Hạt lúa ĐBSCL một lần nữa phải long đong khi mới bước vào vụ thu hoạch rộ lúa Thu Đông. Giá xuống thấp nông dân như ngồi trên đống lửa.
Hạt lúa ĐBSCL một lần nữa phải long đong khi mới bước vào vụ thu hoạch rộ lúa Thu Đông. Giá xuống thấp nông dân như ngồi trên đống lửa.
Theo ghi nhận, tại một số xã của huyện Tam Bình, giá lúa hiện chỉ khoảng từ 4.000- 4.300 đ/kg, giảm 300- 400 đ/kg so cách đó vài tháng. “Không hiểu sao giá lúa rớt thê thảm như vậy.
Nông dân buộc phải bán vì không có chỗ trữ, vả lại cần có tiền để trả nợ vật tư”- một nông dân nói tình cảnh khó khăn hiện nay.
Việt Nam đã xuất khẩu gạo 30 năm nay và hiện là quốc gia có số lượng gạo xuất khẩu đứng hàng thứ ba trên thế giới.
Thế nhưng, trái ngược với sản lượng xuất khẩu hàng năm đều tăng, thu nhập của người trồng lúa lại giảm và lợi nhuận rất thấp. Tín hiệu thị trường và thực tế đã cho thấy đồng bằng đang thừa mứa lúa gạo.
Thế nên, thời gian qua không chỉ tìm giải pháp tiêu thụ lúa gạo “đảm bảo nông dân lời 30%”, mà vấn đề nên giảm bớt diện tích trồng lúa, chuyển đổi cây trồng khác, cơ cấu lại mùa vụ trên đất lúa cũng trở nên nóng rẫy.
Bỏ hẳn lúa Thu Đông (lúa vụ 3)? Cơ cấu đất lúa theo cơ cấu 2 lúa- 1 màu? Hay trồng bắp, đậu nành?… đến nay, vẫn chưa có giải pháp “đầu ra” nào thật sự thuyết phục cho đất lúa.
Một số lãnh đạo ngành nông nghiệp từng nói thật rằng: “Nếu không làm lúa vụ 3 thì nông dân không biết làm gì. Chuyển đổi thì chuyển cây màu gì đây? Nói chuyển đổi phải đảm bảo đầu ra, chứ khơi khơi thì không được”.
Cũng vậy, một bác nông dân lại đặt vấn đề: “Người ta nói làm lúa vụ 3 lời không nhiều nhưng dù sao cũng kiếm được chút đỉnh tiền để sống, để lo cho con ăn học, lo những lúc ốm đau bệnh tật trong thời buổi kinh tế khó khăn.
Hiện ngành nông nghiệp đang khuyến khích nông dân chuyển sang trồng cây này, nuôi con kia… Nhưng có ai dám nói cụ thể trong vùng này trồng cây gì, nuôi con gì không?”
Tình hình dư thừa lương thực trên thế giới không chỉ diễn ra trong những năm gần đây mà khả năng còn kéo dài thêm nữa, bởi những nước nhập khẩu lớn đã tăng sản xuất để chủ động lương thực và tồn kho lương thực trên thế giới đang rất lớn.
Vì vậy phải xác định lại cơ cấu mùa vụ cho hợp lý, có thể chỉ nên làm 2 vụ lúa và chuyển đổi mô hình sản xuất. Tuy nhiên, việc này là vấn đề không hề đơn giản. Quy hoạch là rất cần nhưng không thể nóng vội.
HOÀNG MINH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin