Rằm tháng Giêng là thời điểm có đông người đi lễ chùa và cầu an. Theo đó, nhu cầu sử dụng thực phẩm chay vào dịp này cũng tăng khá nhiều.
|
Đa dạng thực phẩm chay được bày bán tại siêu thị. |
Rằm tháng Giêng là thời điểm có đông người đi lễ chùa và cầu an. Theo đó, nhu cầu sử dụng thực phẩm chay vào dịp này cũng tăng khá nhiều.
Đáp ứng nhu cầu thay đổi khẩu vị sau Tết, nhất là vào dịp rằm tháng Giêng, nhiều siêu thị và cửa hàng kinh doanh thực phẩm chay bày bán đủ loại nguyên liệu chế biến đồ chay như măng khô, nấm đông cô, tàu hủ ky, đậu hủ, mì căn; các loại thực phẩm chay đóng gói như tôm nõn, bò, gà, heo lát… với đa dạng thành phần và giá cả, giúp người tiêu dùng dễ dàng lựa chọn và chế biến theo sở thích.
Bên cạnh đó, thức ăn chay được bán với tên gọi và hình thức rất phong phú như cá, thịt heo, bò được làm từ bột hay từ rau củ như ngó sen, tàu hủ, cà tím… đều là những món chay ngon miệng cho bữa cơm gia đình thêm đậm đà, phong phú. Người mua cũng có thể chọn cơm thập cẩm với giá từ 20.000 - 35.000 đ/phần hay những món chay phổ biến như phở, bún huế, bún riêu, hủ tiếu… có giá từ 25.000 - 45.000 đ/món.
Nhờ mỗi dịp rằm, các hộ bán đồ ăn chay chế biến sẵn cũng “được mùa”. Cô Út (Phường 1, TP Vĩnh Long) có hơn 20 năm bán thức ăn chay tại chợ Vĩnh Long cho biết, số lượng người ăn chay bắt đầu tăng dần từ trước Tết, ngoài những món ăn sáng như hủ tiếu, bún riêu, bún bì chay, thì các món cơm chay cũng rất được ưa chuộng, dự đoán sức mua sẽ còn tiếp tục tăng cho đến cuối tháng Giêng. “Sau Tết rồi đến rằm, người ăn chay nhiều, người mua về cúng, người ngồi ăn, bán không xuể, mọi năm cô phải thức từ 2 - 3 giờ sáng thì mới chuẩn bị kịp cả chục món để bán” - cô Út nói.
Cô Nguyễn Thị Lợi (Phường 5, TP Vĩnh Long) bán tạp hóa tại chợ Vĩnh Long cho biết, sức mua thực phẩm chay bắt đầu tăng từ sau Tết do có nhiều người muốn thay đổi khẩu vị, đặc biệt càng gần đến rằm thì có nhiều chùa đặt mua với số lượng lớn để đãi khách, trong đó, nhóm hàng gia vị, đóng gói, đồ khô... đều “cháy hàng”.
Đang mua gói gia vị nấu lẩu nấm chay, chị Thúy Vy, chia sẻ: “Qua Tết gia đình tôi ai cũng ngán thịt cá nên tôi xen kẽ vài bữa cơm chay, vừa thay đổi khẩu vị vừa tốt cho sức khỏe”.
Xu hướng sử dụng thực phẩm chay ngày càng phổ biến, không chỉ vì lý do sức khỏe hay tôn giáo mà còn vì mục đích bảo vệ môi trường.
|
Mặt hàng rau củ quả có nguồn cung dồi dào, giá cả ổn định. |
Nắm bắt được nhu cầu ngày càng tăng đó, nhà hàng chay xuất hiện với hình thức chỉn chu và chất lượng đảm bảo, phục vụ thực đơn hơn chục món với đầy đủ món khai vị, món chính, món cơm, món lẩu, nước uống... với giá từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng/món. Chị Thái Thu Minh, quản lý nhà hàng chay Tịnh Bình (Phường 4, TP Vĩnh Long) cho biết, nhà hàng luôn chế biến nhiều món ăn làm từ các nguyên liệu tự nhiên như đọt bầu, củ hủ dừa, ngó sen, nấm...
Chị cho biết thêm, việc kinh doanh của nhà hàng đã bắt đầu nhộn nhịp từ trước Tết, còn từ sau Tết thì lượng khách tăng hơn 30% so với ngày thường. Ngoài ra, nhà hàng cũng bổ sung vào thực đơn nhiều món chay “biến tấu” như nem cuốn, quay chay, sushi, pizza… có giá từ 80.000 - 189.000 đ/món.
Thị trường thực phẩm chay đang ngày càng sôi động. Thực phẩm chay rất dễ mua nhưng cũng khó xác định được mức độ an toàn. Vì vậy, để đảm bảo sức khỏe, người tiêu dùng nên chọn mua thực phẩm sơ chế và chế biến sẵn tại các cơ sở kinh doanh có uy tín; sản phẩm đóng gói phải có thương hiệu, thành phần, hạn sử dụng, chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, xuất xứ rõ ràng…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin