Kỳ 2: Cấp bách giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

03:05, 25/05/2012

Rà soát cụ thể từng công trình, đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn xây dựng cơ bản, tăng cường xúc tiến thương mại- đầu tư, rà soát từng doanh nghiệp (DN), giúp DN tiếp cận nguồn vốn… Những vấn đề cấp bách đó đã được Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Diệp chỉ đạo các sở ngành phải triển khai nhanh, tìm mọi giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN và nền kinh tế, theo tinh thần Nghị quyết 13.

>> Kỳ 1: Tháo mở nhiều nút thắt trong sản xuất kinh doanh

Rà soát cụ thể từng công trình, đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn xây dựng cơ bản, tăng cường xúc tiến thương mại- đầu tư, rà soát từng doanh nghiệp (DN), giúp DN tiếp cận nguồn vốn… Những vấn đề cấp bách đó đã được Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Diệp chỉ đạo các sở ngành phải triển khai nhanh, tìm mọi giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN và nền kinh tế, theo tinh thần Nghị quyết 13.


Nghị quyết 13 sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho DN được vay vốn.

Nhìn thẳng vào khó khăn

Nhìn nhận tình hình nền kinh tế vẫn tiềm ẩn nhiều khó khăn, bất ổn, trong báo cáo trình bày trước Quốc hội ngày 21/5/2012, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho biết, để bảo đảm thực hiện đạt mức cao nhất các chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước năm 2012 đã đề ra, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, cấp ủy và chính quyền địa phương chủ động bám sát tình hình thực tế, tập trung chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ. Theo đó, cần chú trọng thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp gồm: tập trung triển khai nhanh các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường để chống nguy cơ suy giảm kinh tế gắn với thực hiện tốt mục tiêu kiềm chế lạm phát, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý.

Bên cạnh, mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục hạ, thực hiện các biện pháp cơ cấu lại nợ và các giải pháp khác cần thiết... nhằm tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng cho các DN. Nhất là đối với khu vực nông nghiệp nông thôn, DN nhỏ và vừa, DN sản xuất hàng xuất khẩu và DN công nghiệp hỗ trợ, DN có triển vọng phát triển và có sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường nhưng đang gặp khó khăn về tài chính.

Để có giải pháp kịp thời tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy sản xuất phát triển, các sở ngành tỉnh cũng đã nhìn thẳng vào khó khăn. Theo Cục Thuế Vĩnh Long, tình trạng thiếu vốn cho sản xuất kinh doanh, hàng hóa khó tiêu thụ đã làm một số DN khó khăn, hoạt động cầm chừng, thậm chí bên bờ vực phá sản. Một số dự án chưa triển khai hoặc đã triển khai nhưng bị ngưng trệ do thiếu vốn.

Còn số liệu mới nhất của Cục Thống kê cho thấy, đến nay, đã có 57 DN tạm ngừng sản xuất, 284 DN chờ giải thể.

Đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư, nêu rõ việc triển khai thực hiện vốn đầu tư chưa đáp ứng theo kế hoạch của tỉnh. Giải phóng mặt bằng, định giá đất chưa kịp thời làm các nhà đầu tư nản lòng. Trong khi thu hút đầu tư chưa tương xứng tiềm năng, nhất là dự án có vốn đầu tư nước ngoài có quy mô lớn, làm động lực thúc đẩy phát triển. Nguồn vốn ODA cho các chương trình, dự án còn hạn chế cả về số dự án và vốn đầu tư.

Sở Công thương cũng nhìn nhận kim ngạch xuất khẩu của tỉnh chưa bền vững, do lệ thuộc nhiều vào tình hình xuất khẩu lương thực. Một số ngành hàng, DN suy giảm sản xuất kinh doanh. Tình trạng thiếu hụt lao động vẫn rất bức xúc. Mà nguyên nhân là do lãi suất tín dụng còn ở mức cao, DN nhỏ khó tiếp cận nguồn vốn, ảnh hưởng đến quá trình đầu tư phát triển của DN.

Một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

Ông Nguyễn Khắc Nhu- Trưởng Ban Kinh tế- ngân sách HĐND tỉnh, nêu một thực tế trong chuyến khảo sát vừa qua: “DN nói về nợ thoải mái nhưng lại bức xúc về giải pháp trả nợ!” Khó khăn chung của DN hiện nay là: lãi suất cao, khó tiếp cận vốn, chi phí đầu vào tăng, hàng hóa khó tiêu thụ, tồn kho lớn. Phụ thuộc quá nhiều vào vốn vay ngân hàng, nên nhiều DN “sống dở, chết dở” khi tín dụng thắt chặt. Nói như giám đốc một DN ngành gốm: “Nếu được vay vốn giá rẻ, làm ăn có lợi nhuận, thì việc trả nợ ngân hàng, nợ thuế không khó”. Do vậy, một vị lãnh đạo tỉnh rất mong mỏi: “Ngân hàng đừng quá “thủ”, trong lúc khó khăn cần đồng hành, tháo gỡ vướng mắc cùng DN. Đối với các DN có phương án tốt, có quyết tâm sản xuất kinh doanh, cần có giải pháp hỗ trợ”. Ông Nhu cũng bảo: “Để triển khai Nghị quyết 13 có chất lượng, tỉnh nên chỉ đạo ngành thuế, tài chính tăng cường đối thoại với DN. Nếu DN có tâm huyết vượt khó, có điều kiện tái đầu tư, thì phải có giải pháp hỗ trợ”.

Theo Sở Công thương: “Nghị quyết 13 sẽ tác động tích cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư của các DN”. Nên ngành công thương nỗ lực tạo môi trường tích cực thu hút, khuyến khích các DN đầu tư phát triển, để tạo mức tăng trưởng ổn định, tạo công ăn việc làm cho người dân.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Diệp đã chỉ đạo các sở ngành phải triển khai nhanh, tìm mọi giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN và nền kinh tế, theo tinh thần Nghị quyết 13. Theo đó, rà soát cụ thể từng công trình, đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn xây dựng cơ bản, tăng cường xúc tiến thương mại- đầu tư, rà soát từng DN, giúp DN tiếp cận nguồn vốn… để có hướng giải quyết kịp thời.

Và đến nay, theo đánh giá của Chủ tịch UBND tỉnh, các sở ngành đã chuẩn bị kế hoạch thực hiện Nghị quyết 13 khá tốt, đồng thời chỉ đạo quyết tâm tổ chức thực hiện nhanh, có hiệu quả các giải pháp đề ra.

Bộ Trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ đã trả lời trong chương trình Dân hỏi trên VTV, rằng: Gói giải pháp hỗ trợ không phải là gói cứu trợ hay kích cầu. Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, DN trước hết phải tự vượt qua khó khăn, tự cứu mình, Nhà nước chỉ đóng vai trò hỗ trợ. Đây là thời điểm hơn lúc nào hết, chính sách tài khóa phải hỗ trợ nhiều hơn cho chính sách tiền tệ, để tạo điều kiện cho các DN tới đây bán được hàng, hoạt động sản xuất kinh doanh có lãi, trả được nợ ngân hàng và tiếp cận vốn mới của ngân hàng.

Theo Nghị quyết 13, việc tháo gỡ khó khăn không chỉ bao gồm các DN, mà còn cả làng nghề, hộ cá thể, không chỉ là sản xuất kinh doanh, mà cả người tiêu dùng thông qua việc hỗ trợ thị trường. Không chỉ ở đầu vào, mà cả ở đầu ra,… Việc hỗ trợ không có tính tràn lan, mà đòi hỏi phải đúng đối tượng, tùy theo từng giải pháp. Chẳng hạn, việc gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, chỉ áp dụng đối với 2 nhóm DN là DN nhỏ và vừa, DN sử dụng nhiều lao động.

Bài, ảnh: TRẦN PHƯƠNG

 

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh