Giá vàng trong nước đã liên tục đi lên trong tuần qua, từ mức giá bán ra 44,45 triệu đồng/lượng hôm 17/2 và leo lên mức kỷ lục 46 triệu đồng/lượng, mức tăng cao nhất trong gần 8 năm qua.
Giá vàng trong nước đã liên tục đi lên trong tuần qua, từ mức giá bán ra 44,45 triệu đồng/lượng hôm 17/2 và leo lên mức kỷ lục 46 triệu đồng/lượng, mức tăng cao nhất trong gần 8 năm qua.
Khách mua bán vàng. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN) |
Thị trường vàng trong nước và thế giới khép lại tuần giao dịch với những phiên "thăng hoa."
Giá vàng thế giới đã vượt xa mốc 1.600 USD/ounce kéo theo giá vàng trong nước chạm ngưỡng 46 triệu đồng/lượng.
Câu hỏi lại được đặt ra, liệu vàng có là cơ hội kiếm lời lúc này?
Vàng đạt đỉnh của gần 8 năm
Giá vàng trong nước đã liên tục đi lên trong tuần qua, từ mức giá bán ra 44,45 triệu đồng/lượng hôm 17/2, kim loại quý đã nhảy vọt lên 45 triệu đồng/lượng và leo lên mức kỷ lục 46 triệu đồng/lượng, ghi nhận mức tăng cao nhất trong gần 8 năm qua.
Trong tuần qua, giá vàng thế giới tăng tốc giữa bối cảnh xuất hiện nhiều lo ngại về tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Trong phiên 18/2, giá vàng thế giới đã vượt ngưỡng 1.600 USD/ounce.
Việc bùng phát dịch COVID-19 làm thị trường lo ngại về kinh tế toàn cầu, qua đó làm nhà đầu tư hạn chế tìm kiếm các tài sản rủi ro. Giá vàng trong nước theo đó cũng bật tăng mạnh mẽ và vượt ngưỡng 45 triệu đồng/lượng trong phiên 19/2.
Trong phiên châu Á 20/2, giá vàng thế giới giảm sau khi Trung Quốc công bố các biện pháp nhằm giảm thiểu tác động kinh tế từ dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Mặc dù vậy, kim loại quý vẫn áp sát mức “đỉnh” trong gần 7 năm qua.
Giá vàng kỳ hạn tại Sàn giao dịch hàng hóa New York trong đêm 20/2 đã chạm mức cao nhất kể từ tháng 2/2013, nhờ hoạt động mua vào.
Giá vàng trong nước theo đó cũng áp sát mốc 46 triệu đồng/lượng trong phiên 21/2 và vượt 46 triệu đồng/lượng trong phiên cuối tuần.
Sự khởi sắc mạnh mẽ của giá vàng cuối tuần này cũng được hỗ trợ bởi lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 30 năm của Mỹ giảm 6,4 điểm cơ bản xuống 1,9066%, dưới cả mức thấp nhất từ trước đến này là 1,95%.
Bên cạnh đó, giá vàng còn được hỗ trở bởi khảo sát mới đây của IHS Markit cho thấy, hoạt động trong các lĩnh vực chế tạo và dịch vụ của Mỹ đã chững lại trong tháng 2 trước những lo ngại ngày càng gia tăng về tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đối với nền kinh tế.
Sáng 23/2), giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Hòn niêm yết ở mức 45,6-46,07 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra).
Còn tại Công ty Vàng bạc Đá quý Bảo Tín Minh Châu, giá vàng SJC được niêm yết ở mức 45,66-45,93 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra).
Như vậy, sau 1 tuần tăng giá liên tục, mỗi lượng vàng SJC đã tăng khoảng 1,5 triệu đồng so với tuần trước. Giá vàng thế giới cũng khép lại tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 6/2019 với mức tăng 3,9%.
Mặc dù giá vàng tăng mạnh nhưng thị trường hầu như không có những giao dịch đột biến. Minh chứng rõ nhất là chênh lệch giữa mua và bán không bị các doanh nghiệp nới rộng.
Chênh lệch giữa giá mua và bán dao động từ 300.000-500.000 đồng/lượng trong những ngày qua cho thấy, các doanh nghiệp không còn phải thận trọng khi giá vàng tăng.
Điều đó phản ánh sức mua, bán của thị trường đã yếu và người dân không còn mặn mà với vàng.
Vẫn cần "những cái đầu lạnh"
Phần lớn những phân tích của các chuyên gia trong nước và thế giới đều dự báo giá vàng sẽ tăng trong thời gian tới.
Ông Bob Haberkorn - chiến lược gia thị trường cao cấp tại Công ty môi giới đầu tư RJO Futures - cho rằng giá vàng đã nhanh chóng vượt ngưỡng 1.600 USD/ounce. Phải chăng mức độ ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã tác động đến việc tăng giá của kim loại quý này.
Trong một nghiên cứu gần đây, Ngân hàng Goldman Sachs cũng nhận định giá vàng có thể lên đến 1.850 USD/ounce trong tương lai gần nếu dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 chưa thể bị ngăn chặn trong quý 2/2020.
Giới phân tích trong nước cũng cho rằng, giá vàng sẽ tiếp tục tăng trong năm 2020 nhưng việc đầu cơ, nắm giữ để chờ giá lên là vấn đề rất rủi ro và cần có "những cái đầu lạnh."
Theo Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, thị trường vàng đang chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch COVID-19. Trong năm 2020, vàng là kênh đầu tư có thể được chú ý nhưng người dân vẫn nên thận trong bởi kim loại quý này biến động rất khó lường.
Vị chuyên gia này vẫn luôn bảo lưu quan điểm, không nên bỏ hết trứng và một giỏ. Người dân có tiền nên phân bổ vào các kênh đầu tư khác như gửi tiết kiệm, đầu tư sản xuất kinh doanh. Nếu có mua vàng thì không nên "lướt sóng" mà hãy mua tích luỹ trong thời gian dài, ít nhất từ 3-6 tháng trở lên.
Từ đầu năm đến nay, giá vàng thế giới không ngừng tăng, kéo theo giá vàng trong nước cũng tăng mạnh. Trong khoảng hơn 2 tháng qua, giá vàng đã tăng khoảng hơn 3 triệu đồng/lượng.
Trước đó, hồi đầu tháng 1, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, chính sách lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hay căng thẳng khu vực Trung Đông đã đẩy giá vàng thế giới lên cao và giá vàng trong nước cũng tăng theo.
Tuy nhiên, thị trường vàng trong nước hầu như không còn hiện tượng đầu cơ "thổi giá" như trước kia và minh chứng rõ nhất là Ngân hàng Nhà nước đã từ lâu cũng không phải ra thông điệp bình ổn thị trường./.
Theo Đỗ Huyền (TTXVN/Vietnam+)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin