Ngày 22/2, Bộ Công thương đã tổ chức hội nghị đánh giá tình hình xuất khẩu gạo năm 2016. Phân tích từ những thực tế tình hình xuất khẩu gạo năm 2015 cũng như dự kiến cho tiềm năng xuất khẩu gạo năm 2016
Ngày 22/2, Bộ Công thương đã tổ chức hội nghị đánh giá tình hình xuất khẩu gạo năm 2016.
Phân tích từ những thực tế tình hình xuất khẩu gạo năm 2015 cũng như dự kiến cho tiềm năng xuất khẩu gạo năm 2016, ông Hoàng Thế Năng, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực miền Nam cho rằng, thị trường xuất khẩu gạo chính trong năm nay vẫn là Trung Quốc, chiếm 54%; số còn lại sẽ tập trung vào châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Đông, Nga và Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất.
Tuy nhiên, với cơ cấu tỷ lệ xuất khẩu chủ yếu vẫn là thị trường Trung Quốc, nên tiềm năng lớn nhưng rủi ro cũng rất cao. Phổ biến nhất là tình trạng doanh nghiệp (DN) Trung Quốc thường nhập khẩu gạo Việt Nam gần giống với chủng loại gạo của Trung Quốc, sau đó đánh bóng và đóng bao phân phối ra thị trường với thương hiệu DN Trung Quốc.
Tình trạng này ảnh hưởng đến thương hiệu và làm giảm giá trị gạo Việt Nam. Doanh nghiệp Việt cũng rất thiếu thông tin về đối tác hợp tác nên đã có nhiều DN Việt bị lừa khi xuất khẩu gạo sang Trung Quốc.
Gạo ĐBSCL chuyển lên tàu xuất khẩu Ảnh: THÁI BẰNG |
Riêng với những thị trường mới như châu Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Đông thì những đòi hỏi rào cản kỹ thuật rất cao, sản phẩm gạo xuất khẩu phải đóng gói bao bì kín, có chất lượng cao, có thương hiệu.
Tuy nhiên, cái khó mà DN nội vấp phải là hiện chưa có trung tâm chứng nhận chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế. Doanh nghiệp phải dựa vào kiểm định nước ngoài nên rủi ro rất cao.
Thời gian qua, Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã kiến nghị Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo nông dân không sử dụng một số chất cấm trong quá trình trồng lúa để đảm bảo gạo Việt Nam không bị mất thị trường, nhất là tại thị trường vừa khai thác.
Nhưng đến nay, vấn đề này vẫn chưa được giải quyết vì các cơ quan chức năng thiếu trang thiết bị kiểm định, thậm chí có những chất cấm mà các cơ quan chức năng không biết đến. Trên thực tế, năm 2015 đã có một số DN bị trả lại hàng xuất khẩu do bị phát hiện có các chất cấm này.
Để giảm thiểu rủi ro cho DN xuất khẩu gạo, đồng thời tăng tính bền vững của thị trường, ông Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công thương đã yêu cầu các tham tán thương mại tại các thị trường truyền thống và thị trường mới phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại, Cục Xuất nhập khẩu và Vụ Đa biên tập trung nắm lại thông tin tại các thị trường xuất khẩu.
Trong đó, đánh giá so sánh lợi thế gạo Việt Nam với các nước có khả năng cạnh tranh cao; đề xuất giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả xuất khẩu và giá trị gia tăng cho sản phẩm gạo.
Các địa phương hỗ trợ thực hiện tái cơ cấu lại nông nghiệp đảm bảo chất lượng sản phẩm gạo; xây dựng phương án phát triển thương hiệu gạo Việt, ổn định vùng nguyên liệu, kết nối vùng nguyên liệu với DN xuất khẩu; Hiệp hội Lương thực Việt Nam nhanh chóng hoàn thiện chiến lược phát triển thương hiệu gạo Việt, tạo điều kiện để sản phẩm gạo Việt xâm nhập sâu vào hệ thống phân phối tại các thị trường xuất khẩu.
Trong thời gian tới, Bộ Công thương sẽ triển khai dự án nâng cao năng lực kinh doanh của các DN xuất khẩu gạo về nhân lực, hoạt động marketing, tranh chấp thương mại quốc tế…, tạo điều kiện thuận lợi nhất để DN xuất khẩu gạo có thể tăng nội lực và đa dạng thị trường xuất khẩu.
Nguồn: http://www.sggp.org.vn/kinhte/2016/2/412532/
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin