hoạt, rác nguy hại. Và các dự án khi xây dựng và đi vào hoạt động đều có hệ thống xử lý nước thải cục bộ. Nhưng các dự án vận hành đúng quy định và không làm hại môi trường xung quanh hay không rất cần quan tâm. Bởi thực tế, đã có nhiều phản ánh của người dân về mức độ ô nhiễm nguồn nước, môi trường quanh một số dự án.
Trên con đường CN hóa- hiện đại hóa một tỉnh nông nghiệp như Vĩnh Long, phát triển CN đóng vai trò rất quan trọng. Nhưng bên cạnh việc thu hút, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư thì vấn đề bảo vệ môi trường và hài hòa lợi ích với người dân vẫn cần được quan tâm hàng đầu.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị BCH Trung ương Đảng lần 5 (khóa XI) nhấn mạnh: Phải coi đất đai là tài sản đặc biệt của quốc gia, là tài nguyên vô cùng quý giá, là nguồn sống của nhân dân và nguồn lực to lớn của đất nước, thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong công tác quản lý và sử dụng đất đai, bảo đảm hài hòa các lợi ích của Nhà nước, người dân và nhà đầu tư, tạo nguồn lực và động lực mới đẩy mạnh CN hóa- hiện đại hóa đất nước, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. |
Bài, ảnh: LAN THƯƠNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin