Việc Philippines cho phép khối tư nhân được tự do nhập khẩu gạo sẽ tạo nhiều cơ hội cho các DN xuất khẩu gạo của Việt Nam tiếp cận thị trường.
Việc Philippines cho phép khối tư nhân được tự do nhập khẩu gạo sẽ tạo nhiều cơ hội cho các DN xuất khẩu gạo của Việt Nam tiếp cận thị trường.
Gạo xuất khẩu của Việt Nam có thêm cơ hội vào thị trường Philippines. Ảnh minh họa: KT |
Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) cho hay, từ ngày 5/3, Philippines đã có nhiều quy định thay đổi liên quan đến việc nhập khẩu gạo. Trong đó, Luật số 11203 được áp dụng sẽ xóa bỏ hoàn toàn quy định về hạn ngạch nhập khẩu áp dụng đối với mặt hàng gạo, thay vào đó là quy định các mức thuế nhập khẩu gạo.
Cụ thể, thuế suất đối với gạo nhập khẩu từ các nước trong ASEAN là 35%. Thuế suất nhập khẩu trong hạn mức tiếp cận tối thiểu (MAV) là 350.000 tấn đối với gạo nhập khẩu từ các nước ngoài ASEAN và là thành viên của WTO, áp dụng thuế Tối huệ quốc (MFN) là 40%.
Thuế suất ngoài hạn mức tiếp cận tối thiểu 350.000 tấn đối với gạo nhập khẩu từ các nước ngoài ASEAN và là thành viên của WTO (áp dụng thuế MFN) là 180%. Trong trường hợp trong nước xảy ra tình trạng thiếu lương thực, Ủy ban Quản lý MAV của Philippines có thể đề nghị Tổng thống điều chỉnh lại hạn mức tiếp cận tối thiểu nêu trên.
Với việc ban hành Luật số 11203, cơ quan lương thực quốc gia Philippines (NFA) chỉ còn chức năng dự trữ gạo quốc gia mà không còn chức năng quản lý và điều tiết đối với việc nhập khẩu, xuất khẩu và thương mại sản phẩm lương thực (gạo, ngô và các loại hạt sử dụng làm lương thực khác) như trực tiếp nhập khẩu gạo; cấp phép nhập khẩu, xuất khẩu gạo; cấp phép cho các hoạt động kinh doanh gạo trong nước...
Do đó, từ ngày 5/3, các giấy phép, giấy đăng ký do NFA cấp cho các nhà nhập khẩu, các doanh nghiệp thương mại, các công ty kinh doanh kho chứa, các nhà bán buôn, bán lẻ và các tổ chức liên quan khác có hoạt động liên quan đến mặt hàng gạo đều bị bãi bỏ.
Như vậy, có thể hiểu là các hợp đồng nhập khẩu gạo phát sinh sau ngày 5/3/2019 sẽ không cần có giấy phép của NFA, mà chỉ cần có Giấy chứng nhận vệ sinh và kiểm dịch thực vật do Cục Thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp Philippines cấp để được thông quan.
Trước những thay đổi từ thị trường Philippines, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi khuyến cáo, các nhà nhập khẩu gạo phải có Giấy chứng nhận vệ sinh và kiểm dịch thực vật do Cục Thực vật Philippines (BPI) cấp trước khi nhập khẩu. Gạo nhập khẩu phải được giao trước khi Giấy chứng nhận vệ sinh và kiểm dịch thực vật hết hạn.
Đồng thời, BPI phải công bố và cập nhật danh sách các nhà nhập khẩu đã được cấp Giấy chứng nhận vệ sinh và kiểm dịch thực vật trên website của mình, bao gồm cả thông tin về khối lượng nhập khẩu. Ngoài ra, quy định mới về nhập khẩu gạo của Philippines cho phép áp dụng thuế tự vệ đặc biệt đối với mặt hàng gạo trong trường hợp cần thiết.
Vụ Thị trường châu Á - châu Phi đánh giá, việc loại bỏ cơ chế hạn ngạch, thay bằng thuế nhập khẩu cũng sẽ làm tăng lượng gạo nhập khẩu vào Philippines với giá thành thấp hơn trước, do đó cũng tạo áp lực cho ngành gạo nước này ít nhất là trong giai đoạn đầu áp dụng Luật. Ước tính khoảng 500.000 trong tổng số 2,4 triệu nông dân sản xuất gạo của Philippines sẽ bị ảnh hưởng bởi quy định mới này.
Việc cho phép khối tư nhân Philippines được tự do nhập khẩu gạo sẽ tạo nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam khi tiếp cận thị trường gạo Philippines, đồng thời có sự chủ động hơn trong hoạt động xuất khẩu gạo, phát triển thị trường này.
Một lợi thế khác là gạo nhập khẩu từ Việt Nam sẽ được hưởng mức thuế suất 35% (áp dụng cho các nước trong ASEAN), thấp hơn so với thuế nhập khẩu đối với gạo từ các nước ngoài ASEAN. Tuy nhiên, cạnh tranh cũng sẽ gay gắt hơn bởi trước đây, trong số các nước xuất khẩu gạo lớn trên thế giới, gần như chỉ có gạo của Việt Nam và Thái Lan được nhập khẩu qua cơ chế hạn ngạch. Nhưng với quy định mới này, cơ hội tiếp cận thị trường Philippines sẽ là như nhau giữa các nước xuất khẩu gạo./.
Theo Nguyễn Quỳnh/VOV.VN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin