Trái cây ngoại hút khách: Do đâu?

03:09, 13/09/2019

Giá cao gấp 3- 4 lần trái cây nội, thậm chí có loại hàng triệu đồng/kg và dù trái cây nội cũng có chủng loại đó song nhiều loại trái cây ngoại vẫn đang rất hút khách. Là do đâu? Có phải đều là do người tiêu dùng "sính ngoại"?

Giá cao gấp 3- 4 lần trái cây nội, thậm chí có loại hàng triệu đồng/kg và dù trái cây nội cũng có chủng loại đó song nhiều loại trái cây ngoại vẫn đang rất hút khách. Là do đâu? Có phải đều là do người tiêu dùng “sính ngoại”?

Trái cây ngoại thu hút người tiêu dùng.
Trái cây ngoại thu hút người tiêu dùng.

Trái cây ngoại: lấy tới đâu bán hết tới đó!

Nhiều tiểu thương kinh doanh mặt hàng trái cây ngoại cho hay, vài năm trở lại đây mặt hàng trái cây ngoại đang rất được người tiêu dùng ưa chuộng, hàng lấy đến đâu là bán hết đến đó. Thậm chí có người trước bán trái cây nội nhưng sau thấy trái cây ngoại hút khách quá chuyển sang hàng ngoại “cho dễ bán”!

Bán trái cây hơn 10 năm, chị Lê Thị Phượng- bán trái cây chợ Vĩnh Long- cho hay: “Trước đây, tôi chỉ bán trái cây do nhà vườn bỏ mối hoặc thu mua trực tiếp từ nhà vườn nhưng khoảng 3- 4 năm trở lại đây thấy trái cây ngoại là “mốt” của nhiều người nên tôi nhập thêm để bán và thấy được ưa chuộng hơn. Trong đó, các loại trái cây, nông sản từ Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc được khách lựa chọn nhiều nhất”.

Ghi nhận của phóng viên tại nhiều chợ, trái cây ngoại nhận được sự ưu ái, thậm chí “thiên vị” không ít của tiểu thương về khâu tiếp thị “phân biệt đối xử” nội- ngoại. Trong vai người mua, chúng tôi tìm đến một điểm bán trái cây tại chợ thị trấn Cái Nhum (Mang Thít).

Đon đả chào mời, chị bán hàng nhanh nhẩu hỏi: “Em mua ăn hay mua tặng? Tặng thì chọn trái cây ngoại đi em, giá chênh lệch không bao nhiêu mà ngon lại sang hơn nhiều. Nho Mỹ nè, cam Mỹ nè, táo New Zeland nè... loại nào cũng ngon, nhiều người mua lắm, cứ yên tâm”. Đó là chưa kể trái cây ngoại được bày trí rất đẹp mắt, bao bọc cẩn thận, để trên quầy cao, còn trái cây nội thì để riêng một quầy.

Tại một số siêu thị, cửa hàng tiện lợi, trái cây ngoại cũng có phần chiếm ưu thế hơn, như: cam Ai Cập, các loại táo Pháp, táo Mỹ đỏ, táo Fuji Hàn Quốc, lê Hàn Quốc, kiwi xanh Pháp, nho xanh, nho đỏ Nam Phi, cherry Mỹ, dâu tây Nhật Bản,…

Câu hỏi đặt ra là tại sao người tiêu dùng có thể bỏ ra hàng trăm ngàn đồng thậm chí hàng triệu đồng vì 1kg trái cây? Có phải là ăn cho biết hay “sính ngoại”, ham đồ nhập? Khi được hỏi, nhiều người tiêu dùng đã trả lời rằng đó chỉ là một phần nguyên nhân nhỏ, mà lý do lớn nhất đó chính là “mua và đặt niềm tin chất lượng vào sản phẩm”.

Cô Lê Thị Thùy (xã Trường An- TP Vĩnh Long) cho hay: “Trước đây tôi thường mua trái cây ở chợ gần nhà. Nhưng gần đây nghe nhiều thông tin về trái cây nội không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nên tôi chuyển sang ăn trái cây ngoại, tuy mắc hơn nhưng yên tâm về chất lượng hơn”.

Tương tự, chị Lưu Yến Như (Phường 8- TP Vĩnh Long) cũng bày tỏ: “Giờ sức khỏe quan trọng lắm nên không thể ăn uống một cách tùy tiện được. Nhà tôi rất thích ăn trái cây nên phải chọn kỹ.

Trái cây ngoại không chỉ nhìn bắt mắt mà thời gian bảo quản cũng lâu hơn, vị ngon hơn. Ví dụ như: cam Mỹ thường to, màu đẹp, mọng nước, vỏ vàng tươi trong khi cam trong nước thì tôi lo chứa nhiều phân thuốc hay nho New Zeland ngon hơn, ngọt hơn trong khi nho Việt thường nhỏ, có vị chua, nhiều hạt”.

Cơ hội nào cho trái cây nội?

Trước sự tấn công ồ ạt của trái cây ngoại, trái cây nội có bị lấn át, có bị lép vế không? Câu trả lời là có, ở một số chủng loại, mặt hàng. Vậy, nguyên nhân là do đâu?

Theo một số siêu thị, cửa hàng, hiện nay con đường nhập khẩu trái cây đã thông thoáng hơn nhờ hiệp định thương mại tự do. Thêm vào đó, trái cây ngoại đa dạng chủng loại, có thể dễ dàng chọn lựa các loại trái cây rẻ hay vào mùa rẻ thì nhập về.

Bên cạnh đó, nhiều tiểu thương có kinh nghiệm bán trái cây lâu năm cũng cho hay, trái cây Việt Nam hiện nay bị trái cây ngoại lấn chiếm ngay trên thị trường “sân nhà” vì nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân lớn nhất là “sức cạnh tranh kém” từ mẫu mã, chủng loại, màu sắc đến cách quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Chính điều này làm do trái cây nội đang dần mất điểm trong mắt người tiêu dùng.

Có một nghịch lý đáng buồn cho trái cây nội là đã có một số người tiêu dùng đang “quay lưng” lại với trái cây trong nước, sính trái cây ngoại, trong khi đó các doanh nghiệp trái cây trong nước luôn tích cực tìm hướng xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Chất lượng trái cây Việt có thể xuất khẩu tại các thị trường kỹ tính nhưng lại không thể chinh phục người tiêu dùng trong nước, đang là vấn đề cần
quan tâm.

Thời gian qua, trái cây Việt Nam cũng đã có những nỗ lực đáng kể, dần khẳng định vị thế của mình trên thị trường và dần lấy lại lòng tin của người tiêu dùng. Bằng chứng là ngày càng có nhiều mặt hàng nội đã chen chân vào siêu thị và dần vươn sang thị trường nước ngoài, trong đó có cả các nước khó tính như xoài Vĩnh Long sang Mỹ, bưởi Năm Roi Bình Minh có chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc,...

Trái cây nội cần nỗ lực hơn trên sân nhà.
Trái cây nội cần nỗ lực hơn trên sân nhà.

Nhiều người cho rằng, nhiều loại trái cây trong nước có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, hoàn toàn có thể cạnh tranh với trái cây nhập ngoại. Hơn nữa, nếu tiêu thụ ở thị trường nội địa, do không phải chịu chi phí nhập khẩu, giá sẽ dễ chịu hơn các loại trái cây ngoại có chất lượng tương đương.

Do đó, nhà sản xuất lẫn doanh nghiệp cần chú trọng hơn thị trường trong nước, cần xem việc thông thoáng, mở cửa từ các chính sách, hiệp định thương mại vừa là cơ hội vừa là thách thức cho trái cây Việt Nam nói riêng và sản phẩm Việt Nam nói chung. Bên cạnh nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh, cần có chiến lược quảng bá thương hiệu, nâng tầm, nâng vị thế trái cây Việt Nam trên sân nhà.

Không thể phủ nhận sức hút từ trái cây ngoại nhưng người tiêu dùng cần có cái nhìn đúng đắn công bằng hơn về trái cây nội- ngoại. Không nên đánh đồng chất lượng các loại trái cây chỉ vì “một con sâu làm rầu nồi canh”.

Đó là chưa kể, hiện nay có không ít loại trái cây không rõ nguồn gốc, xuất xứ, trái cây Trung Quốc mạo danh hàng ngoại để đánh lừa người tiêu dùng. Vì vậy, hãy là người tiêu dùng thông thái và hãy là người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam!

Ông Văn Quốc Hoàng- Giám đốc Siêu thị Co.opmart Vĩnh Long- cho biết: Bên cạnh nhập các loại trái cây trong nước, các loại trái cây đặc sản vùng miền thì siêu thị cũng có nhập khẩu trái cây ngoại để phục vụ nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng. Trong vài năm nay, trái cây ngoại khá hút hàng. Hiện, trái cây ngoại chiếm khoảng 65- 70% tổng lượng hàng trái cây trong siêu thị (so với năm 2018 tăng 8- 10%). Mỗi năm lượng hàng trái cây ngoại nhập vào tăng hơn. Các loại trái cây được chúng tôi nhập khẩu trực tiếp từ những nhà xuất khẩu có uy tín hoặc được cung cấp bởi các nhà nhập khẩu uy tín trong nước. Tất cả đều tuân thủ các quy định về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm của Nhà nước, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Bài, ảnh: TRÀ MY

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh