Bức tranh đã phác thảo

07:06, 28/06/2012

UBND tỉnh Vĩnh Long vừa tổ chức hội nghị công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 2011- 2020. Đây chính là cơ sở, là nền tảng để tỉnh nhà dựa vào đấy triển khai cụ thể trên từng lĩnh vực, nhằm đạt mục tiêu cao nhất. Với quy hoạch này, có thể nói- bức tranh của Vĩnh Long 10 năm tới đã được phác thảo. Vấn đề còn lại là tập trung toàn lực và đồng bộ để


Sẽ phát triển vùng sản xuất màu ven sông Hậu.

UBND tỉnh Vĩnh Long vừa tổ chức hội nghị công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 2011- 2020. Đây chính là cơ sở, là nền tảng để tỉnh nhà dựa vào đấy triển khai cụ thể trên từng lĩnh vực, nhằm đạt mục tiêu cao nhất. Với quy hoạch này, có thể nói- bức tranh của Vĩnh Long 10 năm tới đã được phác thảo. Vấn đề còn lại là tập trung toàn lực và đồng bộ để thực hiện những ước mơ.

Đô thị sinh thái

Theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, hướng tới năm 2020, quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội Vĩnh Long phải vừa phù hợp với bước đi của cả nước, vừa phù hợp trong tổng thể phát triển của ĐBSCL, đồng thời, phát huy tối đa những tiềm năng, lợi thế của tỉnh.

Vì vậy, mục tiêu của Vĩnh Long là xây dựng tỉnh thành vùng đô thị sinh thái xanh- sạch- đẹp, phát triển hài hòa giữa đô thị và nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, phát triển công nghiệp- dịch vụ theo hướng công nghệ và chất lượng cao; từng bước hình thành nền kinh tế tri thức dựa trên nguồn nhân lực có chất lượng. Và hẳn nhiên, không thể thiếu vấn đề bảo đảm quốc phòng- an ninh, ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội. Đồng thời, liên kết với Cần Thơ, phát triển thành vùng kinh tế động lực, trung tâm kinh tế, đào tạo, văn hóa và khoa học kỹ thuật của vùng ĐBSCL, góp phần cùng cả nước trở thành nước công nghiệp vào năm 2020.

Theo đó, 6 ngành, lĩnh vực định hướng đẩy mạnh phát triển đã được đặt ra, đó là: nông- lâm nghiệp, thủy sản; công nghiệp; thương mại- dịch vụ; các lĩnh vực xã hội (giáo dục, y tế, văn hóa- thể dục thể thao, giảm nghèo- giải quyết việc làm- an sinh xã hội, môi trường, khoa học công nghệ); đầu tư kết cấu hạ tầng (giao thông, điện, nước, thủy lợi, thông tin truyền thông) và quốc phòng- an ninh vững chắc.

Quy hoạch cũng đã định ra, trong vòng 10 năm tới, không gian phát triển của Vĩnh Long là: sẽ có hệ thống đô thị trung tâm nhiều cấp, kết hợp giữa cải tạo đô thị cũ và xây dựng đô thị mới để tạo thế phát triển cân bằng giữa các vùng, vừa đẩy mạnh phát triển công nghiệp- dịch vụ vừa điều chỉnh phân bố lại dân cư. Cụ thể, ngoài TP Vĩnh Long, phấn đấu huyện Bình Minh đạt tiêu chí đô thị loại III, các thị trấn Vũng Liêm, Trà Ôn đạt đô thị loại IV. Các thị trấn Tân Quới (Bình Tân), Phú Quới (Long Hồ), Cái Ngang, Ba Càng (Tam Bình), Hựu Thành (Trà Ôn), Tân An Luông, Quới An (Vũng Liêm) đạt chuẩn đô thị loại V. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 31% vào năm 2015 và 60% vào năm 2020.

Ở khu vực nông thôn, phấn đấu đến năm 2015, có 22 xã đạt xã nông thôn mới, các xã còn lại đạt từ 10-15 tiêu chí của bộ tiêu chí. Đến năm 2020, có 50% xã đạt xã nông thôn mới, tương đương mức bình quân chung cả nước.

Với việc phát triển vùng kinh tế, quy hoạch đã định ra 3 cực tăng trưởng của tỉnh. Đó là: Khu vực sông Tiền với TP Vĩnh Long- đầu mối giao thông, thương mại- dịch vụ và đào tạo; trung tâm công nghiệp với khu- tuyến công nghiệp Hòa Phú, Cổ Chiên, nuôi thủy sản, vườn cây ăn trái và du lịch, giáo dục- đào tạo với các trường đại học, cao đẳng,… Chú trọng phát triển thương mại- dịch vụ thị trấn Vũng Liêm- điểm kết nối với Bến Tre và Trà Vinh.

Khu vực sông Hậu với cực tăng trưởng thứ 2 là TX Bình Minh nằm cạnh bên TP Cần Thơ. Định hướng phát triển thương mại, sản xuất rau màu, nuôi thủy sản, vườn cây đặc sản- du lịch và phát triển đào tạo các phân hiệu đại học. Chú trọng phát triển thương mại- dịch vụ khu vực Trà Ôn.

Ngoài ra, khu vực trung tâm của tỉnh tập trung cho sản xuất lúa đặc sản xuất khẩu, cây ăn trái và nuôi cá ruộng, mương vườn. Phát triển các cụm công nghiệp gắn với chế biến lương thực, thủy sản, cây ăn trái; thương mại- dịch vụ- du lịch.

Cần phối hợp đồng bộ

Quy hoạch tổng thể sau nhiều lần được đưa ra để điều chỉnh, bổ sung với sự tham gia của tất cả các ban, ngành trong tỉnh, nên hầu hết đều thống nhất cao. Tuy nhiên, với chặng đường chỉ gần 10 năm, mà có quá nhiều phần việc phải làm, nên cũng không ít ý kiến lo âu.

Chỉ tính riêng nhu cầu về vốn đầu tư, ước tính cần khoảng 240.000 tỷ đồng. Trong đó, riêng 5 năm đầu, đã cần khoảng 70.000 tỷ. Vì vậy, ông Phan Văn Giàu- Phó Giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch băn khoăn: Theo quy hoạch này, rất cần nguồn nhân lực, vật lực lẫn tài lực. Chỉ tính riêng của Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch, đã có tới 8 dự án với kinh phí rất lớn. Cho nên vấn đề là làm sao để có đủ kinh phí trong thời gian không xa nữa. Ông Đoàn Thanh Bình- Giám đốc Sở Xây dựng cũng cho rằng, thực hiện quy hoạch sẽ có thể gặp nhiều khó khăn, bởi đây là kế hoạch rất lớn, rất dài hơi. Vì vậy, lãnh đạo tỉnh phải giao trách nhiệm cụ thể cho từng ngành, từng địa phương, đồng thời, cho rà soát từng lĩnh vực và lên kế hoạch cụ thể để thực hiện. Bà Huỳnh Kim Nguyên- Phó Chủ tịch HĐND tỉnh thì lo ngại việc chưa làm rõ được lợi thế cạnh tranh của tỉnh. Theo bà, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã xác định lợi thế của Vĩnh Long là nông nghiệp và kinh tế vườn. Nhưng hiện nay, nông dân rất thiếu thông tin thị trường, nhất là thị trường thế giới. Đồng thời, những “lợi thế” trước đây như cam sành và bưởi Năm Roi hiện có còn không? Ngoài ra, ngành du lịch thiếu đột phá sẽ có thể khiến cho du khách ngày một giảm, ảnh hưởng đến phát triển du lịch tổng thể của tỉnh. Bà Nguyên cũng tỏ vẻ lo lắng khi số lượng lao động qua đào tạo hiện nay vẫn còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Anh Vũ cũng cho rằng chỉ tiêu tăng trưởng GDP theo quy hoạch là rất khó thực hiện, nhất là trong thời điểm kinh tế đang gặp khó như hiện nay. Vì vậy, việc triển khai thực hiện quy hoạch cần có biểu đồ hàng 6 tháng- 1 năm để theo dõi sát sao, điều chỉnh kịp thời. Giám đốc Sở Công thương Hồ Văn Huân thì cho rằng: Sở Kế hoạch- Đầu tư sẽ là đầu mối để kêu gọi đầu tư, thu hút các nguồn lực cùng nhau thực hiện quy hoạch. Điều này cũng là ý kiến của khá nhiều người, bởi “nếu không thu hút được nguồn lực thì dù có quy hoạch cũng chỉ nằm trên giấy”.

Trước bức tranh tổng thể của tỉnh nhà 8 năm tới, mặc dù không ít khó khăn và lo lắng khi thời gian thực hiện không nhiều, vốn đầu tư còn hạn chế và sức người có hạn, nhưng Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh- Trương Văn Sáu nhấn mạnh: Quy hoạch đã định hướng được phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh một cách khoa học. Do đó, cần xem đây là gốc, là nền tảng để quy hoạch cụ thể cho từng ngành, lĩnh vực và địa phương. Để quy hoạch khả thi, cần thực hiện đồng bộ và gắn kết ngành mình với ngành khác cũng như xây dựng các chương trình, dự án,… tham mưu cho UBND để có thể thu hút mọi nguồn lực cùng tham gia thực hiện quy hoạch, phấn đấu cho một Vĩnh Long phát triển hài hòa.

Về kinh tế, đạt tốc độ tăng trưởng 13%/năm giai đoạn 2011- 2015 và 14,5%/ năm giai đoạn 2016- 2020; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 4.000 USD vào năm 2020. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng các ngành công nghiệp- xây dựng, dịch vụ; đến năm 2020 đạt cơ cấu nông- lâm- thủy sản, công nghiệp- xây dựng, dịch vụ trong GDP lần lượt là 23%- 32%, 45%. Kim ngạch xuất khẩu năm 2020 đạt 1 tỷ USD.

Về mặt xã hội sẽ giữ vững tỷ lệ tăng dân số tự nhiên ở mức 1- 1,1%/năm ở giai đoạn 2011- 2015 và 0,8- 0,9%/năm trong giai đoạn 2016- 2020; giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm từ 1,5- 2%; phấn đấu tạo việc làm mới cho 25.000- 27.000 lao động/năm giai đoạn 2011- 2015 và 18.000- 20.000 lao động/năm giai đoạn 2016- 2020; tỷ lệ lao động qua đào tạo là 65- 66% vào năm 2020;… Về môi trường, phấn đấu đến 2015 sẽ có 100% người dân đô thị, 60% người dân nông thôn sử dụng nước sạch; tỷ lệ thu gom chất thải rắn, nước thải từ các cơ sở y tế đạt 100% vào năm 2020;… Đồng thời đảm bảo quốc phòng- an ninh, giữ vững ổn định chính trị, kiềm chế sự gia tăng, tiến tới giảm dần các loại tội phạm…


Bài, ảnh: P.NAM- K.DUY

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh