Sức mua giảm, cần kích cầu tiêu dùng

01:04, 14/04/2023

Theo Sở Công Thương, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của quý I tăng cao hơn so cùng kỳ. Tuy nhiên, theo nhiều tiểu thương ở chợ Vĩnh Long, sức mua của người tiêu dùng đang có dấu hiệu giảm rõ rệt.

 

 

Nhiều tiểu thương ở chợ Vĩnh Long cho biết sức mua có dấu hiệu giảm từ sau Tết đến nay.
Nhiều tiểu thương ở chợ Vĩnh Long cho biết sức mua có dấu hiệu giảm từ sau Tết đến nay.

Theo Sở Công Thương, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của quý I tăng cao hơn so cùng kỳ. Tuy nhiên, theo nhiều tiểu thương ở chợ Vĩnh Long, sức mua của người tiêu dùng đang có dấu hiệu giảm rõ rệt.

Theo Sở Công Thương, trong quý I, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên 16.139 tỷ đồng, đạt gần 22% so kế hoạch năm, tăng 13,74% so cùng kỳ năm 2022. Trong đó, bán lẻ hàng hóa tăng 12,17%; lưu trú, ăn uống tăng 16,29%; du lịch tăng 121,72%;… Các con số cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của những tháng đầu năm đều tăng do nhu cầu mua sắm trước, trong và sau Tết.

Theo ghi nhận, hiện nay giá cả nhiều mặt hàng ở các chợ, hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi khá ổn định, thậm chí có một số mặt hàng có giá giảm mạnh như thịt heo, các loại rau củ quả,... Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều tiểu thương ở chợ Vĩnh Long, dù giá cả ổn định nhưng sức mua đã giảm rõ rệt từ khoảng cuối tháng 2 đến nay. Người tiêu dùng đã “thắt chặt chi tiêu”, chỉ mua đủ dùng, tập trung vào các mặt hàng thiết yếu.

Theo chị Lệ, tiểu thương mặt hàng gia cầm, cho hay giá gà vịt giữ ổn định ngay từ trước Tết đến nay. Tuy nhiên sức mua của người dân đã giảm rõ, các mối lớn hàng quán cũng “đặt ít lại so với trước”. Một tiểu thương ngành hàng vải, quần áo may sẵn cho biết, có ngày chỉ bán được 2, 3 sản phẩm, thậm chí có loại “để hoài không ai mua, riết rồi đóng bụi, bao bì cũng bạt màu”.

Bà Lê Trúc My- Giám đốc Công ty My Tỷ Mai, cho biết ngay tại cửa hàng của công ty, sức mua cũng đã giảm thấy rõ, nhiều mặt hàng lượng tiêu thụ giảm rất nhiều. “Người tiêu dùng dường như đang thắt chặt chi tiêu, chỉ mua những gì cần thiết nhất”, bà My nói. Bà My cũng cho rằng, hộ kinh doanh, doanh nghiệp cũng cần được “kích cầu” từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi, các chính sách hỗ trợ về thuế, phí…

Các siêu thị duy trì chương trình khuyến mãi để kích cầu tiêu dùng.
Các siêu thị duy trì chương trình khuyến mãi để kích cầu tiêu dùng.

Theo các tiểu thương, cần nhìn rõ và đúng khi sức mua giảm là do người dân “hết tiền hoặc ít tiền, thắt chặt chi tiêu”. Để kích cầu tiêu dùng sẽ cần nhiều chính sách, đặc biệt là khai thông các nguồn vốn hỗ trợ tiêu dùng. Theo các chuyên gia kinh tế, khu vực kinh tế hộ gia đình phát triển, kinh doanh ổn định sẽ tạo ra việc làm, thu nhập và từ đó có tiền để chi tiêu hàng ngày, lan tỏa đến các lĩnh vực sản xuất khác.

Chuyên gia kinh tế, TS Bùi Trinh cho rằng, để đưa tăng trưởng kinh tế thì cần quan tâm đến kích cầu đầu tư lẫn kích cầu tiêu dùng. Trong đó, kích cầu đầu tư là phải đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, góp phần tạo công ăn việc làm và gián tiếp lan tỏa đến các hoạt động của nhiều lĩnh vực khác.

Bài, ảnh: KHÁNH DUY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh