Sau 5 lần tham gia hội chợ Kampong Speu (Vương quốc Campuchia), các doanh nghiệp (DN) Vĩnh Long đã giới thiệu đến người tiêu dùng tỉnh bạn các sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu của tỉnh như gạo, nước chấm, nông sản,...
Sau 5 lần tham gia hội chợ Kampong Speu (Vương quốc Campuchia), các doanh nghiệp (DN) Vĩnh Long đã giới thiệu đến người tiêu dùng tỉnh bạn các sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu của tỉnh như gạo, nước chấm, nông sản,...Theo đó, các mặt hàng Vĩnh Long nhận được sự đón nhận và đánh giá cao của khách hàng Campuchia. Song, việc xâm nhập và chiếm lĩnh thị trường tại đây vẫn còn bỏ ngỏ.
Người tiêu dùng đánh giá cao sản phẩm Vĩnh Long. |
Sản phẩm Vĩnh Long được đánh giá cao
Nhiều lần cùng đoàn tham dự hội chợ Kampong Speu, ông Hồ Trung Nghĩa- Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại (Sở Công thương) cho biết: Vĩnh Long và Kampong Speu kết nghĩa từ năm 1979 và có mối quan hệ thân thiết. Vĩnh Long đã tham gia 5/7 hội chợ Kampong Speu.
Như mới đây, tháng 3/2019, Trung tâm Xúc tiến thương mại Vĩnh Long tham gia 5 gian hàng với mặt hàng như: phân bón, đồ chơi gỗ, nước chấm, gạo hữu cơ, thực phẩm sấy,...
Sản phẩm của các đơn vị được dịch ra tiếng Campuchia, có ghi giá trên sản phẩm giúp người tiêu dùng hiểu được xuất xứ hàng hóa, chất lượng. Đồng thời, DN còn thuê phiên dịch thuyết minh, phụ bán hàng, tác phong giao tiếp hòa đồng, vui vẻ, trang phục lịch sự. Một số DN cho biết có nhiều cơ hội phát triển thị trường này sau khi tham gia hội chợ.
Theo đánh giá của Sở Công thương, nhiều sản phẩm Vĩnh Long rất được người dân Campuchia ưa chuộng và đánh giá cao về chất lượng.
Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Văn Còn cho biết: DN Vĩnh Long tham dự hội chợ thương mại thường niên tại tỉnh Kampong Speu với mục đích giới thiệu hàng hóa, mở rộng thị trường, giúp DN giao lưu thương mại và mở rộng kinh doanh giữa 2 tỉnh nói riêng và 2 quốc gia nói chung. Đây là cơ hội giao lưu văn hóa, kinh tế và gắn kết mối quan hệ giữa 2 địa phương ngày càng bền chặt.
Tuy nhiên, theo ông Hồ Trung Nghĩa, sức mua của người dân năm nay yếu hơn các năm trước và ít chuộng hàng Việt Nam mà chủ yếu là hàng đến từ Thái Lan. Bên cạnh đó, mặc dù có vài sản phẩm của Vĩnh Long rất được ưa thích, nhưng vì chưa quen dùng nên lượng mua còn hạn chế.
Và có không ít DN, “một đi không trở lại” hoặc còn tâm lý “đi cho biết”. Nhiều DN giải thích, chưa “xuất ngoại” được nhiều do còn vướng thủ tục xuất khẩu, đồng thời khâu thanh toán còn gặp khó, nên DN đi chỉ mang tính chất thăm dò.
Thực tế cho thấy, phần lớn DN tham gia hội chợ chỉ với mục đích bán hàng, chưa nhận thức được lợi ích từ hội chợ nên ít đầu tư về trang trí, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm bạn hàng cũng như nghiên cứu thị trường nên thường bị động, thiếu tính chuyên nghiệp.
“Trong khi đó, nhiều DN còn yếu về năng lực quản lý, yếu nguồn cung, cách giao tiếp, ứng xử, tài chính... Thế nên dù đã có không ít lần tham gia hội chợ nhưng chỉ có mặt hàng phân bón của Công ty TNHH Sản xuất thương mại Cửu Long “trụ” lại và có chỗ đứng vững trên thị trường Campuchia”- ông Hồ Trung Nghĩa cho biết thêm.
Ông Đinh Văn Vụ- Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại Cửu Long- cho biết: Muốn phát triển bền vững thì phải mở rộng thị trường sang các nước khác. Khi sang xâm nhập thị trường Campuchia rất bỡ ngỡ, khi vào thị trường gặp trực tiếp một số khách hàng, công ty xác định bên Campuchia chỉ cần 1- 2 đại lý.
Bởi Campuchia sử dụng lượng NPK không nhiều, chỉ bằng 1/3 so với Việt Nam. Sau khi tích cực mời gọi, công ty cũng gặp “duyên”, khi một đại lý sau khi sang Việt Nam và tham quan nhà máy tại Vĩnh Long thì đã quyết định làm đại lý phân phối phân bón Cửu Long tại Campuchia. “Từ đó thị trường được duy trì và giữ vững.
Mỗi năm công ty xuất được 6.000- 7.000 tấn, có năm đến 8.000 tấn. Năm trước dù tình hình gặp khó khăn nhưng cũng bán được 5.000 tấn bên Campuchia”- ông Đinh Văn Vụ cho hay.
DN cần cố gắng, tận dụng lợi thế, tiềm năng
Theo các chuyên gia, muốn việc tham gia các hội chợ được thành công, nhất là các hội chợ “ngoại” thì văn hóa ứng xử của nhân viên tại các gian hàng chính là “thước đo” để đối tác đánh giá sự chuyên nghiệp trong kinh doanh của DN.
Đồng thời, DN cần có sự đầu tư chuẩn bị chu đáo từ khâu tìm hiểu đối tượng khách tham quan hội chợ, thị trường muốn hướng tới. Song song đó, việc trang trí gian hàng, bày trí sản phẩm và lựa chọn hàng hóa tham gia cũng đóng vai trò quan trọng.
Ngoài ra, các DN cũng cần phải chủ động trong việc tìm kiếm thị trường, các nhà phân phối tại địa phương. Nếu tham gia hội chợ lần đầu, chưa gặt hái được thành công thì DN không nên nản lòng và bỏ cuộc, phải xác định việc tham gia hội chợ không phải chuyện một sớm một chiều mà phải có chiến lược marketing lâu dài.
Đoàn doanh nghiệp tham gia hội chợ tại Campuchia. |
Theo ông Đinh Văn Vụ, tiếp cận thị trường nước ngoài sẽ không quá khó nếu DN quyết tâm và cố gắng. Bí quyết để giữ được khách hàng là xác định khách hàng là cánh tay nối dài của DN, khách hàng phải là người cùng quan điểm với mình, đảm bảo cung cấp hàng chất lượng cho khách hàng.
Ông chia sẻ thêm: Phải nắm và hiểu ra tính của người tiêu dùng. Người Campuchia sử dụng sản phẩm thấy tốt sẽ tin tưởng và sử dụng lâu dài, không bao giờ xài thứ khác. Song song đó, công ty cũng chú trọng khâu chăm sóc khách hàng, tổ chức hội thảo, hướng dẫn kỹ thuật để người tiêu dùng hiểu rõ, để đại lý không bỏ mình.
Ông Hồ Trung Nghĩa cho biết: Thời gian qua, các DN mặn mà, tích cực hơn khi tham gia các hội chợ, kết nối cung cầu, bởi được gặp trực tiếp đối tác, tìm hiểu thị trường. Thời gian tới trung tâm sẽ tiếp tục hỗ trợ DN tìm kiếm thị trường trong và ngoài nước. Đồng thời, từ từ hình thành cho DN thói quen giao thương quốc tế, bên cạnh đó đào tạo kỹ năng đàm phán, ký kết hợp đồng.
Nhiều thị trường tiềm năng nhưng còn vướng thủ tục Ông Hồ Trung Nghĩa- Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại (Sở Công thương): Theo đánh giá của các đối tác tại nhiều nước, nhiều mặt hàng của Vĩnh Long được đánh giá cao, có chất lượng tốt, ngon, ngọt. Lợi thế mặt hàng nông sản trong tỉnh rất lớn nhưng Vĩnh Long không có nhiều vùng nguyên liệu, sản xuất còn theo mùa, nên khi đối tác đặt hàng thường bị dội chợ lúc vào mùa và thiếu hàng khi trái mùa. Tại thị trường Trung Quốc, nhiều đối tác rất thích trái cây Vĩnh Long như thanh long, bưởi, gạo,... nhưng các đơn vị xuất khẩu ở Việt Nam chỉ chủ yếu xuất bằng tiểu ngạch nên thị trường không ổn định. Cụ thể như, Trung tâm Asian- Trung Quốc rất ưa chuộng mặt hàng gạo nhưng yêu cầu phải có tiêu chuẩn giấy phép xuất khẩu gạo sang Trung Quốc thì họ mới hỗ trợ. Thị trường Nga cũng rất cần mặt hàng gạo nhưng thủ tục còn gặp khó, đường xá xa, thanh toán không thuận lợi nên còn trong quá trình đàm phán. Trong khi đó, thị trường Hàn Quốc thì chuộng khoai lang, ớt chỉ thiên nhưng cũng còn vướng vấn đề về tiêu chuẩn an toàn xuất phẩm, thanh toán. |
Bài, ảnh: TRÀ MY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin