Giá giảm do thị trường đuối sức?

08:05, 03/05/2012

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số CPI trong tháng 4 tăng rất thấp, chỉ 0,05%. Riêng Vĩnh Long, CPI tháng 4 chẳng những không tăng mà còn giảm nhẹ 0,29%, ghi “kỷ lục” 2 tháng giảm liên tiếp.

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số CPI trong tháng 4 tăng rất thấp, chỉ 0,05%. Riêng Vĩnh Long, CPI tháng 4 chẳng những không tăng mà còn giảm nhẹ 0,29%, ghi “kỷ lục” 2 tháng giảm liên tiếp.  Song, chỉ số CPI giảm ngay trước thời điểm tăng lương chưa hẳn khiến người tiêu dùng vui mừng, mà trong đó đã xen lẫn lo âu…


Người tiêu dùng đang cắt giảm chi tiêu hoặc tận dụng cơ hội khuyến mãi
để mua sắm.  Ảnh: VINH HIỂN

Giá vẫn tăng

Bởi trong “rổ hàng hóa” tính CPI dù có trên 500 mặt hàng, nhưng thực tế đời sống vẫn có nhiều mặt hàng thiết yếu khác. Chẳng hạn, tại Vĩnh Long, CPI giảm chủ yếu do nhóm hàng lương thực- thực phẩm giảm hơn 1,5%. Tuy nhiên, nhiều nhóm, ngành hàng khác từ đầu năm đến nay vẫn tăng giá khá cao, như: nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 23%, ăn uống ngoài gia đình tăng 21,37%, giao thông tăng 14,81%, giáo dục tăng 13,51%, thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 11,56%, hàng hóa và dịch vụ khác tăng 13,81%… Vì vậy, CPI bình quân 4 tháng đầu năm nay đã tăng 12,89% so cùng kỳ năm trước.


Giá nông sản giảm đánh trực tiếp vào thu nhập của nông dân.

Chị Lê Xuân Mai ở xã Hựu Thành (Trà Ôn) đang cất nhà, cho biết: Tôi dự trù cho căn nhà gần 70m2 chừng 120 triệu đồng, nhưng chắc không đủ rồi. Vì tiền công hiện nay đã tới 450.000 đ/m2 dù chỉ là “thợ vườn” không xây theo bản vẽ. Giá các loại gạch men, cửa sắt, cát đá… cũng đều tăng vì chủ cửa hàng cho biết phí vận chuyển đã tăng rất cao. Cô Hai Bích ở trên đường Mậu Thân (Phường 3- TP Vĩnh Long) thì than: “Có thấy cái gì giảm giá đâu? Ngay cả các loại khô, mắm, cá biển… vốn trước nay là món ăn bình dân, món ăn của người nghèo, nhưng giờ cũng không có món nào dưới 50.000 đ/kg. Tới con hến (thịt hến) trước chỉ 4.000 đ/100g giờ cũng đã lên 6.000đ, chục bánh tráng trước tết giá 45.000đ, giờ cũng lên 50.000đ”. Giá những mặt hàng “không có trong rổ hàng hóa CPI” và không thể thiếu trong đời sống hàng ngày của mỗi gia đình như chanh, ớt, hành, ngò… cũng đã tăng gấp rưỡi đến gấp đôi. Đặc biệt, trong tháng 3 và 4, xăng đã 2 lần tăng giá khá mạnh, mà xăng là mặt hàng “không thể thiết yếu hơn nữa” trong đời sống, sinh hoạt và sản xuất của người dân hiện nay.

Giá giảm- mừng hay lo

Trong khi đó, những mặt hàng giảm giá- và “nguyên nhân giảm giá” thực tế đáng lo hơn đáng mừng. Bởi trong thời gian qua, giá heo hơi lẫn thịt heo đều giảm, nhưng là do tác động của “chất tạo nạc” khiến thị trường chùng xuống, người chăn nuôi bán đổ bán tháo để thu hồi vốn, chứ không phải do nguồn cung dồi dào hay giá thành giảm. Cũng vậy, giá lúa gạo thời gian qua giảm, riêng tại ĐBSCL giảm 500- 1.000 đ/kg gạo, là do vào mùa, thị trường xuất khẩu lại không thuận lợi (đánh giá của Vụ Giá- Tổng Cục Thống kê), lúa gạo không giảm sâu là nhờ vào chính sách mua tạm trữ của Chính phủ. Đó còn là “điệp khúc” vào mùa- giảm giá của nhiều loại trái cây, chưa kể giảm giá vì “chen lấn” không lại với trái cây nhập theo đường tiểu ngạch đang tràn về Vĩnh Long lẫn ĐBSCL ngày càng nhiều như bòn bon Thái, quýt Thái, xoài Campuchia,…


Người tiêu dùng phải rất cân nhắc trước khi mua sắm. Ảnh: THÁI BÌNH

Mặt khác, theo những người tiêu dùng, giá giảm là chỉ giảm so với thời điểm tăng cao nhất trong thời gian qua, chứ thực chất, vẫn đứng ở mức cao. Đơn cử, các loại gạo đóng gói thông dụng hiện nay không dưới 15.000 đ/kg, gạo thơm không dưới 21.000 đ/kg. Giá thịt bò trên 200.000 đ/kg, cá biển loại “đạt chất lượng” không dưới 70.000 đ/kg. Vì vậy, nói như cô Hai Bích là “nếu tăng giá nữa thì tôi… không mua, chớ không thể theo nổi”.

Giá nông sản giảm thực chất đã đánh vào thu nhập của nông dân (là đa số người tiêu dùng) nhưng lại phải chi trả nhiều hơn để mua hàng công nghiệp hay sử dụng dịch vụ. Và vì vậy, người tiêu dùng phải thắt lưng buộc bụng để tiết kiệm chi tiêu, kéo theo sức mua giảm. Theo Tổng cục Thống kê, thì hàng tồn kho của ngành công nghiệp chế biến đã tăng thêm trên 17% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, có những ngành hàng tồn kho tăng rất cao, như chế biến và bảo quản rau quả tăng tới 80%, sản xuất phân bón tăng gần 72%, tồn kho sắt thép tăng trên 53%. Ngược lại, sức tiêu thụ đang giảm mạnh: giày dép giảm gần 22%, đồ uống không cồn giảm 30%, xi măng giảm gần 38%...

Trước tình hình giá tiêu dùng giảm, lãi suất giảm nhưng sức mua cũng giảm theo, cần được xem xét đánh giá sâu và thực chất để thúc đẩy thị trường, kích cầu nền kinh tế, không thể “hồn nhiên” vui mừng vì CPI giảm.

THÁI BÌNH

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh