Kỳ 1: Tháo mở nhiều nút thắt trong sản xuất kinh doanh

07:05, 24/05/2012

UBND tỉnh Vĩnh Long đã khẩn trương triển khai Nghị quyết 13 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, với mục tiêu triển khai nhanh và hiệu quả nội dung Nghị quyết 13, giúp các doanh nghiệp (DN) nói riêng, giúp nền kinh tế nói chung vượt qua những khó khăn thách thức trong năm 2012.

UBND tỉnh Vĩnh Long đã khẩn trương triển khai Nghị quyết 13 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, với mục tiêu triển khai nhanh và hiệu quả nội dung Nghị quyết 13, giúp các doanh nghiệp (DN) nói riêng, giúp nền kinh tế nói chung vượt qua những khó khăn thách thức trong năm 2012.

Đây là nỗ lực cần thiết, nhạy bén và kịp thời của Chính phủ, tập trung giải quyết những “điểm nóng” khó khăn của DN. Tuy vậy, Nghị quyết 13 không chỉ là “phao cứu sinh” giúp DN khắc phục được những khó khăn trước mắt, mà còn khuyến khích DN vượt khó, hỗ trợ cho nhiều DN tiếp tục tồn tại và chuẩn bị điều kiện phát triển, bước vào quỹ đạo phát triển mới cao hơn, ổn định hơn và bền vững hơn.


Theo Nghị quyết 13, các khoản thuế, phí được giãn đều không bị tính lãi, nên DN yên tâm sử dụng để tăng vốn lưu động. Các khoản thuế được giãn, giảm nên các DN chậm nộp sẽ không bị phạt.

Cùng với gói hỗ trợ DN trị giá 29.000 tỷ đồng được công bố, Ngân hàng Nhà nước áp trần lãi suất vay 15%/năm cho các lĩnh vực ưu tiên, giá xăng dầu được điều chỉnh giảm… Những tín hiệu đã và đang tạo dựng lại niềm tin cho DN.

Vừa gỡ khó, vừa mở ra cơ hội

Qua các đợt khảo sát tình hình hoạt động DN trên địa bàn tỉnh của Thường trực HĐND tỉnh, sở Công thương, đều có chung nhận định “các DN đang thật sự gặp khó”. Theo Sở Công thương, tuy lãi suất ngân hàng có giảm, nhưng vẫn còn ở mức cao, DN khó tiếp cận vốn. Thị trường của một số ngành hàng bị thu hẹp, giảm đầu tư công, chi phí đầu vào tăng cao, hạ tầng giao thông không thuận lợi. Trong khi đó, kết quả khảo sát của Thường trực HĐND tỉnh, còn ghi nhận khó khăn lớn nhất của các DN hiện nay là nợ thuế, thiếu vốn và đầu ra.

Trong khi đó, theo thống kê của Hiệp hội DN nhỏ và vừa (NVV), trong 600.000 DNNVV chỉ có 36% hoạt động bình thường. Còn lại 39% khó khăn và 25% giải thể và phá sản. Những chỉ số liên quan đến hiệu quả hoạt động của DN liên tục đi xuống. Chỉ số tồn kho đã tăng đột biến và đạt mức 34,9%.

Nghị quyết 13 của Chính phủ vừa ban hành có một nội dung quan trọng được nhiều DN đặc biệt quan tâm đó là giãn nộp thuế giá trị gia tăng trong 6 tháng. Theo các DN, giải pháp này vừa góp phần tháo gỡ khó khăn về tài chính, vừa tạo cơ hội mở rộng đầu ra cho DN. Bên cạnh việc giãn nộp thuế giá trị gia tăng, Nghị quyết 13 của Chính phủ cũng gia hạn 9 tháng thời hạn nộp thuế đối với thuế TNDN từ năm 2011 trở về trước.

Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành Thông tư 14 về việc áp trần lãi suất cho vay 15%/năm cho các DN trong 4 lĩnh vực được ưu tiên là xuất khẩu, nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ và DNNVV. Việc giảm giá xăng dầu vào ngày 9/5 cũng được xem là quyết định quan trọng về mặt thời điểm của cơ quan quản lý trước bối cảnh DN đang gặp khó khăn do sức mua giảm và chi phí sản phẩm đầu vào luôn biến động.

Các DN đa phần có quy mô NVV, theo thống kê sơ bộ, sẽ có khoảng 70% DN trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ và hưởng lợi theo Nghị quyết 13. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Diệp cũng đã chỉ đạo các sở ngành cụ thể hóa chương trình hành động theo tinh thần Nghị quyết 13, quyết tâm tổ chức thực hiện nhanh, hiệu quả, đúng và đầy đủ chính sách hỗ trợ DN mà Chính phủ cho phép.

Khuyến khích DN tích cực vượt khó

Trong Nghị quyết 13, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục hạ mặt bằng lãi suất cho vay với các nhóm ưu tiên. Bên cạnh, thực hiện các biện pháp cơ cấu lại nợ (thời hạn trả nợ, lãi suất, cho vay mới trả nợ cũ,...) và các giải pháp khác cần thiết, phù hợp với từng loại hình, lĩnh vực sản xuất kinh doanh tạo điều kiện thuận lợi cho DN vay được vốn, nhất là đối với những DN có triển vọng phát triển, có sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường nhưng đang gặp khó khăn về tài chính.


Các dự án bất động sản cũng có cơ hội được hưởng lợi từ chính sách này.

Ngoài ra, cần đẩy nhanh việc thực hiện, giải ngân vốn đầu tư đối với các dự án, chương trình trong phạm vi quản lý, nhất là đối với vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn chương trình mục tiêu quốc gia, bảo đảm đúng đối tượng, hiệu quả và theo đúng quy định. Thực hiện các biện pháp phù hợp để tăng cường thu hút, đẩy nhanh giải ngân các nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA)...

Nhiều DN cảm nhận việc giãn thuế thu nhập DN không mấy tác dụng đối với DN trong giai đoạn hiện nay, bởi hầu hết các DN còn khó khăn, kinh doanh không có lãi nên ít có thu nhập DN để được giãn. Trong khi đó, theo các chuyên gia kinh tế, không phải DN nào trong nhóm đối tượng này cũng có thể tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ. Bởi thực tế, Ngân hàng Nhà nước chỉ đưa ra mức trần áp dụng đối với lãi suất cho vay đối với 4 nhóm ưu tiên nhưng không có quy định cụ thể tiêu chí cho vay mà điều này thuộc về thẩm quyền của các ngân hàng. Do đó, để vay được vốn với lãi suất trên không phải dễ đối với DNNVV.

Khẳng định DN sống còn phụ thuộc vào lãi suất ngân hàng, vì thế nhiều DN nói rằng: “Muốn cứu DN phải giảm ngay lãi suất”. Ông Võ Văn Thạch- Giám đốc Công ty TNHH Tư Thạch, cho rằng: “DN có vốn đầu tư, sản xuất kinh doanh có lợi nhuận sẽ đảm bảo hoàn vốn ngân hàng, làm nghĩa vụ thuế”. Do vậy, các DN hy vọng Chính phủ sẽ tiếp tục có những giải pháp mới, có tính dài hạn hơn để hỗ trợ DN nói riêng, nền kinh tế nói chung.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh bình luận: Từ đầu năm đến nay, chưa bao giờ DN được hấp thụ nhiều chính sách liên quan đến mình như vậy. Tuy nhiên, đây chỉ là những giải pháp để hỗ trợ DN chứ không phải là gói kích cầu lớn như 2009. Vì vậy, vấn đề mấu chốt vẫn là sự vận động tích cực của DN trong chiến lược sản xuất kinh doanh để có thể tồn tại và phát triển.

(Còn tiếp)

Bài, ảnh: TRẦN PHƯƠNG

 

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh