Chợ mạng: Cơ hội hàng giả, hàng nhái "núp bóng"

03:06, 07/06/2019

Sự phát triển rầm rộ của các kênh bán hàng online đã tạo điều kiện thuận lợi cho người tiêu dùng (NTD) tiếp cận hàng hóa nhanh hơn, tiết kiệm hơn. Tuy nhiên, "chợ mạng" cũng chính là nơi để không ít hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc "núp bóng" để tuồn ra thị trường.

 

Sự phát triển rầm rộ của các kênh bán hàng online đã tạo điều kiện thuận lợi cho người tiêu dùng (NTD) tiếp cận hàng hóa nhanh hơn, tiết kiệm hơn. Tuy nhiên, “chợ mạng” cũng chính là nơi để không ít hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc “núp bóng” để tuồn ra thị trường.

Từ đầu năm đến nay, ngành chức năng đã xử lý 3 vụ kinh doanh hàng hóa qua mạng vi phạm.
Từ đầu năm đến nay, ngành chức năng đã xử lý 3 vụ kinh doanh hàng hóa qua mạng vi phạm.

Khó quản lý, khó xử lý

Theo ngành chức năng, hiện nay, có rất nhiều doanh nghiệp đã dần tiếp cận với thương mại điện tử thông qua việc thành lập các website để khuyến mãi, quảng cáo, bán hàng qua mạng.

Đây là kênh phân phối hiện đại và ngày càng phổ biến nhưng cũng có rất nhiều đối tượng đã lợi dụng để rao bán, quảng cáo, khuyến mãi nhiều hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Các mặt hàng vi phạm chủ yếu là mỹ phẩm, quần áo, thực phẩm chức năng, giày dép, túi xách,…

Thực trạng này khiến nhiều doanh nghiệp làm ăn chân chính bị thiệt hại, còn NTD cũng cảm thấy “ngán ngẩm” khi mua hàng online.

Mới đây, Cục Quản lý thị trường tỉnh (trực thuộc Bộ Công thương) đã xử phạt vi phạm hành chính một chủ cơ sở bán hàng qua mạng tại TP Vĩnh Long với số tiền trên 100 triệu đồng do cố ý tàng trữ hàng hóa nhập lậu và không niêm yết giá hàng hóa tại địa điểm phải niêm yết giá theo quy định. Đồng thời, tịch thu số hàng hóa nhập lậu bị phát hiện.

Trước đó, tại thời điểm kiểm tra, đoàn đã phát hiện tại cơ sở này có trên 2.000 sản phẩm chủ yếu là quần áo may sẵn, thuốc tân dược, thực phẩm chức năng,… do nước ngoài sản xuất không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, không có hóa đơn chứng từ thể hiện tính hợp pháp của hàng hóa.

Theo lực lượng chức năng, đây là điểm bán hàng qua mạng, hàng hóa xách tay từ nước ngoài về rồi sau đó được rao bán trên các trang mạng xã hội.

Ông Lê Thanh Phong- Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh cho hay: Thời gian qua, dù cơ quan chức năng rất quyết liệt trong công tác chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng,… nhưng vì lợi nhuận cao nên nhiều nơi vẫn bất chấp để kinh doanh trái phép.

Đặc biệt là tình trạng buôn bán hàng hóa qua mạng xã hội hiện nay rất phổ biến. Đây là cơ hội cho hàng giả, hàng lậu, không rõ nguồn gốc xâm nhập vào thị trường. Các hành vi vi phạm phổ biến là hàng hóa không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ cũng như chất lượng sản phẩm.

Hãy tự bảo vệ quyền lợi của mình!

“Mua một đằng, nhận một nẻo” là tình trạng mà không ít NTD nhận được trên chợ online. Đánh vào tâm lý ham rẻ, tiện lợi, nhanh chóng, nhiều đối tượng đã dùng mật ngọt để lôi kéo khách hàng, dùng hình ảo để giới thiệu sản phẩm, lừa NTD. Các mặt hàng “hơi xịn xịn” thường được người bán giới thiệu là “hàng xách tay”, “hàng chính hãng”, hàng bỏ mẫu,…

Thực tế, có không ít NTD phải “tiền mất tật mang” vì trót tin lời quảng cáo có cánh khi mua hàng online. Như chị N.T. (xã Bình Phước- Mang Thít) vừa ấm ức vừa kể: “Tôi xem live một trang bán mỹ phẩm rao bán là hàng xách tay chính hãng không qua trung gian vì có người thân ở nước ngoài mang về, “giá hời”, đảm bảo chất lượng.

Tôi mua một bộ kem dưỡng da về dùng thử với “giá sốc” là 499.000đ. Nhưng khi nhận hàng thì “sốc” thiệt vì hàng thật khác xa trên mạng, cách đóng gói cũng cẩu thả, kem quến cục cũng không có mùi thơm. Tôi gọi điện cho người bán thì nói để xem lại, sau ít ngày không thấy trả lời tôi gọi lại thì máy bận hoặc “ò í e…”. Chỉ trách mình quá tin lời người bán”.

Để ngăn chặn tình trạng hàng giả, hàng nhái xâm lấn vào thị trường mạng, nhiều NTD cho rằng, cần có quy định mới về xử lý vi phạm hành chính trong thương mại điện tử và cần đưa ra chế tài mạnh tay hơn các vi phạm trên thị trường truyền thống.

Nhận định: Tình trạng mua bán hàng qua mạng hiện nay tiềm ẩn nhiều rủi ro, phức tạp, ông Trương Thanh Sử- Phó Giám đốc Sở Công thương, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi NTD- cho biết: Bên cạnh một số đơn vị bán hàng bài bản, cam kết đúng quy định thì vẫn còn một số nơi lợi dụng để bán hàng trôi nổi, hàng lậu.

“Do đó, nếu có nhu cầu mua sắm trên mạng online, NTD nên chọn trang bán hàng uy tín, chất lượng, cần kiểm tra hàng hóa trước khi chuyển tiền, cần đối chiếu, kiểm tra kỹ thông tin, tình trạng, chất lượng, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa thực nhận so với quảng cáo của người bán, tránh tình trạng mua phải hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Đồng thời, nếu phát hiện sản phẩm không đúng chất lượng, không rõ nguồn gốc, có thể phản ánh đến các hội bảo vệ NTD, cơ quan có chức năng quản lý liên quan để được giải quyết theo đúng quy định của pháp luật”- ông Trương Thanh Sử khuyến cáo.

Số lượng lớn hàng hóa không hóa đơn chứng từ bị ngành chức năng tịch thu.
Số lượng lớn hàng hóa không hóa đơn chứng từ bị ngành chức năng tịch thu.

Ông Lê Thanh Phong cho hay: Thời gian tới, cục sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường internet, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, để bảo vệ quyền lợi cho NTD.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần phải nâng cao ý thức, trách nhiệm của mình, không e ngại khi tố cáo các vi phạm, bên cạnh đó, chủ động cam kết bán hàng hóa đảm bảo chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và không tiếp tay cho các đối tượng lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng nhái.

Bài, ảnh: THẢO NGUYÊN

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh