"Đẹp, ngon, giá cả phải chăng" là nhận xét của không ít người tiêu dùng về "hàng nội" trong mùa tết qua. Trước cơn lốc hàng ngoại- đây được xem là tín hiệu mừng cho hàng Việt
Doanh nghiệp Việt cần có chiến lược kinh doanh bài bản, lâu dài. |
“Đẹp, ngon, giá cả phải chăng” là nhận xét của không ít người tiêu dùng về “hàng nội” trong mùa tết qua. Trước cơn lốc hàng ngoại- đây được xem là tín hiệu mừng cho hàng Việt
Lan tỏa về chợ quê
Theo Sở Công thương tỉnh, trong dịp tết vừa qua, các cơ sở kinh doanh đã chú trọng nhập hàng hóa có chất lượng, nhãn hiệu rõ ràng.
Đồng thời hầu hết đều là các mặt hàng sản xuất trong nước, hàng nhập khẩu chỉ chiếm từ 10- 15%, chủ yếu là mặt hàng bánh, sữa, nước giải khát.
Bên cạnh tăng lượng hàng hóa với nhiều sản phẩm đa dạng, phong phú về mẫu mã, các nhà sản xuất lẫn bán lẻ còn đẩy mạnh các chương trình khuyến mại hấp dẫn để thu hút người tiêu dùng nhằm cạnh tranh với hàng ngoại.
Trong dịp tết rồi, đã có gần 200 lượt doanh nghiệp đăng ký thực hiện chương trình khuyến mãi với giá trị 76 tỷ đồng, tăng 40% so với tháng 12/2017.
Song song đó, để người tiêu dùng nông thôn dễ tiếp cận với hàng Việt Nam chất lượng cao, đồng thời, hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Siêu thị Co.opmart Vĩnh Long đã tổ chức 4 đợt bán hàng lưu động với nhiều quà tặng khuyến mãi.
Trong khi đó, tại các chợ nông thôn, sức hút của hàng Việt
Cô Lê Thị Bảy- bán tạp hóa (chợ Song Phú- Tam Bình) cho hay: “Hàng nội đẹp, rẻ lại ngon hơn, biết chỗ sản xuất hẳn hoi thì cớ gì mà mình không quảng cáo cho nước mình. Tôi bán gần 20 năm rồi, thấy hàng Việt mình cải tiến nhiều lắm, như bánh kẹo tết năm nay cũng thấy phong phú, bắt mắt hơn”.
Tương tự, chị Huỳnh Thị Mỹ Phượng- tiểu thương chợ thị trấn Cái Nhum (Mang Thít)- cũng cho rằng: “Mình quảng cáo thì cũng dựa trên chất lượng thật sự chứ quảng cáo xạo thì khách hàng cũng tẩy chay, mình lại mất uy tín, nên tôi luôn chú trọng nhập hàng có chất lượng, nguồn gốc đàng hoàng để bán. Gần đây, người tiêu dùng chọn hàng trong nước nhiều vì ngon, đẹp không thua gì hàng ngoại”.
Vẫn cần nỗ lực hơn
Có thể thấy, tại nhiều tiệm tạp hóa, cửa hàng phân phối, bên cạnh những mặt hàng ngoại nằm ở những vị trí dễ thấy thì nay những hàng hóa trong nước cũng đã có vị trí được ưu ái hơn bởi sự mạnh dạn cải tiến, dần dần phù hợp với thị hiếu, sở thích đa dạng của
người tiêu dùng.
Nếu như những năm trước bánh kẹo được dùng làm quà biếu phần lớn là hàng của Thái Lan, Malaysia, Đan Mạch, Pháp… thì hiện nay, các sản phẩm bánh kẹo từ phân khúc trung bình đến cao cấp của một số thương hiệu trong nước đã được nhiều người lựa chọn làm quà bởi tính tiện lợi, dễ sử dụng.
Chọn bánh kẹo trong nước sản xuất và gói làm giỏ quà tặng, anh Lê Minh Trung (Phường 2- TP Vĩnh Long) cho hay: “Năm nay, các mặt hàng trong nước rất đa dạng, mẫu mã bắt mắt, giá cả hợp túi tiền của người tiêu dùng hơn”.
Ông Nguyễn Văn Còn- Phó Giám đốc Sở Công thương- nhận định: Hiện nay, người tiêu dùng đang có xu hướng ngày càng ủng hộ các mặt hàng sản xuất trong nước có thương hiệu uy tín đồng thời với sự nỗ lực đầu tư nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm của nhà sản xuất, nên hàng Việt Nam hiện đã có được vị trí nhất định trong lòng người tiêu dùng.
Điều đáng ghi nhận là hiện nay, nhiều DN đã chú trọng sản xuất sản phẩm có thể truy xuất nguồn gốc để người tiêu dùng an tâm và tin tưởng.
Tuy nhiên, DN Việt cũng không nên tự thỏa mãn với kết quả đó mà phải không ngừng phấn đấu hơn nữa.
Bởi hiện nay, ngày càng có nhiều nhà bán lẻ hàng ngoại xuất hiện trên thị trường, bên cạnh việc giữ chất lượng, nâng mẫu mã, những nhà bán lẻ này còn đang dần tạo thành các chuỗi hệ thống mua sắm.
Bên cạnh một bộ phận người tiêu dùng vẫn còn tâm lý sính ngoại, cũng không thể phủ nhận rằng chất lượng, giá cả sản phẩm cùng với những “bước đi” bài bản, mang tính chiếc lược lâu dài của các DN ngoại khi khai thác thị trường Việt đã trở thành mối đe dọa đáng gờm đối với hàng Việt ngay trên sân nhà.
Điển hình như một túi bánh ngọt của một hãng bánh ngoại nọ: ngoài bao bì bắt mắt, bên trong lại được sắp xếp khéo léo các hộp bánh từ nhỏ đến lớn, có bánh dành cho trẻ em dùng, lại có thêm kẹo, với giá chưa đến 200.000đ, đã được nhiều người tiêu dùng ưa thích và chọn trong dịp tết.
Hiệu quả và sức lan tỏa của hàng Việt Nam hiện nay là điều có thể nhận rõ, tuy nhiên để niềm tin của người tiêu dùng đối với hàng Việt Nam ngày càng được nâng lên, thì DN Việt bên cạnh tận dụng lợi thế sân nhà, người tiêu dùng nhà thì cần nhanh chân, có chiến lược kinh doanh chắc và vững, lâu dài, và hơn hết phải chinh phục người tiêu dùng bằng chất lượng thật sự. Có như vậy, hàng nội mới có thể trụ vững và phát triển bền trên sân nhà.
Bài, ảnh: THẢO NGUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin