Trái cây vào mùa nhưng vắng người mua...

08:07, 09/07/2021

Năng suất khá, chất lượng ngon nhưng nhiều loại trái cây vào mùa đang rớt giá liên tục, thị trường tiêu thụ chậm, khiến nhiều nhà vườn điêu đứng.

Năng suất khá, chất lượng ngon nhưng nhiều loại trái cây vào mùa đang rớt giá liên tục, thị trường tiêu thụ chậm, khiến nhiều nhà vườn điêu đứng.

Nhiều loại trái cây vào vụ rớt giá.
Nhiều loại trái cây vào vụ rớt giá.

Nhãn, chôm chôm, mít… giá rẻ

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp không chỉ khiến việc xuất khẩu gặp khó khăn, mà thị trường tiêu thụ trong nước đối với mặt hàng trái cây ở khu vực ĐBSCL đã giảm mạnh. Nhiều loại trái cây vào mùa rộ nhưng không tìm được đầu ra, khiến nhiều nhà vườn điêu đứng.

Tại Vĩnh Long, nhãn, chôm chôm, mít… biến động giá từng ngày theo chiều hướng giảm. Giá rẻ đi kèm với việc vắng thương lái, không thấy người mua, nhiều nhà vườn nản lòng. Giá mít Thái tại Bình Tân biến động liên tục, thay đổi theo từng ngày, có khi tăng lên trên 20.000 đ/kg nhưng chỉ vài ngày sau lại giảm xuống còn 10.000 đ/kg, có thời điểm chỉ 5.000- 7.000 đ/kg, người trồng rất lo lắng.

Các loại trái cây khác như xoài, bưởi, nhãn, chôm chôm… cũng rớt giá mạnh. Hiện chôm chôm Java thu mua tại vườn chỉ còn khoảng 5.000- 7.000 đ/kg, chôm chôm Thái 14.000- 16.000 đ/kg, bưởi Năm Roi 15.000- 25.000 đ/kg, xoài cát 20.000- 25.000 đ/kg, nhãn xuồng đẹp loại 1 từ 20.000 đ/kg, măng cụt 35.000 đ/kg…

Tại cù lao An Bình, nhà vườn trồng nhãn đang “khóc không thành tiếng” vì nhãn rớt giá trong vài tuần qua. Có 2 công trồng nhãn Ido, anh Nguyễn Văn Hiếu (xã An Bình- Long Hồ), rầu rầu: “Vụ này năng suất khá mà giá thất quá, chi phí nhân công thu hoạch, phân thuốc thì tăng, mà đầu ra thì không có. Không có thương lái thu mua tôi phải thu hoạch rồi bán ở chợ lẻ, được bao nhiêu hay bấy nhiêu”.

Còn tại xã Tích Thiện (Trà Ôn), chú Nguyễn Văn Phát- Giám đốc Hợp tác xã Nhãn Tích Phước- cho biết: Hợp tác xã hiện có khoảng 16,5ha trồng nhãn Ido với trên 20 xã viên. Mùa này đang vào vụ nhãn. 2 tháng tới hợp tác xã sẽ thu hoạch khoảng 48 tấn. Thời điểm 30/4- 1/5, nhãn Ido đầu vụ được 28.000- 30.000 đ/kg, tuy nhiên thời điểm này giá đã giảm 50%, dù chưa vào vụ rộ. Hiện chủ yếu chỉ có những mối lái nhỏ thu mua vài trăm ký để bán cho các địa phương lân cận, một số ít đi Cần Thơ, Trà Vinh, Cà Mau… Cũng có một số doanh nghiệp, công ty liên hệ đặt tiêu thụ nhưng thông báo chờ dịch tạm lắng mới thu mua.

Nhà vườn thở dài

“Tôi có 8 công trồng nhãn, một số đang thu hoạch, còn lại cho trái nhỏ, vừa ra bông, tôi rải vụ ra để không bị “chết” đầu ra, nếu tập trung vào 1 vụ thì thu hoạch 7- 8 tấn/lần, trúng thời điểm này là coi như “chịu chết”. Mùa này nhãn đạt năng suất từ 2,5 tấn/công trở lên. Tuy nhiên, giá sụt hoài, nhà vườn từ huề vốn tới lỗ. Một số nhà vườn không bán được chỉ biết “chặc lưỡi kêu trời”. Vụ này, năm trước còn có mối lái ở các chợ đầu mối TP Hồ Chí Minh thu mua, “ăn” khoảng 1 tấn/ngày, đóng hàng liên tục. Còn năm nay, mối lớn lặn mất tăm, không thấy đâu”- chú Nguyễn Văn Phát thở dài.

Tại xứ sở chôm chôm Bình Hòa Phước, tình hình cũng ảm đạm không kém khi mà chôm chôm thất vụ lại còn thêm rớt giá. Ông Nguyễn Ngọc Nhân- Giám đốc Hợp tác xã Chôm chôm Bình Hòa Phước (Long Hồ)- cho biết: Năm nay, chôm chôm vừa thất mùa giá lại quá rẻ. Hiện chôm chôm Java mua tại vườn chỉ có vài ngàn đồng/kg, giảm hơn nửa giá so với năm rồi. Với mức giá này nhà trồng cầm chắc lỗ.

“Hiện nay do hạn chế vận chuyển hàng hóa giữa các tỉnh thành nên chỉ chủ yếu tiêu thụ trong tỉnh nhưng cũng rất khó vì người dân hạn chế đi lại, hạn chế chi tiêu. Thị trường gần như đóng băng, khiến nhà vườn điêu đứng”- ông chia sẻ.

Để thêm đầu ra, bên cạnh bán tại chợ, một số nhà vườn cũng kịp nắm bắt theo thời, tranh thủ bán trên chợ online, Facebook, Zalo,... hoặc tham gia trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, giao hàng tận nơi, miễn phí vận chuyển khi mua chỉ 2kg trở lên,… Tuy nhiên, nhà vườn cho hay, sức mua cũng chưa mấy khả quan.

Nhà vườn tăng cường bán qua kênh online.
Nhà vườn tăng cường bán qua kênh online.

Một số thương lái cũng cho hay, thời điểm này, giá trái cây rẻ hơn năm trước 30- 40%, sức tiêu thụ chậm, thị trường ít “ăn hàng”. Vì trái cây là hàng tươi, khó bảo quản lâu nên tiêu thụ chậm, vài ngày không bán được là coi như bỏ.

Nhiều nhà vườn lo lắng, với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, giá nhiều loại trái cây sẽ còn tiếp tục giảm bởi vừa mới vào vụ không bao lâu nhưng nhiều loại đã liên tục rớt giá, dự đoán tới khi “đông ken” còn rẻ nữa. “Chỉ hy vọng dịch bệnh sớm được khống chế, giao thương trở lại bình thường để đầu ra ổn hơn”- chú Nguyễn Văn Phát mong mỏi.

Một số nhà vườn chia sẻ, giá chanh, tắc hiện nay cũng rớt giá thảm, chỉ từ 1.500- 2.500 đ/kg, nhưng không có thương lái đến mua. Anh Hậu (xã An Bình- Long Hồ) trồng 2 công chanh cho hay: “Giá chanh mùa này rẻ quá, nhưng không ai mua. Mọi năm có thương lái, chợ đầu mối ở TP Hồ Chí Minh mua, chỉ việc đóng hàng gửi đi. Còn năm nay tới vụ thu hoạch không tìm được đầu ra”.

Bài, ảnh: TRÀ MY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh