"Dính bẫy" mua hàng dỏm ở hội thảo

06:09, 29/09/2016

Tin lời quảng cáo có cánh, nhiều người đã sập bẫy chiêu trò bán hàng qua các cuộc hội thảo được tổ chức ở nhiều địa phương, nhất là ở nông thôn.

Quảng cáo 10 nhưng chất lượng chỉ phân nửa, kêu giá trên trời nhưng chất lượng... dưới đất, hay “nổ” là hàng của Nhật sản xuất nhưng thực chất hàng “Made in China” hoặc không rõ nguồn gốc...

Tin lời quảng cáo có cánh, nhiều người đã sập bẫy chiêu trò bán hàng qua các cuộc hội thảo được tổ chức ở nhiều địa phương, nhất là ở nông thôn.

Đội Quản lý thị trường số 1 thu giữ số hàng hóa tại hội thảo.
Đội Quản lý thị trường số 1 thu giữ số hàng hóa tại hội thảo.

“Giá trên trời, chất lượng... dưới đất”

Bằng cách liên hệ trực tiếp với cán bộ ở ấp- khóm để gửi thư mời người dân dự hội thảo, một số công ty đã “danh chánh ngôn thuận” tổ chức hội thảo giới thiệu sản phẩm nhưng mục đích là để bán hàng.

Nhân viên các công ty này đến tận nơi bằng ôtô, đem hàng hóa đến giới thiệu và vì các “mác” sang này, lại do địa phương phối hợp tổ chức nên nhiều người dân “có thêm lòng tin” để mua hàng ở hội thảo. Nhưng khi đem về nhà, sử dụng không được, liên hệ những công ty này thì họ đã “cao chạy xa bay”, người dân chỉ biết kêu trời…

Mới đây, chúng tôi nhận được đơn của anh Phạm Xuân Sơn (xã Long Phước- Long Hồ) thắc mắc về tình trạng công ty đến địa phương tổ chức hội thảo để bán hàng. Anh Sơn trình bày: Tôi nhận được giấy mời đi tham dự chương trình, được tặng quà và giới thiệu sản phẩm.

Nhưng khi đến nơi thì thấy giới thiệu sản phẩm có giá cắt cổ, cao hơn thị trường gấp nhiều lần; bóng đèn thì không nhãn hiệu. Tôi nghi ngờ hàng hóa này kém chất lượng, có nguồn gốc không rõ ràng. Và tình trạng này đang triển khai ở nhiều huyện xã trên địa bàn tỉnh.

Về vấn đề này, ông Đỗ Hữu Quang- Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (Sở Công thương) cho biết, các công ty này (hầu hết đều ở TP Hồ Chí Minh) có xin giấy phép ở Sở Công thương đàng hoàng là giới thiệu sản phẩm nên được cấp giấy.

Tuy nhiên, khi đến địa phương thì công ty không liên hệ với UBND xã mà trực tiếp liên hệ với trưởng ấp- khóm hay bên Hội Liên hiệp phụ nữ để mở hội thảo giới thiệu sản phẩm và kiêm luôn bán hàng. Đây là hành vi sai phạm.

Trong khi đó, các sản phẩm này được kêu giá từ 2- 3 triệu đồng, nhân viên “gắn mác” là hàng của Nhật sản xuất, nói đợt này có khuyến mãi, trợ giá giảm giá còn 1- 1,5 triệu đồng, sau đợt này không còn khuyến mãi nữa. Người dân nghe vậy tin tưởng, mua hàng. Nhưng thực chất là hàng kém chất lượng, giá trị chỉ vài trăm ngàn đồng.

Đây là chiêu trò lừa gạt không mới, nhưng vẫn có nhiều người dân, nhất là ở nông thôn lại nhẹ dạ, cả tin lời đường mật và sập bẫy. Thời gian qua, Chi cục Quản lý thị trường cũng đã xử lý không ít trường hợp vi phạm.

Như mới đây, Đội Quản lý thị trường số 1 phát hiện và lập biên bản vi phạm đối với Công ty CP Tổ chức sự kiện truyền thông Sơn Hà (Quận 12- TP Hồ Chí Minh) vì thông tin không đúng chất lượng sản phẩm, khuyến mãi không thông báo. Theo đó, công ty này tổ chức chương trình hội thảo mời người dân đến tham dự để bảo hành bảo trì đổi mới sản phẩm chảo điện đa năng Okatashi và hội thảo chỉ dành cho độ tuổi 25- 70.

Tại hội thảo, nhân viên công ty giới thiệu khi người dân mua nồi lẩu điện Okatashi giá 1.150.000đ sẽ được tặng đèn led và khi đến tham dự hội thảo có giấy mời được tặng phần quà 149.000đ là chai dầu xoa bóp.

Ông Nguyễn Phong Lĩnh- Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 1 cho biết: Công ty chỉ được cấp phép tổ chức hội thảo, giới thiệu sản phẩm thôi. Việc bán hàng tại hội thảo là sai. Nhân viên tư vấn giới thiệu hàng của Nhật nhưng thực chất là hàng không chất lượng. Đội đã tạm giữ hàng hóa mời giám đốc công ty đến làm việc.

Đừng tiếp tay và đừng nhẹ dạ, cả tin

Các mặt hàng được quảng cáo bằng lời có cánh ở hội thảo, đa phần là hàng tiêu dùng, chủng loại đa dạng từ bếp điện, bếp từ, nồi cơm điện, bếp gas, bộ nồi tiết kiệm năng lượng, bóng đèn sử dụng năng lượng mặt trời… song hầu hết đều là hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc. Đã có rất nhiều người dân “sập bẫy” vì tin tưởng mua hàng ở hội thảo.

Ông Đỗ Hữu Quang cho biết: Đây thực chất là hình thức biến tướng của dạng bán hàng bằng xe máy “lưu động” trước đây.

Lẩu điện Okatashi được quảng cáo không đúng chất lượng sản phẩm.
Lẩu điện Okatashi được quảng cáo không đúng chất lượng sản phẩm.

Nếu như trước đây, nhân viên chạy xe máy chở hàng hóa len lỏi đến từng ngóc ngách, gõ cửa từng nhà dân để bán hàng, thì hiện nay hình thức này đã xưa, cũ, không còn lừa được nhiều người. Do vậy, nhiều công ty đã sử dụng chiêu mới để bán hàng. Nói là hàng chất lượng nhưng là hàng của Trung Quốc, chất lượng rất thấp.

Bức xúc vì mua hàng dỏm với giá trên trời, cô Lê Thị Mai (Long Hồ) nói: “Tôi đến dự hội thảo giới thiệu bộ nồi đa năng, đèn pin sử dụng năng lượng mặt trời... Họ giới thiệu sản phẩm rất tốt nên giá cao, mua thì có kèm tặng phẩm khuyến mãi.

Mua cái nồi mấy triệu đồng nhưng chỉ sử dụng được vài lần. Khi tôi gọi đến số điện thoại mà trong lúc bán hàng họ cho thì chỉ nghe “thuê bao quý khách vừa gọi hiện không liên lạc được”. Biết mình bị lừa nhưng chỉ biết trách mình vì quá cả tin”.

Núp dưới bóng quảng cáo sản phẩm, chào hàng, tặng quà, khuyến mại là những chiêu thường thấy của những người bán hàng kém chất lượng. Chính vì vậy, cách tốt nhất để bảo vệ chính mình là nên mua sản phẩm tại các cơ sở uy tín, có địa chỉ rõ ràng.

 

Theo ông Đỗ Hữu Quang, thủ đoạn của các công ty này là liên hệ thẳng với từng ấp- khóm mượn nơi tổ chức hội thảo, để người dân lầm tưởng đây là tổ chức công khai, được cấp phép hoạt động. Do đó, người dân không nên ham rẻ (nhưng thực chất hàng không rẻ, đã bị cơi giá sản phẩm lên để hạ xuống) hay tin lời quảng cáo có cánh của nhân viên. Đồng thời, cảnh báo đến các trưởng ấp- khóm, các hội đoàn thể nên cảnh giác, không tiếp tay cho các công ty gắn mác giới thiệu sản phẩm nhưng là bán hàng hóa kém chất lượng. Thời gian tới, Chi cục Quản lý thị trường sẽ tăng cường kiểm tra xử lý kịp thời các vi phạm để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng.

 

 

  • ™Bài, ảnh: THẢO NGUYÊN
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh