Không để xảy ra tình trạng khan hiếm, tăng giá hàng hóa

02:09, 01/09/2021

Theo Sở Công thương, trong thời gian giãn cách xã hội, các mặt hàng thiết yếu vẫn đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của người dân. Một số loại mì gói tuy có tình trạng thiếu hàng cục bộ, nhưng người dân không nên hoang mang, tạo tâm lý tích trữ hàng hóa, gây ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch.

 

 

Hàng hóa thiết yếu đảm bảo nhu cầu của người tiêu dùng.
Hàng hóa thiết yếu đảm bảo nhu cầu của người tiêu dùng.

Theo Sở Công thương, trong thời gian giãn cách xã hội, các mặt hàng thiết yếu vẫn đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của người dân. Một số loại mì gói tuy có tình trạng thiếu hàng cục bộ, nhưng người dân không nên hoang mang, tạo tâm lý tích trữ hàng hóa, gây ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch.

Một số loại mì gói ít hàng nhưng đảm bảo nguồn cung

Theo một số tiểu thương, vài tuần nay, một số mặt hàng có tình trạng khan hiếm cục bộ tại một số thời điểm, như mì gói, bún, miến,…

Nguyên nhân là do nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng này của người dân tăng cao, làm cho một số cở sở kinh doanh hàng hóa thiết yếu thiếu hụt cục bộ nguồn cung cấp và giá cả nhiều mặt hàng có tăng giá so với ngày thường. Trong đó, dầu ăn tăng 10%, mì gói tăng từ 15.000- 30.000 đ/thùng (10- 25%).

Cụ thể: mì Tiến vua 53.000- 60.000 đ/thùng, mì Kokomi 65gram giá 60.000- 80.000 đ/thùng, mì 3 Miền thường giá 80.000- 110.000 đ/thùng, mì Hảo Hảo có giá 93.500- 125.000 đ/thùng, mì 3 Miền gold 115.000- 130.000 đ/thùng; mì Omachi 180.000- 190.000 đ/thùng, mì Colusa giá 300.000- 320.000 đ/thùng,…

Tại nhiều chợ truyền thống ở nông thôn còn hoạt động nhưng tiểu thương nghỉ bán nhiều, nên việc cung ứng cũng hạn chế. Do đó, giá các mặt hàng rau, củ, quả, thực phẩm tươi sống cũng tăng 20- 40% so với bình thường. Trong khi đó, tại siêu thị, cửa hàng tiện lợi nguồn cung nhiều nhưng một số mặt hàng cũng có nguồn cung ít, trong đó mặt hàng mì gói cũng giới hạn số lượng cho người mua.

Chị Trịnh Ngọc Trâm (xã Bình Phước- Mang Thít), cho hay: “Tôi tìm mua 10- 20 thùng mì để tặng cho một số hộ khó khăn trong xóm nhưng ở chợ lẫn Bách hóa xanh không có hàng, hỏi khi nào có thì cửa hàng cũng không biết và cho hay là nguồn cung ít”.

Không để xảy ra khan hiếm hàng hóa

Trước phản ánh “Tại Vĩnh Long, các mặt hàng nhu yếu phẩm đóng gói như: mì gói, cháo gói, miến, phở, hủ tiếu... ở các đại lý lớn, siêu thị mini đều hết hàng, tăng giá cao”, Sở Công thương đã phối hợp với Đoàn kiểm tra liên ngành 389 tỉnh, kiểm tra nắm tình hình thực tế tại các hệ thống phân phối, chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn tỉnh. Theo đó, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 2 hệ thống siêu thị, 43 cửa hàng Bách hóa xanh, 5 cửa hàng Vinmart+ và trên 10 nhà phân phối đang hoạt động.

Ngành chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường.
Ngành chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường.

Qua kiểm tra thực tế tại các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, các nhà phân phối, cửa hàng tạp hóa trên địa bàn tỉnh, nhìn chung các mặt hàng thiết yếu đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Riêng có mặt hàng mì gói 3 Miền và mì Hảo Hảo thiếu cục bộ do nhu cầu của người dân quen sử dụng 2 nhãn hiệu mì nói trên và các nhà máy sản xuất các loại mì này do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên chỉ hoạt động tối đa 50% công suất, áp dụng phương án sản xuất 3 tại chỗ, nguồn nguyên liệu sản xuất nhập về khó khăn. Còn các mặt hàng mì gói như Kokomi, Unif, Tiến vua, Cung đình,... vẫn đầy đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.

Đối với các siêu thị, cửa hàng thì hàng hóa thiết yếu do tổng kho phân bổ về cho từng đơn vị, tuy có ít hơn so với trước khi thực hiện giãn cách nhưng vẫn đảm bảo không tăng giá bán.

Ông Nguyễn Trung Kiên- Phó Giám đốc Sở Công thương, cho biết: Hiện nay các mặt hàng thực phẩm thiết yếu, vật tư thiết bị y tế phòng chống dịch bệnh vẫn đảm bảo đáp ứng nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân.

Tuy nhiên, trong thời gian giãn cách, người dân không được phép đi mua hàng mà chỉ mua hàng qua các Tổ đi chợ thay, riêng một số mặt hàng thực phẩm đóng gói như mì gói, cháo gói, miến, phở, hủ tiếu… tại một vài tiệm tạp hóa, điểm kinh doanh của các cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini cũng đã hết hàng cục bộ hoặc còn hàng nhưng số lượng ít. Riêng đối với chuỗi cửa hàng Bách hóa xanh do hiện nay ở khu vực TP Hồ Chí Minh đặt hàng online, trong khi đó khâu vận chuyển cũng gặp khó khăn.

Thời gian tới, theo ông Nguyễn Trung Kiên, sở sẽ làm việc với các đại lý, nhà phân phối để đảm bảo không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, găm hàng, tăng giá đột biến. Đồng thời, tăng cường phối hợp kiểm tra quản lý, theo dõi địa bàn, nếu phát hiện nơi nào tăng giá vượt mức quy định sẽ xử lý kịp thời.

Thời gian qua, Cục Quản lý thị trường Vĩnh Long cũng đã chỉ đạo các đội bám sát địa bàn, thường xuyên nắm bắt tình hình hàng hóa lưu thông, đặc biệt là theo dõi sát diễn biến giá cả hàng ngày đối với các mặt hàng thực phẩm thiết yếu, vật tư thiết bị y tế phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Chủ động phối hợp với các ngành địa phương, Ban Quản lý các chợ, thực hiện tuyên truyền, nhắc nhở, hướng dẫn các điểm kinh doanh, các siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn thực hiện nghiêm việc niêm yết giá, bán đúng theo giá niêm yết; không đầu cơ, găm hàng, tăng giá vượt mức quy định; không kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng... nhằm góp phần đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa, ổn định giá cả, đáp ứng cầu tiêu dùng của người dân trong những ngày giãn cách xã hội phòng, chống dịch COVID-19.

Bài, ảnh: THẢO NGUYÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh