Tết về, xóm nghề thêm rộn rã

07:01, 18/01/2019

Thời điểm cận tết, những người thợ ở các xóm nghề, làng nghề truyền thống đang hoạt động hết "công suất" mới mong kịp cung ứng sản phẩm ra thị trường. Tết về, không khí nơi đây lại thêm rộn rã.

 

 Thời điểm cận tết, những người thợ ở các xóm nghề, làng nghề truyền thống đang hoạt động hết “công suất” mới mong kịp cung ứng sản phẩm ra thị trường. Tết về, không khí nơi đây lại thêm rộn rã.

Làng nghề tàu hủ ky Mỹ Hòa có hơn trăm năm tuổi nhờ thế hệ con cháu biết lưu giữ cái nghề truyền thống của cha ông.
Làng nghề tàu hủ ky Mỹ Hòa có hơn trăm năm tuổi nhờ thế hệ con cháu biết lưu giữ cái nghề truyền thống của cha ông.

Làm không kịp bán

Những ngày cận tết, đến các làng nghề đã thấy không khí tất bật, nhộn nhịp bao trùm
nơi đây.

Thời điểm này, làng nghề bánh tráng cù lao Mây ở xã Lục Sĩ Thành (Trà Ôn) đang tất bật vào vụ mùa tết. Theo nhiều hộ dân làm bánh ở đây, năm nay thời tiết thất thường gây khó khăn cho việc sản xuất, song bà con làng nghề đã từng bước khắc phục và miệt mài lao động để cung ứng sản phẩm cho thị trường tết.

Theo ông Lương Văn Thông- Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Bánh tráng cù lao Mây, từ tháng 11/2018, người dân đã bắt đầu tráng bánh để dự trữ bán tết. Hiện đang vào mùa cao điểm, một hộ có thể làm 700- 800 bánh/ngày, tăng gấp 1,5- 2 lần so với các tháng trước.

Làng nghề hiện có 60 hộ, tháng tết tăng lên 80 hộ, trong đó, hợp tác xã có 14 thành viên. Hiện làng nghề chủ yếu làm bánh tráng lạt, bánh tráng ngọt, bánh tráng nem, bánh tráng ớt... “Bánh tráng cù lao Mây từ lâu đã nổi danh là loại bánh ngon, được nhiều người ưa chuộng vì tạo dựng được thương hiệu vang xa”- ông Thông tự hào nói.

Sau khi tráng xong, bánh phơi nắng vài giờ là khô, riêng bánh tráng lạt thì nhanh hơn, chỉ mất khoảng 1 giờ.
Sau khi tráng xong, bánh phơi nắng vài giờ là khô, riêng bánh tráng lạt thì nhanh hơn, chỉ mất khoảng 1 giờ.

Chúng tôi ghé thăm lò bánh của cô Trần Thị Thúy Liễu (ngụ ấp Tân Thạnh, xã Lục Sĩ Thành)- một trong những hộ có thâm niên 3 đời với nghề làm bánh tráng. Lúc này, cả gia đình cô vẫn đang tất bật thực hiện các công đoạn làm bánh để kịp giao cho các mối đã đặt hàng.

Vừa tráng bánh, cô Liễu vui vẻ cho biết: “Mỗi ngày tôi tráng được từ 300- 400 bánh, tết thì gấp 2- 3 lần, nếu trời nắng tốt. Như tết năm trước đâu có được nghỉ, thậm chí mùng 1, mùng 2 tết cũng phải làm vì đơn đặt hàng nhiều quá, mần không xuể”.

Tết này cơ sở sản xuất bánh tráng của cô Nguyễn Thị Ngọc Ánh cũng tất bật tráng bánh đón tết. Đang nhanh tay tráng chiếc bánh tròn vo, cô Ánh cười: “Tết là phải có bánh tráng, mâm cơm mới tròn đầy. Do đó, sức mua trong dịp tết tăng gấp 2- 3 lần ngày thường. Tôi phải thức từ khuya để làm bột rồi tráng đến chiều tối mà cũng không kịp giao cho khách”.

Trong khi đó, làng nghề dưa cải muối chua ở Tân Định (xã Tân Lược- Bình Tân) cũng đã vào mùa tết. “Làm không kịp bán”- là câu chuyện tại nhiều hộ sản xuất dưa cải tại đây. Anh Nguyễn Ly- chủ cơ sở sản xuất dưa cải muối chua Nguyễn Ly- cho hay: Hiện cơ sở sản xuất được khoảng 1 tấn sản phẩm/ngày, với mức giá 8.000 đ/kg, cũng có lời khá. Cơ sở hoạt động hết công suất nhưng vẫn bị hụt hàng.

Ở làng nghề tàu hủ ky Mỹ Hòa (xã Mỹ Hòa- TX Bình Minh), cũng “đỏ lửa” ngày đêm khi tăng tốc sản xuất gấp 2- 3 lần so với bình thường.

Chú Đinh Công Hoàng- Chủ nhiệm Tổ hợp tác Tàu hủ ky Mỹ Hòa- cho hay: Như thường lệ bước qua tháng 12 âl là xóm này lại nhộn nhịp hẳn lên. Ngày thường chỉ sản xuất chừng 30- 40%, tết là sản xuất 100% công suất vẫn không đủ cung ứng. Hiện làng nghề có trên 40 hộ, hầu như nhà nào cũng hoạt động hết công suất để kịp đơn hàng tết, ước làng nghề cung cấp 4 tấn thành phẩm/ngày cho thị trường.

Chị Nguyễn Thị Minh Thy- lao động lành nghề hơn chục năm- xởi lởi: “Tết là tôi làm suốt, 1 ca nấu là 24 tiếng được 500.000đ. Hầu hết các công đoạn là thủ công nên khá vất vả nhưng đổi lại có nguồn thu nhập khá trang trải dịp tết”.

Cách đó không xa, lò tàu hủ ky của chú Nguyễn Tấn Thậm cũng đỏ lửa. Chú Thậm cho hay: Năm nay hàng hút hơn mọi năm, với 104 chảo, mỗi ngày lò tôi sản xuất được 200kg thành phẩm. Với mức giá hiện tại là 110.000 đ/kg, thấy ăn tết khỏe re”.

Hướng đến sản phẩm chất lượng, an toàn

Theo Sở Công thương, hiện nay nhiều làng nghề trên địa bàn tỉnh đã có sự đổi mới về “gỗ lẫn nước sơn”, sản phẩm từng bước được sản xuất theo hướng hàng hóa, nhiều sản phẩm đã có nhãn hiệu hàng hóa, nhãn hiệu độc quyền.

Bên cạnh đó, các cơ sở cũng đã chú trọng công tác kết nối cung cầu, quảng bá sản phẩm để nâng cao vị thế trên thị trường.

Bên cạnh nâng cấp lò sản xuất cho khang trang sạch đẹp hơn, chú Thậm còn đang nghiên cứu tìm giải pháp nấu bằng lò hơi để đảm bảo vệ sinh hơn.

“Mình làm sản phẩm có ngon, có sạch, có an toàn thì mới cạnh tranh trên thị trường được. Sản phẩm tàu hủ ky của làng nghề được chế biến hoàn toàn từ đậu nành, không dùng chất phụ gia và đặc biệt chay mặn đều dùng được nên thị trường ngày càng mở rộng hơn”- chú Thậm chia sẻ.

Tương tự, chú Hoàng cũng nhận định rằng làng nghề hiện nay đã được nâng cấp hơn, đổi mới hơn. “Nếu như trước đây công nghệ làm còn thô sơ thì hiện nay đã được đầu tư hơn, mẫu mã cải tiến hơn, bao bì sạch đẹp hơn. Theo đó, nhiều hộ cũng đã nâng cao nhận thức đổi mới dây chuyền sản xuất, nâng công suất lò để tăng sản lượng, đáp ứng nhu cầu của thị trường”- chú Hoàng chia sẻ.

Cô Liễu cho biết thêm: “Tôi cũng đã được cấp thương hiệu độc quyền, đồng thời cũng cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng bánh sao cho bắt mắt hơn, ngon hơn. Quan trọng nhất là an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng”.

Tàu hủ ky Mỹ Hòa trở thành sản phẩm hoàn chỉnh để có mặt tại nhiều thị trường.
Tàu hủ ky Mỹ Hòa trở thành sản phẩm hoàn chỉnh để có mặt tại nhiều thị trường.

Tết càng cận kề, không khí đón xuân tại các làng nghề lại càng thêm tất bật. Không chỉ đem lại nguồn thu nhập khá cao, ổn định cuộc sống gia đình, đặc biệt là giải quyết việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi ở địa phương, làng nghề còn là nơi lưu giữ những nét truyền thống văn hóa trong mỗi dịp tết. Người dân ở các làng nghề vẫn luôn phấn khởi lao động, mong muốn có một cái tết sung túc, đầm ấm, an vui.

Ông Nguyễn Hoàng Thuận- Phó Chủ tịch UBND xã Lục Sĩ Thành (Trà Ôn) cho biết: Dịp tết sản lượng bánh cung ứng cho thị trường tăng rất nhiều. Nhiều hộ dân đã chú trọng cải tiến khâu sản xuất, thay vì phơi bánh tráng dưới nắng một số hộ đã đầu tư lò sấy để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiện làng nghề đang có chiều hướng phát triển sản xuất theo hướng an toàn, phần lớn sản phẩm đều có đầu ra ổn định.

Bài, ảnh: PHI LONG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh