"Chợ online" mùa dịch bệnh

07:03, 20/03/2020

Lượng đặt hàng mua sắm qua mạng tăng gấp 2-3 lần là chia sẻ của nhiều chủ shop hàng online và công ty chuyển phát nhanh trong mùa dịch bệnh hiện nay. Theo nhiều người, nguyên nhân là do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 đã khiến nhiều người thay đổi thói quen mua trực tiếp bằng hình thức mua sắm trực tuyến.

 

Nhiều quán, cửa hàng chuyển sang kinh doanh online.
Nhiều quán, cửa hàng chuyển sang kinh doanh online.

Lượng đặt hàng mua sắm qua mạng tăng gấp 2-3 lần là chia sẻ của nhiều chủ shop hàng online và công ty chuyển phát nhanh trong mùa dịch bệnh hiện nay. Theo nhiều người, nguyên nhân là do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 đã khiến nhiều người thay đổi thói quen mua trực tiếp bằng hình thức mua sắm trực tuyến.

Chợ online nhộn nhịp hơn

Để phòng tránh lây nhiễm vi rút corona chủng mới (SARS-CoV-2) trong mùa dịch, nhiều người dân hạn chế ra đường. Theo đó, thói quen mua sắm của người dân cũng dần thay đổi, bởi ngán ngại đến nơi tập trung đông người như chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, nhiều người đã chuyển sang kênh mua sắm trực tuyến- nơi mà “muốn mua gì cũng có”.

Chỉ trong vòng 2 tuần, chị Lê Thúy Nga (phường Trường An- TP Vĩnh Long) đã tốn gần 3 triệu đồng để đi chợ online mua thực phẩm, đồ dùng thiết yếu, như: gạo, mì, thịt heo, trứng, kem đánh răng, giấy vệ sinh, quần áo,... Chị Nga cho hay: “Thay vì đi chợ, đến nơi đông người tôi ở nhà chọn mua hàng qua mạng ở những nơi uy tín, có chất lượng, vừa tiết kiệm thời gian lại an tâm hơn trong mùa dịch bệnh”.

Bên cạnh các hoạt động tất bật của kênh bán hàng online, thì để kéo khách và giữ chân khách trong mùa dịch, nhiều chủ cửa hàng, quán ăn, cũng đã linh hoạt chuyển cách bán hàng trực tiếp sang giao hàng tận nhà, “1 tô cũng giao, 1 phần cũng ship”.

Chủ một quán ăn trên đường Phạm Hùng (Phường 9- TP Vĩnh Long), cho hay, nhiều tuần nay, bên cạnh bán trực tiếp tại quán thì quán cũng thông báo đến khách có nhu cầu sẽ giao tận nhà, rồi tập tành “rao” trên mạng facebook, zalo. Nhờ vậy mà tình hình buôn bán cũng cải thiện hơn trước.

Để phục vụ nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng, Siêu thị Co.opmart Vĩnh Long cũng đã sớm triển khai dịch vụ tiện ích đặt hàng qua điện thoại- giao hàng tận nhà.

Ông Văn Quốc Hoàng- Giám đốc Siêu thị Co.opmart Vĩnh Long- cho hay, trong 3 ngày, từ ngày 7- 9/3, lượng hàng mua sắm trực tiếp và đặt qua điện thoại có tăng 40- 50% so với ngày thường, nhiều ngày nay mức độ có hạ nhiệt nhưng vẫn cao hơn so với cùng kỳ năm trước 5- 10%.

Theo đó, để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, siêu thị đã tăng lượng hàng 40- 60%. “Do đó, khách hàng không cần trữ hàng nhiều. Siêu thị luôn có đủ lượng hàng hóa để cung ứng cho người dân. Hiện siêu thị cũng đã có nguồn hàng khẩu trang kháng khuẩn có thể tái sử dụng nhiều lần và nước rửa tay để phục vụ người tiêu dùng trong mùa dịch”- ông Văn Quốc Hoàng cho biết thêm.

Song song đó, siêu thị cũng tiếp tục triển khai nhiều biện pháp phòng dịch nhằm bảo đảm sức khỏe của khách hàng và nhân viên như: đo thân nhiệt cán bộ công nhân viên trước và sau ca làm việc đồng thời áp dụng việc đo thân nhiệt, hỗ trợ khách hàng rửa tay trước khi bước vào khu vực mua sắm.

Trong khi đó, dịch vụ chuyển phát nhanh, giao nhận hàng cũng trở nên tất bật hơn trong vài tháng nay. Trưởng một trạm giao nhận hàng ở Phường 9 (TP Vĩnh Long), cho hay, khoảng 2 tháng nay lượng giao nhận hàng online tăng mạnh từ 30- 40% so với cùng kỳ.

Bà Trần Thị Vân Anh- Giám đốc Bưu điện tỉnh- cũng cho biết, vài tuần nay nhiều người có xu hướng chuyển sang mua online nên các dịch vụ mua sắm qua mạng có tăng, kéo theo dịch vụ chuyển phát, giao nhận hàng cũng nhích hơn trước.

Siết chặt mua hàng qua mạng

Theo đánh giá của Cục Quản lý thị trường tỉnh, thời gian qua, tình hình giá cả hàng hóa tương đối ổn định, hàng hóa phong phú, các mặt hàng thiết yếu vẫn đủ đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Ngành chức năng tăng cường kiểm soát chất lượng hàng hóa mua qua mạng.
Ngành chức năng tăng cường kiểm soát chất lượng hàng hóa mua qua mạng.

Đối với việc mua hàng online, trong thời gian qua đã đem lại nhiều tiện ích cho người tiêu dùng, song theo ngành chức năng, điều này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Ông Lê Thanh Phong- Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh, cho biết, hiện do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều người hạn chế ra đường, tránh đến nơi đông người, nên chuyển sang mua hàng trực tuyến qua mạng, chính vì vậy tình trạng mua hàng qua mạng trong thời gian qua đã tăng hơn.

Tuy nhiên, thời gian qua tình hình kinh doanh trên mạng chưa thật sự được kiểm soát chặt chẽ. Người mua lẫn người bán chủ yếu là giao dịch nhỏ lẻ, giá trị hàng hóa không lớn nên rất khó kiểm soát.

“Mua ở các kênh bán hàng qua mạng, người mua không thể đánh giá được chất lượng sản phẩm hàng hóa- nhất là các mặt hàng nhà làm. Không đánh giá được chất lượng sản phẩm, bởi không biết nơi bán hàng có công bố chất lượng sản phẩm, có đủ điều kiện kinh doanh hay không”- ông Lê Thanh Phong nói thêm.

Không ít người cho rằng, việc mua sắm online hiện nay đã trở thành thói quen của nhiều đối tượng khách hàng, đồng thời, đây được xem là một trong các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Tuy nhiên, nhiều người lo ngại, đây cũng sẽ trở thành “cơ hội” để các đối tượng làm ăn bất chính tuồn hàng kém chất lượng, hàng hết “đát”, hàng gian lận thương mại, hàng giả,... ra thị trường. Chính vì vậy, khâu kiểm soát chất lượng tại “chợ online” cần được đặc biệt quan tâm.

Để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng khi mua sắm online, ông Lê Thanh Phong cho biết, hiện Cục Quản lý thị trường đang tiến hành rà soát, nắm bắt thông tin và theo dõi các điểm bán hàng qua mạng để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Bên cạnh khuyến cáo người tiêu dùng cần nên cẩn trọng trong việc mua hàng online thì Cục Quản lý thị trường cũng chủ động tổ chức kiểm tra, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, kinh doanh, buôn bán, vận chuyển hàng giả không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng chưa được cấp số đăng ký lưu hành tại Việt Nam.

Thời gian qua, các đội quản lý thị trường đã tăng cường công tác quản lý theo địa bàn, chủ động nắm bắt tình hình, phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường giám sát chặt chẽ, nắm thông tin tại các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, chuỗi cửa hàng tự chọn,... nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để mua vét, mua gom, hoặc lợi dụng tình hình dịch bệnh để định giá hàng hóa bất hợp lý đối với mặt hàng thiết yếu.

Bài, ảnh: TRÀ MY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh