Thời gian qua, lợi dụng hình thức bán hàng qua các sàn thương mại điện tử (TMĐT), một số đối tượng kinh doanh trên không gian mạng đã đưa hàng hóa kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, hàng nhập lậu vào buôn bán nhằm thu lợi bất chính, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Thời gian qua, lợi dụng hình thức bán hàng qua các sàn thương mại điện tử (TMĐT), một số đối tượng kinh doanh trên không gian mạng đã đưa hàng hóa kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, hàng nhập lậu vào buôn bán nhằm thu lợi bất chính, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
|
Ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng hóa kinh doanh online. |
Mua hàng online: khó kiểm soát chất lượng
Với sự phát triển của các sàn TMĐT, các nền tảng ứng dụng mạng xã hội, các ứng dụng di động thông minh, việc bán hàng online ngày càng trở nên phổ biến, mang lại nhiều lợi ích cho người kinh doanh lẫn người tiêu dùng. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích mà TMĐT mang đến như giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường, giảm chi phí, tăng lợi nhuận, thanh toán nhanh thì vẫn còn nhiều hạn chế trong việc mua bán trên thị trường trực tuyến.
Theo đó, người bán hàng đã lập nhiều tài khoản Facebook, TikTok… để bán mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, hàng tiêu dùng… Các sản phẩm này chủ yếu được giới thiệu qua màn hình, cùng những lời giới thiệu “có cánh” của người bán. Không ít người mua hàng online đã phải “ngậm đắng” bởi sản phẩm sau khi nhận không đúng với khi quảng cáo, hoặc hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ...
Chị Phạm Thị Minh (ngụ Phường 3, TP Vĩnh Long) cho biết: “Tôi nghĩ mua hàng online tiện vì ít tốn thời gian, thanh toán nhanh, có thể xem hàng qua hình ảnh, nhưng thực tế lại khó kiểm soát chất lượng. Tôi đã có vài lần nhận hàng kém chất lượng nhưng khi phản ánh với người bán thì không được bồi thường hay đổi hàng lại, cũng không biết báo với ngành chức năng như thế nào”.
Theo Cục Quản lý thị trường tỉnh, thời gian qua, đơn vị đã tích cực triển khai nhiều giải pháp quản lý, ổn định thị trường nói chung và kinh doanh hàng hóa online nói riêng.
Mặc dù vậy, việc quản lý kinh doanh hàng hóa trên môi trường mạng hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn, do các đối tượng lợi dụng sự phát triển của khoa học, công nghệ để sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng hóa kém chất lượng, hàng nhái bán trà trộn với hàng thật, có mạng lưới phân phối từ thành thị đến nông thôn.
Việc bán hàng qua mạng không cần phải có kho chứa trữ hàng hóa, nguồn hàng được lấy từ nhiều nơi khác nhau, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát, giám sát đối tượng.
Trong đó, hiện nay, nhiều website bán hàng online và trang mạng xã hội không nằm trên địa bàn của tỉnh, các thông tin về đối tượng tham gia hoạt động thương mại trên các website không cụ thể, không có thông tin về tên, địa chỉ và số điện thoại…
Một số website có đăng ký, thông báo hoạt động TMĐT, có đăng ký địa chỉ nơi hoạt động nhưng khi lực lượng quản lý thị trường đến khảo sát thì không hoạt động tại địa chỉ đăng ký, gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý.
Cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát
Ông Lê Thanh Phong- Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết: Thời gian tới, chi cục sẽ tăng cường công tác quản lý địa bàn, thường xuyên theo dõi tình hình giá cả hàng hóa, nắm bắt thông tin về hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo lĩnh vực, địa bàn phụ trách.
Tiếp tục triển khai Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2021-2025; tuyên truyền, phổ biến pháp luật, vận động các cá nhân, tổ chức hoạt động thương mại tham gia ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa không đảm bảo an toàn thực phẩm…
Trong đó, chú trọng lĩnh vực TMĐT và các mô hình hoạt động kinh doanh trên ứng dụng công nghệ số, mua bán online thông qua các ứng dụng trên nền tảng di động, website bán hàng, các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Instagram, Twitter,... nhằm chủ động ngăn ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời tình trạng lợi dụng lòng tin của người mua hàng trên mạng để gian lận về mẫu mã, giá cả, chất lượng của hàng hóa, đặc biệt là tình trạng các mặt hàng cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh, hàng giả, hàng lậu, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm.
Kết hợp phòng ngừa hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản; tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp; kịp thời phát hiện các dấu hiệu vi phạm, xử lý theo quy định.
“Về phía doanh nghiệp, không nên vì lợi nhuận mà buôn bán hàng giả, kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ… Về phía người tiêu dùng, khi mua hàng cần kiểm tra hàng hóa trước khi nhận; lựa chọn tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ có nguồn gốc, xuất xứ rõ; tìm hiểu kỹ thông tin hàng hóa trước khi mua; không chọn mua và sử dụng các hàng hóa giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Cần thông tin cho cơ quan chức năng có liên quan khi phát hiện có các cá nhân, tổ chức bán hàng là hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, ảnh hưởng tới quyền lợi người tiêu dùng và quyền lợi của các cá nhân, tổ chức đang sản xuất, buôn bán hàng thật”- ông Phong khuyến cáo.
NTừ đầu năm đến nay, Cục Quản lý thị trường đã xử lý 4 vụ vi phạm liên quan đến hoạt động TMĐT , với 7 hành vi (kể cả kiểm tra kỳ trước), xử phạt hành chính 60,5 triệu đồng, tịch thu hàng hóa trên 48 triệu đồng, buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả hàng hóa vi phạm trị giá trên 31 triệu đồng. Hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh hàng hóa nhập lậu; hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; hàng hóa có nhãn ghi không đủ các nội dung bắt buộc; hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam. Mặt hàng vi phạm chủ yếu là: bánh kẹo nước ngọt, quần áo may sẵn, mỹ phẩm, đồ điện, đồ gia dụng.
|
Bài, ảnh: TRÀ MY