Dịch COVID-19: Đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu tới người dân

08:07, 06/07/2021

Tại các hệ thống phân phối lớn, nguồn hàng dự trữ luôn được duy trì với lượng hàng hóa tăng từ 150-500% so với bình thường, hàng hóa đa dạng, giá cả ổn định, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của người dân.

Tại các hệ thống phân phối lớn, nguồn hàng dự trữ luôn được duy trì với lượng hàng hóa tăng từ 150-500% so với bình thường, hàng hóa đa dạng, giá cả ổn định, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của người dân.

Các mặt hàng tươi sống đa dạng, phong phú tại siêu thị Co.op mart Nha Trang. (Ảnh: Phan Sáu/TTXVN)
Các mặt hàng tươi sống đa dạng, phong phú tại siêu thị Co.op mart Nha Trang. (Ảnh: Phan Sáu/TTXVN)

Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, thời điểm này tại các hệ thống phân phối lớn, việc chuẩn bị nguồn hàng dự trữ vẫn được duy trì trong giai đoạn chống dịch COVID-19 với lượng hàng hóa tăng mạnh so với trước đó.

Đặc biệt, nhằm đảm bảo hàng hóa cho người dân, kể cả khu vực đang có dịch, Bộ Công Thương đã ban hành hàng loạt văn bản chỉ đạo Sở Công Thương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động xây dựng các phương án ứng phó để sẵn sàng cung ứng hàng hóa bình ổn thị trường theo các cấp độ diễn biến của dịch COVID-19.

Theo Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương đã chỉ đạo, phối hợp với các doanh nghiệp phân phối lớn để có phương án điều tiết nguồn cung hàng hóa khi cần thiết hoặc hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông sản vào vụ thu hoạch; đề nghị các doanh nghiệp phân phối cam kết bình ổn giá hàng hóa thiết yếu, bảo đảm nguồn cung hàng hóa trong hệ thống phân phối, nhất là tại địa phương có dịch bệnh.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đã chủ động liên hệ với các doanh nghiệp phân phối lớn để nắm thông tin nguồn cung hàng hóa trong hệ thống các siêu thị nhằm bảo đảm cung ứng hàng hóa thiết yếu.

Nhờ đó, tại các hệ thống phân phối lớn như chuỗi siêu thị Co.op Mart, Co.op Food, Co.op Extra, VinMart, Hapro Mart, Intimex, Big C; Go!, Bách Hóa Xanh… nguồn hàng dự trữ vẫn được duy trì trong giai đoạn chống dịch với lượng hàng hóa tăng từ 150-500% so với bình thường, hàng hóa đa dạng, giá cả ổn định, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu tăng lên của người dân.

Hơn nữa, hệ thống phân phối cũng đã sớm làm việc với các địa phương sản xuất nông sản tập trung, có sản lượng lớn để xây dựng kế hoạch, phương án chế biến, dự trữ, vận chuyển, lưu thông tiêu thụ nông sản trong hệ thống, phấn đấu tăng lượng tiêu thụ nông sản an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh từ hai lần trở lên so với năm trước.

Do đó, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng các địa phương, doanh nghiệp đã chủ động xây dựng phương án bảo đảm cung-cầu hàng hóa, lưu thông, tiêu thụ nông sản ứng phó với các mức độ của dịch COVID-19.

Vì vậy, nguồn cung hàng hóa cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân, thị trường không có hiện tượng tăng giá đột biến, việc tiêu thụ nông sản thuận lợi, không có hiện tượng ùn ứ nông sản như giai đoạn trước.

Thống kê cho thấy, 6 tháng đầu năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 2.463,8 nghìn tỷ đồng, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 3,55%.

Các chuyên gia thương mại cho biết, tuy dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp nhưng tâm lý người dân trong mua sắm hàng hóa tương đối bình tĩnh, không có hiện tượng người dân đổ xô đi mua hàng hóa tích trữ.

Cùng với đó, Bộ Công Thương đã thường xuyên liên hệ với các địa phương để tổng hợp và cập nhật tình hình bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu.

Tại các địa phương có dịch bệnh, hoạt động thương mại vẫn diễn ra bình thường; tình hình hàng hóa trên thị trường cơ bản ổn định; nguồn cung hàng hóa vẫn đáp ứng tốt nhu cầu của người dân, giá cả ổn định, không xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.

Đáng lưu ý, trước khó khăn trong tiêu thụ nông sản trong vùng dịch, Bộ Công Thương đã kết nối các doanh nghiệp phân phối lớn phối hợp với các địa phương (thông qua Sở Công Thương) để thúc đẩy tiêu thụ nông sản có sản lượng lớn, đã thu hoạch nhưng gặp khó khăn về thị trường.

Đồng thời tiếp tục bám sát, hướng dẫn địa phương để có phương án hỗ trợ kịp thời, hạn chế tồn ứ nông sản, đảm bảo lưu thông thông suốt, nông sản không bị ách tắc do khâu lưu thông.

Tuy nhiên, các chuyên gia thương mại cũng chỉ ra rằng, dù có đầy đủ các văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành và địa phương nhưng do vào chính vụ thu hoạch nông sản nên việc lưu thông tiêu thụ hàng hóa theo phản ánh của một số doanh nghiệp vẫn còn gặp khó khăn hơn so với thời điểm không có dịch COVID-19.

Vì vậy, việc thu mua, vận chuyển tiêu thụ nông sản bị ách tắc khi các thương lái không thể hoặc chậm vận chuyển nông sản ra vào vùng có dịch đi tiêu thụ vì quy định phòng, chống dịch tại nhiều địa phương.

Để việc lưu thông, tiêu thụ nông sản kịp thời hiệu quả, Bộ Công Thương đã thành lập bộ phận thường trực gồm đại diện Vụ Thị trường trong nước và đại diện Phòng Quản lý Thương mại của 63 Sở Công Thương các tỉnh, thành phố nhằm theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời, đảm bảo phân phối hàng hóa hợp lý giữa các vùng miền, ổn định cung cầu - giá cả và lưu thông hàng hóa trên địa bàn cả nước.

Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tăng cường các hoạt động kết nối các doanh nghiệp phân phối lớn với các địa phương thông qua Sở Công Thương để thúc đẩy tiêu thụ nông sản có sản lượng lớn, đã thu hoạch nhưng gặp khó khăn về thị trường; tiếp tục phối hợp với Sở Công Thương các địa phương để theo dõi sát diễn biến thị trường, có biện pháp xử lý hoặc kiến nghị hướng xử lý các bất ổn, nhất là một số mặt hàng nông sản, thực phẩm thiết yếu và điều phối giữa các địa phương khi cần thiết./.

Theo Uyên Hương (TTXVN/Vietnam+)

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh