Thời gian qua, hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) giả, kém chất lượng trên địa bàn tỉnh vẫn diễn ra và ngày càng tinh vi hơn, gây thiệt hại cho nông dân (ND), ảnh hưởng đến môi trường. Tuy nhiên, việc phát hiện, xử lý vi phạm vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
Thời gian qua, hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) giả, kém chất lượng trên địa bàn tỉnh vẫn diễn ra và ngày càng tinh vi hơn, gây thiệt hại cho nông dân (ND), ảnh hưởng đến môi trường. Tuy nhiên, việc phát hiện, xử lý vi phạm vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
Phân bón giả, kém chất lượng bị phát hiện trong thời gian qua. |
Phát hiện vi phạm thì đã bán hết!
Theo Cục Quản lý thị trường tỉnh, thời gian gần đây tình trạng gian lận thương mại diễn biến phức tạp, vi phạm với nhiều hình thức khác nhau.
Trong đó, tình trạng vi phạm phân bón giả, thuốc BVTV kém chất lượng vẫn còn diễn ra và ngày càng tinh vi hơn, với các hành vi vi phạm như: giới thiệu công dụng và chất lượng sản phẩm không đúng theo công bố, bán hàng hóa xuống vùng nông thôn với giá cao kèm theo khuyến mãi nhằm lừa dối khách hàng, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng, uy tín của doanh nghiệp, tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Năm 2018, các ngành chức năng đã kiểm tra trên 50 cửa hàng vật tư nông nghiệp, lấy 86 mẫu phân bón gửi thử nghiệm chất lượng.
Kết quả đã xử lý 11 hành vi kinh doanh phân bón có chất lượng không phù hợp tiêu chuẩn công bố áp dụng và quy chuẩn kỹ thuật, phạt hành chính trên 125 triệu đồng, hàng hóa vi phạm trị giá gần 170 triệu đồng, trong đó có 1 cửa hàng vật tư nông nghiệp buôn bán hàng giả không có giá trị sử dụng công dụng, hàng giả là phân bón NPK 20-20-15+TE.
Theo đánh giá của các ngành chức năng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc BVTV, không đảm bảo chất lượng là do lợi nhuận thu được từ hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc BVTV giả, kém chất lượng rất lớn, trên thị trường có rất nhiều chủng loại, danh mục phân bón, thuốc BVTV lưu thông, đồng thời các nhà sản xuất đưa ra nhiều hình thức quảng cáo, khuyến mãi hấp dẫn để đánh lừa người tiêu dùng.
Trong khi đó, người tiêu dùng lại thiếu thông tin về lĩnh vực này và thấy giá rẻ thì mua, ít chú ý đến nguồn gốc.
Ngoài ra, việc bất cập trong cấp phép sản xuất, sang chiết, đóng gói phân bón, thuốc BVTV trước đây được thực hiện tràn lan, không theo quy hoạch, đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự tồn tại của hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc BVTV giả, kém chất lượng.
Đáng nói đó là, thời gian gửi thử nghiệm mẫu phân bón đến khi có kết quả kéo dài từ 1- 2 tuần. Nếu phát hiện mẫu phân bón giả, kém chất lượng thì trong thời gian này cơ sở đã bán hết số lượng phân bón vi phạm! Thiệt thòi vẫn là người ND.
Siết chặt quản lý,tăng chế tài xử phạt
Khó nhận biết bằng mắt thường phân bón giả, kém chất lượng. |
Phân bón có vai trò quan trọng quyết định năng suất cây trồng, việc sử dụng phân bón chất lượng và hiệu quả sẽ giúp cây trồng hấp thu, nâng cao năng suất, chất lượng, giảm thiểu tác động đến môi trường.
Việc phân bón, thuốc BVTV kém chất lượng lưu thông trên thị trường không chỉ gây thiệt hại kinh tế, ảnh hưởng doanh nghiệp chân chính mà hơn hết là khiến ND phải gánh chịu thiệt hại nặng nề.
Tuy nhiên, để phân biệt được đâu là thật đâu là giả thì không phải là dễ. Bởi, phân bón, thuốc BVTV được làm giả nhãn hiệu, bao bì của các thương hiệu nổi tiếng thường rất khó phát hiện, nếu doanh nghiệp sản xuất chân chính không tố cáo, phản ánh.
Trong khi đó, theo nhiều ND, một việc khó hiện nay là các đại lý bán vật tư nông nghiệp thường áp dụng chính sách bán thiếu, bán “gối đầu” theo mùa vụ cho ND, nghĩa là sẵn sàng cho nợ đến khi thu hoạch mới trả tiền vật tư. Do vậy, người ND thường chỉ trông chờ vào “lương tâm” của các đại lý, không có “quyền” đòi hỏi.
Chú Nguyễn Văn Hưng (xã Bình Phước- Mang Thít) cho hay: “Nhất nước, nhì phân, nên phân bón là yếu tố không thể thiếu trong sản xuất. Vậy mà hiện nay tình trạng phân bón, thuốc BVTV kém chất lượng bị phát hiện nhiều làm ND tụi tui lo lắm.
Làm nông nghiệp mà gặp phải phân bón giả, kém chất lượng thì sản phẩm làm ra sao chất lượng được. Tui chỉ mong ngành chức năng mạnh tay xử lý để bảo vệ quyền lợi của ND và ổn định thị trường”.
Ông Trần Minh Sơn- Chánh Thanh tra Sở Nông nghiệp- PTNT cho biết: Thời gian tới, sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh phân bón, thuốc BVTV trên địa bàn tỉnh, lấy mẫu phân bón ở các thời điểm cao điểm, để kiểm nghiệm chất lượng.
Song song đó, để đẩy lùi nạn phân bón kém chất lượng, cần tăng mức chế tài xử phạt đối với cơ sở, cá nhân sản xuất kinh doanh phân bón vi phạm bởi hiện nay việc xử phạt vẫn không đủ sức răn đe, vì lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với số tiền phạt.
Bên cạnh việc các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, quản lý thì điều quan trọng là ND phải nâng cao nhận thức để tự bảo vệ mình.
Khi mua sản phẩm cần kiểm tra kỹ các thông tin trên nhãn hàng hóa về tên, địa chỉ, cơ sở sản xuất,… không mua các loại phân bón có giá rẻ, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Đồng thời, khi mua sản phẩm có nghi vấn giả, chất lượng kém phải báo ngay cho cơ quan chức năng để phối hợp kiểm tra, lấy mẫu thử nghiệm.
Bài, ảnh: TRÀ MY
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin