Có chủ trương nhưng giải pháp phải thông!

03:05, 23/05/2012

Tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn là nguyên nhân Nghị quyết 13 ra đời nhằm ứng cứu doanh nghiệp (DN) vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, đã là “liều thuốc” thì nên thiết thực và đúng đối tượng mới mong “trị hết bệnh”…

 
Các giải pháp đồng bộ lúc này sẽ giúp DN vượt qua khó khăn

Tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn là nguyên nhân Nghị quyết 13 ra đời nhằm ứng cứu doanh nghiệp (DN) vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, đã là “liều thuốc” thì nên thiết thực và đúng đối tượng mới mong “trị hết bệnh”…

Nhiều giải pháp tháo gỡ

Các giải pháp trong lĩnh vực thuế như: gia hạn nộp thuế, giảm tiền thuê đất,… đối với từng loại hình DN với hy vọng sẽ là một trong những giải pháp thiết thực giúp DN vượt qua trong giai đoạn khó khăn. Cụ thể, sẽ gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng đối với đối tượng DN nhỏ và vừa (trừ các DN kinh doanh xổ số, chứng khoán, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, sản xuất hàng hóa, DN sở hữu nhiều lao động,…).  Gia hạn 9 tháng thời hạn nộp thuế thu nhập DN từ năm 2011 về trước mà chưa nộp ngân sách. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng ban hành kèm theo một số giải pháp liên quan đến thuế khác như: giao Bộ Tài chính báo cáo Quốc hội xem xét giảm 30% thuế thu nhập DN trong năm 2012; miễn thuế khoán thuế giá trị gia tăng, thu nhập cá nhân, thuế thu nhập DN cho các cá nhân, hộ kinh doanh nhà trọ;…

Về vấn đề tiền sử dụng đất, Chính phủ sẽ giảm 50% tiền thuê đất phải nộp năm 2012 đối với một số tổ chức kinh tế cho DN hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ được Nhà nước cho thuê đất. Gia hạn tối đa 12 tháng thời gian nộp thuế tiền sử dụng đất đối với các chủ đầu tư dự án khó khăn về tài chính,…

Bên cạnh đó, vấn đề về vốn vay ngân hàng cũng được chỉ đạo giảm lãi suất cho vay. Cụ thể, Thông tư 14 của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực từ ngày 8/5 sẽ áp trần lãi suất cho vay 15%/năm với 4 lĩnh vực: phát triển nông nghiệp, nông thôn; sản xuất- kinh doanh hàng xuất khẩu; DN nhỏ và vừa; phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Song song với điều chỉnh trần lãi suất, Chính phủ còn chỉ đạo các bộ ngành và địa phương tập trung các biện pháp thiết thực, hiệu quả đẩy nhanh các giải pháp hỗ trợ, giải ngân vốn đầu tư các dự án; sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách, xóa bỏ các rào cản đầu tư, tạo mọi điều kiện thuận lợi về mặt bằng, nguồn nhân lực, thủ tục hành chính;… nhằm tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, khuyến kích đầu tư, thu hút vốn đầu tư nước ngoài…

Mặc khác, nhằm tăng cường hiệu quả ứng cứu DN, khơi thông dòng vốn thì gói hỗ trợ DN 29.000 tỷ đồng cũng đã được tính đến bằng nhiều phương án. Ngân hàng Nhà nước còn yêu cầu các ngân hàng thương mại niêm yết công khai mức lãi suất cho vay trên từng lĩnh vực. Đặc biệt, mới đây lãnh đạo ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng “bật đèn xanh” khi cho biết ngân hàng này sẽ tiếp tục hỗ trợ tín dụng xuất khẩu nông- thủy sản dành riêng cho vùng ĐBSCL với quy mô hỗ trợ vào khoảng 100 triệu USD, Mức lãi suất cho vay đối với chương trình này sẽ thấp hơn khoảng 2% so với lãi suất cho vay thông thường…

Cần phải thông!

Đón nhận các giải pháp ứng cứu từ Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, các DN mừng như “đất hạn gặp mưa” khi dòng vốn có khả năng khơi thông thì DN lại có cơ hội tiếp tục sản xuất kinh doanh, các dự án đầu tư dang dở có thể tiếp tục thực hiện. Theo một DN ở xã Chánh An (Mang Thít) thì các giải pháp ứng cứu tuy có hơi muộn nhưng vẫn còn kịp thời. DN này cũng cho hay, nếu dòng vốn được khai thông, DN dễ tiếp cận hơn thì đó sẽ là “liều thuốc” kích thích tái đầu tư.


“Liều thuốc niềm tin” lúc này là thật sự cần thiết để thấy được hiệu quả của các giải pháp, nhất là các giải pháp khơi thông dòng vốn (ảnh minh họa)

Tuy nhiên, một số DN khác lại cho rằng các giải pháp đã có được triển khai và tiến hành đồng bộ nhưng liệu có xuất hiện tình trạng “thực tế trả lời” như đã kéo dài suốt thời gian qua nữa hay không? Ông Nguyễn Hữu Tâm- Giám đốc DNTN Tâm Hữu Tín (Phường 8- TP Vĩnh Long) từng chia sẻ, khi trần lãi suất giảm theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước thì DN “đã đến khá nhiều các nhà băng nhưng đều nhận cái lắc đầu”. Tương tự, ông Hồ Văn Vàng- Giám đốc Công ty TNHH Năm Vàng (Mang Thít) cũng ngao ngán khi “từng là một tay chuyên vay vốn ngân hàng để sản xuất kinh doanh nhưng nay gặp ngân hàng nào cũng… không thể vay”. Do đó, giải pháp thì có nhưng cần phải thực hiện quyết liệt và đúng đối tượng, đúng khả năng và nhất là các điều khoản cho vay sao cho “dễ thở”.

Song, theo ông Lâm Thanh Vũ- Trưởng Phòng Quản lý công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp thì các ngân hàng trong giai đoạn này luôn “thủ nguồn vốn”. Ông cho rằng ngân hàng cũng là một loại hình DN, mà DN thì luôn muốn kinh doanh có lợi nhuận. Do đó, cho vay với nguồn vốn lớn nhưng nguy cơ nợ khó thu hồi cao như hiện nay thì “có gan mới dám làm”. Chính vì thế mà nhiều trường hợp DN đi vay có tài sản thế chấp cả tỷ đồng nhưng số tiền vay lại chỉ có vài trăm triệu đồng. Thậm chí là có nhiều DN không thể vay được. Số tiền vay thì chưa thể đủ để DN duy trì sản xuất chứ đừng nói đến mở rộng hay kinh doanh ổn định. Bằng chứng là chỉ vài tháng đầu năm 2012, cả tỉnh đã có hàng trăm DN xin ngừng hoạt động hoặc giải thể…

Các giải pháp ứng cứu đã có, Ngân hàng Nhà nước cũng “ra tay” nhưng nhiều DN vẫn e dè. Thiết nghĩ cũng cần thêm các liều thuốc “niềm tin” nữa từ các ngân hàng theo một khung độ cho phép để các giải pháp trở thành một “toa thuốc đặc trị” giải cứu DN trong thời gian tới.

Bài, ảnh: KHÁNH DUY

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh