Tham quan bảo tàng chính là quá trình “thâm nhập” sâu nhất vào lịch sử văn hóa của một dân tộc, một địa phương với thời gian ngắn nhất. Nhưng từ nhiều lý do khách quan và chủ quan, cho đến nay bảo tàng chưa thật sự thu hút khách. Đặc biệt, ở các địa phương tỉnh lẻ, bảo tàng luôn “đứng ngoài cuộc” trong các chương trình tour.
Bảo tàng Vĩnh Long ngày càng đẹp và có nhiều hoạt động phong phú.
Tham quan bảo tàng chính là quá trình “thâm nhập” sâu nhất vào lịch sử văn hóa của một dân tộc, một địa phương với thời gian ngắn nhất. Nhưng từ nhiều lý do khách quan và chủ quan, cho đến nay bảo tàng chưa thật sự thu hút khách. Đặc biệt, ở các địa phương tỉnh lẻ, bảo tàng luôn “đứng ngoài cuộc” trong các chương trình tour.
Trong các chương trình City tour ở TP Hồ Chí Minh, phần lớn đều gắn với 2 bảo tàng là: Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Bảo tàng Chiến tranh. Các du khách thường chuộng đến bảo tàng trước, để có cái nhìn khái quát, để hiểu rõ các thời kỳ phát triển của Việt Nam về lịch sử, kinh tế, xã hội, các danh nhân dân tộc… Đó là cơ sở để hiểu được tốc độ phát triển của một thành phố, một đất nước. Để tạo nên sức hấp dẫn, trước hết bản thân bảo tàng phải hấp dẫn, đồng thời hướng dẫn viên có kiến thức sâu, rộng về lịch sử, văn hóa.
Theo một số hướng dẫn viên ở TP Hồ Chí Minh và những du khách đã từng tham quan các tour du lịch Nhật Bản (có những chương trình tham quan các bảo tàng) thì phải còn lâu lắm các bảo tàng ở nước ta mới có thể trở thành điểm tham quan không thể thiếu đối với du khách. Ngoài ra, còn là thái độ khá thờ ơ của các công ty du lịch đối với loại hình này. Đơn cử cuộc triển lãm rất độc đáo của Bảo tàng Vĩnh Long đang diễn ra, nhưng tuyệt nhiên không thấy hướng dẫn viên ở địa phương quan tâm, thậm chí không hề hay biết.
Nhìn chung, bảo tàng ở Việt Nam còn theo lối trưng bày “tĩnh”, luôn cố định và đơn điệu. Trong khi lịch sử phát triển của TP Tokyo chưa đầy 200 năm, đã có riêng bảo tàng trên diện tích 80.000m2, với tòa nhà 6 tầng mà khách muốn di chuyển hết phải nhờ đến sự “trợ giúp” của hàng chục chiếc thang cuốn, băng di chuyển. Những hiện vật, những mô hình như thật, tái hiện một cách sống động lịch sử. Điều đặc biệt thu hút du khách chính là bảo tàng không chỉ để “kể” chuyện xưa, mà đó là điểm khởi đầu mang tính kết nối vào với nhịp sống hiện tại. Tạo nên cái nhìn xuyên suốt mang tính liên tục về thời gian. Sau khi hiểu được thời kỳ Edo, du khách sẽ có chuyến thực tế ra vịnh Tokyo, và chắc chắn sẽ cảm nhận được sự phát triển đến… chóng mặt của thành phố non trẻ này.
Edo được ghi âm tiếng Hán là Giang Hộ, có nghĩa là cửa sông. Đó chỉ là một làng chài nhỏ bé thời Tokưgawa, được xem là thời kỳ chuyển tiếp cận đại của lịch sử Nhật Bản, được kết thúc vào năm 1868 và Edo chính thức đổi tên thành Tokyo cho đến ngày nay. Khu trưng bày về thời kỳ Edo được đặc biệt chú trọng, với những ngôi nhà xưa, những chiếc cầu gỗ trong đó có chiếc cầu nổi tiếng đến hôm nay là Nihonbashi, bên dưới là những chiếc thuyền chèo mô tả lại cảnh mua bán trên sông. Từ cửa sông thời Edo trong bảo tàng, du khách sẽ có chuyến tham quan vịnh Tokyo ngày nay, đó là cách giới thiệu độc đáo lịch sử phát triển của một thành phố trong vòng chưa đầy 200 năm. Chính quyền thành phố đã biến vùng vịnh này trở thành những khu du lịch cực kỳ lý tưởng, thoải mái và tuyệt đẹp. Để tham quan toàn vịnh, có những toa xe điện không người lái sẽ tự động dừng lại ở từng trạm, mỗi điểm dừng là một khu du lịch tuyệt đối an toàn dù không thấy bóng dáng của cảnh sát; có trên 20 chiếc cầu có kiến trúc riêng biệt tạo dáng dấp hiện đại, quyến rũ. Một cách giới thiệu trọn vẹn, một cách tổ chức tour thông minh, đã kết nối được bảo tàng với đời sống hiện tại của thành phố.
Edo ngày xưa.
Cũng từ Bảo tàng Tokyo, du khách sẽ đến thẳng một “bảo tàng sống” ngoài trời, đó là khu du lịch Asakưsa cũng là tên ngôi chùa được xây dựng từ năm 628, một biểu tượng cổ xưa của thành phố. Ở đó, du khách sẽ được đi những chiếc xe do người kéo, được thưởng thức những món ăn bình dân bày trên những yatai giống như những chiếc xe đẩy của Việt Nam, tất cả những người buôn bán ở đây đều phải có giấy khám sức khỏe định kỳ và giấy phép kinh doanh. Trong khi chúng ta mãi lo dọn dẹp lề đường, dọn dẹp “nạn” buôn bán hàng rong, thì người Nhật đã đưa nó vào những khu “bảo tàng sống” như thế này và biến nó thành một “đặc sản” của du lịch.
Ở Việt Nam hiện nay, một số hướng dẫn viên du lịch nhận xét rằng, dù chưa thể so sánh với các nước tiên tiến, nhưng chúng ta cũng có một số bảo tàng khá độc đáo, hấp dẫn và cũng đã tạo nên tính kết nối kiểu Bảo tàng Tokyo của Nhật Bản như: quần thể khu Bảo tàng Hồ Chí Minh- Lăng Bác- Nhà sàn Bác Hồ; Bảo tàng Chăm (Đà Nẵng)- cụm các tháp Chàm ở miền Trung; khu “bảo tàng sống” phố cổ Hội An; Bảo tàng Chiến tranh (TP Hồ Chí Minh)- địa đạo Củ Chi; Khu di tích Bến Nhà Rồng…
Làm thế nào để bảo tàng trở thành những điểm nhấn hấp dẫn trong các tour du lịch? Đó cũng là nội dung quan trọng của đề án: “Tăng cường gắn kết các bảo tàng với hoạt động du lịch”, đã được Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch phê duyệt, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp khai thác sản phẩm du lịch mới. Thật đáng tiếc khi đất nước ta, dân tộc ta có lịch sử, văn hóa hàng ngàn năm, nhưng chưa thể hấp dẫn du khách thông qua các hệ thống bảo tàng trong cả nước.
Bài, ảnh: QUANG THUẦN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin