Trong khi nhiều cơ sở, doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh than gặp khó về đầu ra thì trong siêu thị, số sản phẩm (SP) địa phương cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay! Làm thế nào để có nhiều SP địa phương "chen chân" vào kênh siêu thị?
Trong khi nhiều cơ sở, doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh than gặp khó về đầu ra thì trong siêu thị, số sản phẩm (SP) địa phương cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay! Làm thế nào để có nhiều SP địa phương “chen chân” vào kênh siêu thị?
Hàng nông sản địa phương đã có mặt tại kệ của siêu thị nhưng mẫu mã còn đơn giản. |
Vào siêu thị có khó?
Những năm gần đây, thông qua hệ thống siêu thị, SP sản xuất trong nước đến tay người tiêu dùng ngày càng nhiều. Tuy nhiên, ở Vĩnh Long, mặc dù có nhiều SP đặc sản, SP tiêu biểu của tỉnh, nhưng con đường cho SP địa phương vào siêu thị cũng lắm nhọc nhằn.
Đáng nói nhất là các mặt hàng nông sản của tỉnh, một nghịch lý là trong khi các hợp tác xã, hộ kinh doanh sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thường phải thấp thỏm, lo lắng về giá cả bấp bênh và đầu ra không ổn định thì hệ thống siêu thị lại thiếu nguồn cung tại địa phương. Là do đâu?
Ghi nhận tại Siêu thị Co.opmart Vĩnh Long, một số SP địa phương đã có mặt tại siêu thị như: bún- bánh phở Ba Khánh, rau thủy canh, nước mắm Hòa Hiệp,… Tuy nhiên, một số mặt hàng từng có mặt nay cũng đã…vắng bóng. Một số mặt hàng rau, cà chua chỉ ghi nơi sản xuất ở Vĩnh Long nhưng chưa có bao bì, nhãn hiệu cụ thể, chưa có tem truy xuất nguồn gốc như các SP nông sản ở Đà Lạt.
Điển hình như SP của Hợp tác xã Rau an toàn Phước Hậu đã rời khỏi kệ của siêu thị do không đáp ứng các quy định yêu cầu nơi đây. Theo đại diện của hợp tác xã, siêu thị yêu cầu cơ sở sản xuất phải nâng cấp nhà sơ chế, trang bị đầy đủ thiết bị, bên cạnh đó chi phí test chất lượng rau cao nên hợp tác xã khó đáp ứng được yêu cầu của siêu thị.
Một nguyên nhân khiến cơ sở, DN “ngán” vào siêu thị là do thiếu vốn nên không đủ nguồn kinh phí để quảng bá SP. Bên cạnh đó, các DN vừa và nhỏ cũng chỉ sản xuất với quy mô nhỏ nên nguồn hàng thiếu ổn định nguồn cung cho siêu thị.
Đồng thời, do SP vẫn còn sản xuất theo phương pháp thủ công là nhiều nên nhiều SP chưa đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng, mẫu mã, chưa có sự nổi bật về mẫu mã, kiểu dáng SP nên cũng nằm ở dạng “bình bình”, chưa đáp ứng được yêu cầu của siêu thị.
Ông Văn Quốc Hoàng- Giám đốc Siêu thị Co.opmart Vĩnh Long- cho biết: Co.opmart thường xuyên tìm kiếm nguồn SP địa phương đưa vào hệ thống siêu thị nhưng các SP phải xuất trình đầy đủ giấy tờ của cơ quan chức năng. Song, nhiều cơ sở, DN sản xuất trên địa bàn tỉnh không đáp ứng được các điều kiện.
Không những vậy, nhiều cơ sở sản xuất có quy mô nhỏ nên cũng không đủ cung ứng nguồn hàng, chưa chú trọng đầu tư mẫu mã, nhãn hiệu nên SP cũng khó nhận được sự quan tâm của người tiêu dùng. Thêm vào đó, nếu các cơ sở, DN sản xuất không có kế hoạch để đưa hàng vào kinh doanh tại siêu thị thì chúng tôi cũng khó tiếp cận nguồn hàng này.
Cần có tiếng nói chung
Nhiều cơ sở, DN cho biết, vào siêu thị, các hệ thống kênh phân phối hiện đại, dù tiêu chuẩn rất khắt khe và để trụ lại và có vị trí vững chắc không phải là điều dễ dàng, nhất là trong thời kỳ hội nhập, cạnh tranh ngày càng gay gắt như hiện nay.
Tuy nhiên, muốn khẳng định thương hiệu, muốn tồn tại trên thị trường thì buộc phải thay đổi tư duy, nhận thức và phải “trưởng thành” hơn, nâng chất lượng mẫu mã SP để vào các kênh phân phối lớn.
Cũng nhờ mạnh dạn đầu tư, đổi mới công nghệ sản xuất nên hiện SP bún- bánh phở Ba Khánh đã chen chân được vào các hệ thống siêu thị lớn và dần khẳng định chỗ đứng vững chắc.
Bà Lưu Kim Phụng- Chủ cơ sở sản xuất bún- bánh phở Ba Khánh- cho hay: “Vào hệ thống siêu thị phải có chuẩn bị được nguồn lực, tài lực, vật lực để đáp ứng được đơn đặt hàng. Đồng thời, trước sự cạnh tranh gay gắt như hiện nay, các SP muốn trụ lại siêu thị không phải dễ dàng. Do đó, DN phải có sự đầu tư lớn, hoàn thiện quy trình sản xuất, không ngừng nâng cao chất lượng, cải thiện mẫu mã”.
Sản xuất theo phương pháp thủy canh và có chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất rau an toàn nên SP của anh Ngô Hữu Anh Khôi (xã Bình Phước- Mang Thít) khá thuận lợi khi bước chân vào siêu thị.
Anh Khôi cho hay: “Do đạt được các chứng nhận rau an toàn, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nên SP của tôi cũng dễ tiếp cận các kênh phân phối hiện đại hơn. Theo đó, hiện tại, tôi cung cấp xà lách, cải,… cho Co.opmart Vĩnh Long 30- 40kg rau/ngày. Qua thăm dò ý kiến, thấy người tiêu dùng cũng rất chuộng”.
Nhờ thay đổi tư duy, cải tiến công nghệ, một số sản phẩm đã có chỗ đứng khá vững ở các kênh phân phối hiện đại. |
Ông Nguyễn Văn Còn- Phó Giám đốc Sở Công thương- cho biết: Để hàng địa phương có mặt nhiều hơn ở các siêu thị, thì cơ sở, DN sản xuất cần phải thay đổi cả về hình thức lẫn tư duy sản xuất, đặc biệt phải bảo đảm các điều kiện của nhà phân phối: có đủ các loại giấy chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng.
Về phía các siêu thị, phân phối cũng cần tăng cường sự hỗ trợ, thường xuyên gặp gỡ và trao đổi các yêu cầu về số lượng, chất lượng cũng như thực hiện cập nhật thông tin trong quá trình sản xuất, cách xác định nguồn gốc SP cho các cơ sở, DN.
Để đáp ứng quy định yêu cầu của siêu thị, ngành chức năng tỉnh cần quan tâm hơn nữa trong việc hỗ trợ các cơ sở sản xuất xây dựng thương hiệu, với những SP có chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng. Song song đó, để cầu thực sự gặp cung, cần phải tìm được tiếng nói chung có lợi cho cả cơ sở, DN sản xuất lẫn kênh phân phối hiện đại, siêu thị.
Muốn SP trụ vững trên thị trường, cơ sở DN cần thay đổi nhận thức, bên cạnh chú trọng thị trường nông thôn thì cũng cần tăng cường quan tâm kênh phân phối hiện đại, bởi lẽ người tiêu dùng hiện nay đang rất chú trọng đến nguồn gốc, chất lượng SP và rất nhiều người chọn siêu thị để gởi gắm niềm tin.
Song song đó, kênh phân phối hiện đại, siêu thị cũng cần tạo điều kiện thuận lợi cho cơ sở, DN, nhất là các mặt hàng địa phương vào siêu thị, hướng dẫn thủ tục rõ ràng cụ thể để DN có thể bước chân vào siêu thị và đến tay người tiêu dùng dễ dàng hơn.
Theo Phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương), thông qua các buổi kết nối cung cầu và ngành chức năng tạo điều kiện tăng cường sự kết nối giữa các cơ sở, DN địa phương với các hệ thống siêu thị, nhà phân phối, nhiều cơ sở, DN đã tìm thêm được đầu ra. Hiện có hơn 10 SP đã vào được các kênh phân phối hiện đại, siêu thị như: hệ thống siêu thị Co.op mart, Satra, Tứ Sơn… Cụ thể như SP bún- bánh phở Ba Khánh, nước mắm Hòa Hiệp, nước mắm Hồng Hương, kẹo Sơn Hải, Rau an toàn Phước Hậu, Rau an toàn Thành Lợi, tương hột Phước Khang, bưởi Năm Roi Bình Minh, cam sành Tam Bình, trứng muối Vĩnh Nghiệp, kim chi Hoàng Long, cơm sấy Nhật Quỳnh, bánh Vĩnh Xương… |
Bài, ảnh: THẢO LY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin