Dịch tả heo Châu Phi (ASF) chưa có dấu hiệu dừng lại, tổng đàn bị giảm sút mạnh. Từ đó, liệu có thiếu nguồn thịt cung ứng vào những tháng cuối năm?
Nguồn cung thịt heo vẫn đảm bảo. |
Dịch tả heo Châu Phi (ASF) chưa có dấu hiệu dừng lại, tổng đàn bị giảm sút mạnh. Từ đó, liệu có thiếu nguồn thịt cung ứng vào những tháng cuối năm?
Trước diễn biến phức tạp của dịch ASF, ông L.V.D. (xã Tân Phú- Tam Bình) vừa bán hơn 10 con heo thịt dù trọng lượng chỉ khoảng 80 kg/con, do lo ngại dịch ASF lan rộng. Lượng heo còn lại cũng hàng chục con, ông buộc giữ lại vì trọng lượng quá nhỏ. “Cuối năm nay lượng heo không còn nhiều, giá bán khả năng sẽ tăng cao. Biết vậy nhưng tui không dám tái đàn vì sợ dịch bệnh”- ông D. cho biết.
Một thương lái thu mua heo tại địa phương cũng cho biết nhiều hộ nuôi heo nhỏ lẻ đang đua nhau bán heo dưới trọng lượng, trung bình đạt 65 kg/con thay vì 100 kg/con như trước đây để “chạy dịch”, chấp nhận thua lỗ.
Dịch ASF lần đầu công bố xuất hiện tại Việt Nam ngày 19/2/2019 tại tỉnh Thái Bình và Hưng Yên. Tuy nhiên, chỉ sau khoảng 6 tháng, dịch đã lây lan ra hầu hết 63 tỉnh- thành trên cả nước với số lượng heo chết và tiêu hủy là trên 4 triệu con.
Tại Vĩnh Long, số lượng heo cũng đã giảm đáng kể. Ông Lê Thanh Tùng- Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y- cho biết đến 28/7 đã có 413 hộ chăn nuôi có heo bệnh, tiêu hủy 14.192 con/350.000 con tổng đàn (thống kê tính đến ngày 1/4).
“Hiện chưa thống kê được tổng đàn nhưng được biết từ thời điểm 1/5/2019 đến nay đàn heo của tỉnh giảm rất nhiều, bởi nhiều nguyên nhân: heo chết do dịch bệnh cũng có, bán đi để giải phóng đàn hay hộ nuôi chủ động giảm đàn cũng có”- ông Lê Thanh Tùng thông tin thêm, đồng thời cho biết khuyến cáo của ngành nông nghiệp lúc này là không nên tái đàn, bởi tiềm ẩn nhiều rủi ro, tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.
“Bệnh ASF trên thế giới chưa bao giờ gặp, không có vắc xin phòng và thuốc trị. Bệnh lây lan bằng rất nhiều con đường khác nhau. Trong tình hình này, bệnh sẽ lây lan sang những nơi nào còn heo. Vì vậy về mặc chuyên môn không khuyến khích người chăn nuôi tái đàn trong thời điểm này”- ông Lê Thanh Tùng khuyến cáo.
Giá thịt heo trên thị trường có dấu hiệu phục hồi. |
Thực tế cũng có những công ty nuôi an toàn sinh học vẫn tái đàn, nhưng số đó rất ít, nguồn cung không đáp ứng nhu cầu. Đó là mặt tổng thể, còn trên địa bàn Vĩnh Long, người nuôi heo chủ yếu nhỏ lẻ. Vì vậy, nếu dịch bệnh còn tái diễn thì khả năng từ nay đến cuối năm nguồn cung heo thịt sẽ hạn chế.
“Đàn heo sẽ còn giảm nữa và nguồn thịt heo chắc chắn không dồi dào như các năm được. Người tiêu dùng sẽ chuyển sang ăn bò, gà hay thực phẩm thông dụng khác”- ông Lê Thanh Tùng dự báo.
Giảm áp lực ăn thịt heo cũng như tái đàn, đồng thời khuyến khích người dân tăng cường nuôi thủy sản, gia cầm nhằm bù đắp lại lượng thịt heo bị thiếu trong giai đoạn tiếp theo là khuyến cáo của ngành chuyên môn. Điều này được cho là giải pháp hữu hiệu hiện nay, song theo một chuyên gia nông nghiệp cũng sẽ rất khó bù đắp lượng thịt heo bị thiếu hụt, bởi thói quen người tiêu dùng, giá cả phù hợp…
Chưa kể việc tăng đàn mạnh các loại vật nuôi khác cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Còn nếu nhập thịt heo nhiều, sẽ vô tình đẩy ngành chăn nuôi trong nước tiếp tục gặp khó khăn, khó hồi phục trong ngắn hạn.
Tìm hiểu tại Vĩnh Long, dù ảnh hưởng dịch bệnh thời gian qua kéo theo lượng heo nuôi trong dân giảm đáng kể, nhưng thực tế nguồn cung vẫn dồi dào. Thời gian qua lượng heo hơi trong tỉnh chủ yếu xuất bán ra ngoài tỉnh, còn nhập thịt rất ít, ngoại trừ các siêu thị có ký kết các cơ sở nuôi ở nơi khác.
Trong khi đó, hiện tại nhiều cửa hàng cũng có nguồn hàng thịt đông lạnh nhập khẩu đảm bảo nguyên liệu cho chế biến và dự trữ. Nhưng nguồn cung thịt heo tươi trong nước vẫn là quan trọng nhất, bởi thói quen tiêu thụ thịt tươi của người tiêu dùng lâu nay.
Theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, trước mắt, các địa phương, người chăn nuôi cần tăng cường kiểm soát bệnh dịch. Đặc biệt, trong thời điểm bệnh chưa có dấu hiệu dừng thì chưa thể tái đàn. Đối với các ổ bệnh đã xuất hiện, nếu sau 30 ngày không còn bệnh thì người chăn nuôi mới được tái đàn khoảng 10% (đàn nuôi 100 con thì chỉ tái đàn 10 con) và không được tái đàn ồ ạt. Sau 1 tháng, nếu bệnh không phát sinh thì thực hiện tái đàn tiếp. |
Bài, ảnh: NGUYỄN HOÀNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin