Tăng trưởng kinh tế- cần nhìn thẳng vào doanh nghiệp

09:05, 17/05/2012

Theo báo cáo, giá trị sản xuất công nghiệp tỉnh Vĩnh Long trong tháng 4/2012 ước đạt 582,72 tỷ đồng, tăng hơn 9% so tháng trước và tăng 17,27% so cùng kỳ năm trước. Lũy kế 4 tháng sản xuất công nghiệp đạt 2.064 tỷ đồng, tăng 19,33%.

Theo báo cáo, giá trị sản xuất công nghiệp tỉnh Vĩnh Long trong tháng 4/2012 ước đạt 582,72 tỷ đồng, tăng hơn 9% so tháng trước và tăng 17,27% so cùng kỳ năm trước. Lũy kế 4 tháng sản xuất công nghiệp đạt 2.064 tỷ đồng, tăng 19,33%.


Làng đóng tàu- xà lan thời “vang bóng”.

Những con số này đã cho thấy công nghiệp từ đầu năm đến nay tăng trưởng khá cao. Song, trước thực tế quá khó khăn của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp sản xuất, phải chăng cần có một cái nhìn cũng như những con số chính xác hơn?

Tiếp tục tăng trưởng cao

Báo cáo cho thấy, trong tháng 4, khu vực kinh tế nhà nước tăng hơn 42% so với tháng trước và tăng 36% so cùng kỳ. Khu vực ngoài nhà nước tăng 5,24% so với tháng trước và tăng 13,74% so cùng kỳ. Lũy kế 4 tháng đầu năm tăng 17,81%. Nhiều sản phẩm chủ yếu của khu vực kinh tế này duy trì được mức tăng trưởng khá cao như: thủy sản đông lạnh, lương thực chế biến, thức ăn gia súc gia cầm, trứng vịt muối, nước mắm, nước uống tinh khiết, chiếu lác, gạch nung, cửa sắt, cửa nhôm,... Một số sản phẩm giảm là: gạo xay xát, nước chấm, thức ăn thủy sản, thảm lác, dầu nhờn, thuốc viên các loại, vỏ nang capsule, ống tiêm kim chích, bê tông ly tâm, gốm các loại, xà lan... Ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, sản xuất tăng trên 11% so với tháng trước và tăng 20,27% so cùng kỳ. Lũy kế 4 tháng tăng 28,81%. Các doanh nghiệp tăng trưởng khá cao là Công ty Liên doanh Tỷ Xuân, Liên doanh Dinh dưỡng thủy sản quốc tế ANCO, ACECOOK…

Trong quý I, sản xuất công nghiệp của tỉnh đã được đánh giá là “có dấu hiệu tích cực”, với giá trị sản xuất ước đạt trên 1.480 tỷ đồng, tăng 20%. Lũy kế 4 tháng đạt 2.064 tỷ đồng, tăng 19,33%, được đánh giá là “các khu vực kinh tế đều tăng so tháng trước và tăng khá cao so cùng tháng năm trước”.

Như vậy, nếu nhìn vào các con số, có thể nói, sản xuất công nghiệp của tỉnh (cũng là hơi thở của các doanh nghiệp) không có vấn đề gì đáng nói, bởi hầu hết các khu vực kinh tế đều tăng trưởng tốt.

Nhìn thẳng vào doanh nghiệp

Không phải ngẫu nhiên mà từ đầu năm đến nay, liên tiếp các đoàn khảo sát của Sở Công thương, HĐND tỉnh đều đi dài ngày đến từng doanh nghiệp để nắm tình hình. Và tình hình chung “nắm” được, đó là thực trạng sản xuất kinh doanh đang rất khó khăn: nguyên liệu đầu vào tăng, chi phí vận chuyển tăng, lãi suất ngân hàng cao và khó tiếp cận vốn. Ngược lại, đầu ra giảm sút mạnh, hàng hóa không tiêu thụ được… Tại cuộc họp UBND tỉnh, Giám đốc Sở Kế hoạch- Đầu tư Lê Quang Trung cho biết: Đã có 306 doanh nghiệp chờ giải thể và 52 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động. Một số ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh đã giảm mạnh. Đợt khảo sát của HĐND tỉnh vừa qua cũng cho thấy, chỉ có 5% doanh nghiệp gạch gốm đang hoạt động hiệu quả; hơn 40% “cầm chừng” và 55% đang cực kỳ khó khăn. Nếu cách đây 5 năm, từng có tới 120 cơ sở sản xuất, thì đến nay chỉ còn lại khoảng 40 cơ sở. Nếu quý I/2011, tổng sản lượng đạt gần 5 triệu sản phẩm gốm, thì quý I năm nay chỉ còn hơn 4 triệu sản phẩm. Trong chuyến khảo sát của HĐND tỉnh vừa qua, cũng ghi nhận sự khó khăn của các doanh nghiệp và đa số đã phải chuyển đổi nghề để tìm cách cứu vãn (như đóng tàu, xà lan, nuôi thủy sản) nhưng khó khăn vẫn vây quanh.

Phó Chủ tịch UBND huyện Mang Thít Trương Thành Phi cũng cho biết: Ngành gạch, gốm, đóng tàu- xà lan của huyện đã suy giảm từ năm 2010 và kéo dài đến nay. Vì vậy, các doanh nghiệp huyện đang nợ thuế tới gần 40 tỷ đồng, trong đó, có 6 tỷ đồng “cầm chắc” không có khả năng thu. Một nhà máy chế biến thủy sản trên Tuyến công nghiệp Cổ Chiên hiện cũng không còn khả năng hoạt động vì thiếu vốn sản xuất, mà các ngân hàng cũng đành bó tay vì tài sản đã thế chấp hết mọi nơi. Nếu năm 2010, toàn tỉnh có gần 20 doanh nghiệp chuyên về cơ khí, đóng tàu và xà lan với tổng sản lượng mỗi năm lên tới hàng trăm phương tiện thì hiện nay hầu hết đã đóng cửa, chỉ còn vài cơ sở sửa chữa, bảo trì nhỏ.


Giữ cho lò gốm đỏ lửa không còn là chuyện dễ.

Không chỉ riêng huyện Mang Thít, mà rất nhiều doanh nghiệp trong mọi ngành nghề xây dựng- công nghiệp đều gặp khó khăn. Vì vậy, tổng nợ thuế toàn tỉnh của doanh nghiệp đã lên tới trên 335 tỷ đồng, tăng trên 22%. Trong đó, không thiếu những doanh nghiệp có quy mô khá lớn, từng ăn nên làm ra của tỉnh. Đặc biệt, có 148 doanh nghiệp quá khó khăn, không còn tài sản để cưỡng chế. Các doanh nghiệp khó khăn dẫn đến việc không thể trả nợ. Nợ xấu toàn tỉnh hiện chiếm 10,22%; trong đó các lĩnh vực vay bất động sản, nuôi trồng thủy sản nợ xấu rất cao.

Ở đây, chúng tôi không hề muốn một lần nữa “kể khổ” chuyện của các doanh nghiệp. Nhưng để thấy rằng thực tế nhiều doanh nghiệp của tỉnh đang gặp khó khăn, mà đã khó khăn, tất nhiên khó lòng giữ được nhịp điệu tăng trưởng.

Nhìn ra cả nước, theo Bộ Kế hoạch- Đầu tư, số doanh nghiệp thành lập mới giảm cả về số lượng lẫn vốn đầu tư. Ngược lại, trong tháng 4, đã có trên 17.700 doanh nghiệp làm các thủ tục giải thể và ngừng hoạt động, tăng 9,5% so với cùng kỳ. Dự kiến trong năm nay có thể khoảng 50.000 doanh nghiệp “nói lời vĩnh biệt”.

Chắc hẳn ai cũng muốn tăng trưởng, đặc biệt là sản xuất công nghiệp, bởi công nghiệp góp phần rất lớn vào tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu, giải quyết lao động,v.v… Song, không phải muốn là được, nhất là trong thời điểm khó khăn như hiện nay. Trong khi đó, những con số thống kê báo cáo bao giờ cũng thể hiện tình hình kinh tế- xã hội của ngành nghề, địa phương,… và chính nhờ đó, mà lãnh đạo có những chủ trương chính sách hợp lý nhằm thúc đẩy sự phát triển. Vì vậy, thiết nghĩ, những con số báo cáo- làm thế nào phải thể hiện được chính xác tình hình kinh tế- xã hội, theo đúng nhịp điệu cũng như “hơi thở” của cuộc sống. Nếu không, con số một đằng thực tế một nẻo sẽ khiến lòng tin vào những con số giảm sút cũng như sự lãnh đạo, điều hành cũng gặp khó khăn.

Bài, ảnh: NGUYÊN CHƯƠNG

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh