Chợ an toàn thực phẩm: Hướng đi tất yếu cho chợ truyền thống

09:03, 13/03/2020

Chỗ bán không còn xập xệ, lối đi sạch sẽ, thông thoáng hơn, không lo đọng nước, người tiêu dùng an tâm hơn, mua sắm nhiều hơn,... là những lợi ích mà mô hình chợ an toàn thực phẩm (ATTP) mang đến cho tiểu thương. Đây cũng là hướng đi tất yếu để nâng sức cạnh tranh cho chợ truyền thống.

Chỗ bán không còn xập xệ, lối đi sạch sẽ, thông thoáng hơn, không lo đọng nước, người tiêu dùng an tâm hơn, mua sắm nhiều hơn,... là những lợi ích mà mô hình chợ an toàn thực phẩm (ATTP) mang đến cho tiểu thương. Đây cũng là hướng đi tất yếu để nâng sức cạnh tranh cho chợ truyền thống.

Xây dựng chợ an toàn thực phẩm là hướng đi đúng đắn và tất yếu cho chợ truyền thống để nâng cao sức cạnh tranh.
Xây dựng chợ an toàn thực phẩm là hướng đi đúng đắn và tất yếu cho chợ truyền thống để nâng cao sức cạnh tranh.

Dần đi vào nề nếp

Theo Sở Công thương tỉnh, trong những năm qua, công tác đảm bảo vệ sinh ATTP trên địa bàn tỉnh đã được các ngành chức năng quan tâm chỉ đạo và đã có những chuyển biến tích cực từ khâu sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng. Theo đó, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã quan tâm đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, đổi mới, cải tiến máy móc thiết bị, từng bước đáp ứng các quy định về vệ sinh ATTP.

Song song đó, việc quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn, hỗ trợ vốn xây dựng nhà lưới để sản xuất rau an toàn đã được các địa phương quan tâm triển khai thực hiện, để đáp ứng nguồn thực phẩm sạch, an toàn cung cấp cho các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ ATTP, điểm kinh doanh thực phẩm đảm bảo an toàn tại chợ.

Mô hình chợ ATTP đầu tiên của tỉnh- chợ ATTP Phước Thọ (Phường 8- TP Vĩnh Long) đã đi vào hoạt động nề nếp, ổn định. Chị Phạm Thị Thúy- Phòng Hành chánh Tổng hợp- Ban quản lý chợ Phước Thọ- cho biết, hiện chợ có 89 quầy đảm bảo tiêu chí ATTP. Qua 3 năm triển khai, tiểu thương tại chợ luôn tuân thủ, thực hiện đúng các quy định: bán hàng có nguồn gốc rõ ràng, vệ sinh sạch sẽ quầy hàng, tạo thông thoáng lối đi,...

Bên cạnh đó, ban quản lý cũng thường xuyên phối hợp các ngành chức năng kiểm tra hàng hóa, chất lượng thực phẩm tại chợ để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng. Nhất là trong giai đoạn dịch COVID- 19 hiện nay, ban quản lý cũng thường xuyên nhắc nhở tiểu thương tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh, để đảm bảo sức khỏe bản thân và của người tiêu dùng, giúp người mua cảm thấy an tâm hơn khi mua sắm tại chợ.

Là 1 trong 5 quầy ăn uống được hỗ trợ xây dựng quầy ATTP, anh Nguyễn Quốc Thái- bán thức ăn chay tại chợ Phước Thọ- phấn khởi nói: “Từ khi xây quầy theo tiêu chí ATTP thấy bán được hơn, khách hàng tin tưởng hơn lại tiết kiệm được thời gian. Trước đây, tôi bán bằng bếp than, mỗi lần nấu là khói, bụi, bị mấy chị tiểu thương kế bên “mắng vốn” hoài. Giờ nấu có kệ, có bếp hẳn hoi, an toàn lại sạch sẽ hơn”.

Trong khi đó, khánh thành từ cuối năm 2018, mô hình chợ thí điểm đảm bảo ATTP Cái Ngang cũng được tiểu thương đồng tình, ủng hộ và phấn khởi thực hiện.

Ông Trương Minh Hoàng- Giám đốc Hợp tác xã TM-DV Hoàn Thiện (Tam Bình) cho biết, chợ Cái Ngang là chợ hạng II, với trên 160 hộ kinh doanh. Chợ gồm 3 nhà lồng, trong đó, 60 quầy kinh doanh rau, củ, quả được xây dựng đã lâu, không còn phù hợp với các quy định về tiêu chí đảm bảo ATTP.

Theo đó, dự án mô hình chợ thí điểm đảm bảo ATTP đã triển khai hỗ trợ cho nâng cấp 60 quầy. Mô hình đảm bảo các tiêu chí về chợ kinh doanh thực phẩm về địa điểm, thiết kế, môi trường, phòng cháy. Hiện chợ cũng đã đi vào hoạt động ổn định.

Hướng đi tất yếu cho chợ truyền thống

Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Công thương, việc đảm bảo vệ sinh ATTP tại một số chợ vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế. Cụ thể như: việc kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch vẫn còn xảy ra, nhất là đối với thực phẩm tươi sống.

Bên cạnh đó, chưa thật sự tạo ra được mạng lưới liên kết chặt chẽ giữa các nhà sản xuất trong tỉnh với các tổ chức quản lý khai thác chợ nhằm tạo hệ thống cung ứng hàng hóa đảm bảo ATTP, chất lượng, mẫu mã đẹp, phong phú cho người tiêu dùng. Trong khi đó, vẫn còn không ít tiểu thương chưa thật sự quan tâm đến việc bán hàng đảm bảo tiêu chí ATTP mà chỉ bán sao cho có lời là được.

Vừa mới triển khai thực hiện mô hình thí điểm ATTP, bên cạnh sự phấn khởi của nhiều tiểu thương thì chợ thị trấn Tam Bình cũng còn gặp không ít khó khăn.

Ông Nguyễn Trần Hồng Thắm- Phó Phòng Kinh tế- Hạ tầng Tam Bình cho hay, chợ triển khai thực hiện nâng cấp 120 quầy. Qua tuyên truyền, vận động tiểu thương cũng có ý thức hơn. Tuy nhiên, còn một số hộ vẫn chưa đi vào nề nếp: còn lấn chiếm lối đi, chưa treo bảng hiệu đúng quy định,...

Theo nhận định của ngành chức năng, hiện nay chợ truyền thống đang chịu sự canh tranh gay gắt từ các kênh bán hàng hiện đại. Do đó, muốn nâng cao khả năng cạnh tranh, không còn cách nào khác là phải chuyển đổi.

 

“Từ khi xây quầy theo tiêu chí an toàn thực phẩm thấy bán được hơn, khách hàng tin tưởng hơn lại tiết kiệm được thời gian”- anh Thái chia sẻ.
“Từ khi xây quầy theo tiêu chí an toàn thực phẩm thấy bán được hơn, khách hàng tin tưởng hơn lại tiết kiệm được thời gian”- anh Thái chia sẻ.

Ông Nguyễn Trần Hồng Thắm cho rằng, chợ truyền thống phải chuyển đổi vì hiện nay ngoài chợ truyền thống, người dân có nhiều lựa chọn hơn trong việc thực hiện việc mua sắm. Do đó, buộc tiểu thương phải không ngừng đổi mới phương thức kinh doanh, nâng cao tiện ích và phục vụ tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng. Thời gian tới, phòng sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để tiểu thương hiểu rõ lợi ích của chợ ATTP và tuân thủ các quy định.

Ông Nguyễn Quốc Huấn- Trưởng Phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương) cho biết, xây dựng chợ ATTP là hướng đi đúng đắn để phát triển chợ, nhất là chợ nông thôn. Từ đó, sẽ góp phần nâng cao sức cạnh tranh cho chợ truyền thống trước các kênh bán hàng hiện đại.

Theo ông Nguyễn Quốc Huấn, do thói quen, tập quán lâu đời của người dân nên chợ truyền thống vẫn sẽ tồn tại, tuy nhiên “mã lực” cạnh tranh hiện nay đã suy giảm đi nhiều. Và một phần cũng nhờ có các kênh phân phối hiện đại như cửa hàng tiện lợi, bách hóa xanh, Vinmart+,... cạnh tranh nên đã thúc đẩy, chuyển biến ý thức của các tiểu thương. Do đó, tiểu thương phải chuyển đổi trong cách mua bán, ứng xử, hàng hóa rõ ràng, niêm yết giá,... nếu muốn tồn tại và phát triển.

Hiện trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được 3 mô hình chợ đảm bảo ATTP. Theo đó, để tiếp tục nhân rộng mô hình chợ ATTP tại các địa phương, UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch xây dựng các điểm bán thực phẩm đạt tiêu chí vệ sinh ATTP tại các chợ. Cụ thể, đến năm 2025 mỗi huyện- thị- thành phải xây dựng 1 mô hình chợ đảm bảo vệ sinh ATTP. Đồng thời, khuyến khích các địa phương đã có mô hình chợ đảm bảo vệ sinh ATTP tiếp tục nhân rộng mô hình trên địa bàn. Cụ thể, đến năm 2025: xây dựng 7 mô hình chợ đảm bảo vệ sinh ATTP: chợ thị trấn Trà Ôn, chợ Xuân Hiệp (Trà Ôn); chợ Tân Thành (Bình Tân); chợ Đông Bình (TX Bình Minh); chợ thị trấn Long Hồ (Long Hồ); chợ Hiếu Phụng (Vũng Liêm); chợ thị trấn Cái Nhum (Mang Thít).

Bài, ảnh: THẢO LY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh