Doanh nghiệp xuất khẩu gạo tìm thị trường mới

05:11, 22/11/2019

Trong 10 tháng năm 2019, giá gạo xuất khẩu dù giảm mạnh khiến giá trị thu về cũng sụt giảm theo. Tuy nhiên, nhờ được tạo điều kiện thuận lợi, tại nhiều thị trường gạo Việt Nam đang có sự tăng trưởng mạnh về lượng xuất khẩu.

 

Trong 10 tháng năm 2019, giá gạo xuất khẩu dù giảm mạnh khiến giá trị thu về cũng sụt giảm theo. Tuy nhiên, nhờ được tạo điều kiện thuận lợi, tại nhiều thị trường gạo Việt Nam đang có sự tăng trưởng mạnh về lượng xuất khẩu.

Phước Thành IV xuất khẩu gạo trực tiếp đạt 20 triệu USD

Đánh giá tình hình thị trường lúa gạo những tháng đầu năm 2019, nhiều doanh nghiệp (DN) nhận định ảnh hưởng nhiều khó khăn chung trong nước và thế giới.

“Theo tôi, thị trường Trung Quốc nhập khẩu gạo giảm mạnh. Trong khi tình hình lúa gạo Việt Nam 6 tháng đầu năm rất khó khăn, một số loại gạo giá cực kỳ thấp, thấp nhất trong vòng 12 năm trở lại đây.

Tuy nhiên, tình trạng này chỉ diễn ra trong thời gian ngắn và hiện nay, giá gạo trong nước đã tốt lên. Trong khó khăn đó, các thương nhân, DN đã tăng cường tìm kiếm, xúc tiến tại nhiều thị trường mới”- ông Nguyễn Văn Thành- Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất- Thương mại Phước Thành IV cho biết.

Ông Nguyễn Văn Thành giới thiệu thương hiệu gạo Phước Thành IV xuất khẩu vào thị trường Philippines, với đầy đủ thông tin, mã code truy xuất nguồn gốc.
Ông Nguyễn Văn Thành giới thiệu thương hiệu gạo Phước Thành IV xuất khẩu vào thị trường Philippines, với đầy đủ thông tin, mã code truy xuất nguồn gốc.

Theo ông Nguyễn Văn Thành: “Với thị trường, thương hiệu quốc tế DN tâm huyết tạo dựng cùng việc thay đổi cơ chế, chính sách xuất khẩu gạo là các yếu tố giúp DN chủ động tìm kiếm thị trường”.

Từ tháng 1/2019, Phước Thành IV đã được Bộ Công thương cấp phép xuất khẩu gạo trực tiếp, đây là điều kiện giúp DN mở rộng thị trường.

“Sau gần 1 năm có giấy phép xuất khẩu trực tiếp, Phước Thành IV đã xuất khẩu 50.000 tấn gạo, trị giá 20 triệu USD và vượt hơn 200% so với kế hoạch của DN”- ông vui mừng và cho biết kết quả này là “kỳ tích của DN”. Hiện ở thị trường Philippines, DN đã có nhà phân phối tại 2 thành phố.

Trong Nghị định 107 các điều kiện yêu cầu DN phải sở hữu về cơ sở xay xát, kho bãi được xóa bỏ, tức là DN không cần phải đứng tên sở hữu các cơ sở này mà có thể đi thuê. Điều này giúp DN tiết kiệm được nguồn lực, có thể tận dụng các cơ sở dư thừa của các DN khác, tiết kiệm chi phí…

Tháo gỡ những rào cản đã từng làm khó các DN kinh doanh xuất khẩu gạo trong một thời gian khá dài, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN, thương nhân đưa gạo Việt Nam ra thị trường thế giới. Theo ông Nguyễn Văn Thành, nhiều DN đã tận dụng cơ hội để chủ động tìm kiếm, quảng bá thương hiệu ra thị trường quốc tế.

“Chúng tôi đi khảo sát, tìm hiểu văn hóa ẩm thực, khẩu vị của người tiêu dùng, phân khúc từng thị trường. Tuy thị trường các nước Trung Quốc, Philippines, các nước Châu Á và Việt Nam có nét tương đồng, nhưng ở mỗi khu vực lại có nhu cầu khác nhau”- ông nói.

Ví dụ, phân khúc thị trường Philippines phân khúc gạo trung bình, khá… cũng là các loại gạo ngon, tuy không cao cấp như một số thị trường khác như Châu Âu hay Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc. “Quan trọng là mình phải hiểu rõ khẩu vị, văn hóa ẩm thực của họ để sản xuất, bán loại gạo phù hợp”- ông Nguyễn Văn Thành đúc kết kinh nghiệm.

DN nỗ lực tìm thị trường mới

Tại hội thảo phát triển chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam thường niên hồi tháng 9/2019, ông Đỗ Hà Nam- Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Intimex- cho biết: Trước đây, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam nhưng sang năm 2019, Việt Nam gần như mất thị trường quan trọng này, chỉ đạt khoảng 300.000 tấn.

Trước tình hình đó, các DN đã nỗ lực tìm kiếm, khai thác các thị trường khác, đặc biệt là thị trường Philippines và khu vực Châu Phi.

Tại thị trường Philippines, từ khi có chính sách tự do hóa cho tư nhân nhập khẩu, rất nhiều gạo Việt Nam đã được xuất khẩu vào đây. Hiện đã chiếm trên 80% lượng gạo nhập khẩu của thành phần tư nhân ở đảo quốc này. DN xuất khẩu gạo mỗi năm đều có các công ty lớn mạnh, năng động, đủ sức cạnh tranh với các nhà buôn trong khu vực.

Xuất khẩu gạo 10 tháng năm 2019 ước đạt 5,56 triệu tấn và 2,43 tỷ USD.
Xuất khẩu gạo 10 tháng năm 2019 ước đạt 5,56 triệu tấn và 2,43 tỷ USD.

Số liệu của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp- PTNT) cho thấy khối lượng xuất khẩu gạo 10 tháng năm 2019 ước đạt 5,56 triệu tấn và 2,43 tỷ USD, tăng hơn 6% về khối lượng nhưng giảm hơn 9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Giá gạo xuất khẩu bình quân 9 tháng năm 2019 đạt 435,6 USD/tấn, giảm 13,4% so với cùng thời gian của năm ngoái.

Đáng chú ý, về thị trường xuất khẩu, Philippines đứng vị trí thứ nhất, chiếm hơn 35% thị phần. Các thị trường có giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh như Senegal tăng gấp 297 lần, Bờ Biển Ngà tăng đến 81,8%, Australia tăng gần 70%, Hong Kong tăng gần 47% và Iraq tăng 32,7%.

Theo Bộ Nông nghiệp- PTNT giá lúa, gạo tại khu vực ĐBSCL tăng nhẹ trong tháng qua do nguồn cung lúa hàng hóa đang bị thu hẹp, với phần lớn diện tích lúa Thu Đông đã được thu hoạch và tiêu thụ hết. Trong khi gần đây hoạt động thu mua lúa cũng được nhiều tiểu thương và DN đẩy mạnh để đảm bảo nguồn hàng phục vụ các đơn hàng xuất khẩu, cũng như phục vụ nhu cầu tại thị trường nội địa trong các tháng cuối năm.

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh