Đảm bảo không "đứt" nguồn hàng tết

08:01, 15/01/2016

Cận tết, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tất bật chuẩn bị hàng hóa nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Theo ghi nhận, hàng hóa năm nay được các cửa hàng chuẩn bị khá dồi dào, giá ổn định.

Cận tết, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tất bật chuẩn bị hàng hóa nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Theo ghi nhận, hàng hóa năm nay được các cửa hàng chuẩn bị khá dồi dào, giá ổn định.

Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường được tăng cường.
Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường được tăng cường.

Chủ động nguồn hàng

Để góp phần bình ổn thị trường và đảm bảo cân đối cung cấp các mặt hàng thiết yếu không để xảy ra tình trạng thiếu hàng hóa vào dịp Tết Nguyên đán, các sở ngành đã có nhiều giải pháp bình ổn giá.

Năm nay, các mặt hàng tham gia bình ổn là lương thực (gạo tẻ thường, gạo thơm sản xuất trong nước), thực phẩm (thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm, cá các loại, dầu ăn, đường, bột ngọt, các loại thực phẩm chế biến).

Theo đó, 4 công ty lương thực đảm bảo có lượng gạo và nếp tồn kho trên 9.000 tấn, trị giá khoảng 90 tỷ đồng; Công ty TNHH Thương mại Sài Gòn- Vĩnh Long (Co.opmart Vĩnh Long) chuẩn bị các mặt hàng phục vụ tết khoảng 57 tỷ đồng; Công ty Xăng dầu Vĩnh Long chuẩn bị 2,6 triệu lít xăng, dầu các loại phục vụ tiêu dùng (thời gian nửa tháng) trị giá khoảng 44 tỷ đồng.

Đồng thời, Công ty Điện lực Vĩnh Long có kế hoạch đảm bảo cung cấp điện trước, trong, sau tết. Tổng trị giá thực hiện dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ tết khoảng 200 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Sở Công thương còn thực hiện chương trình liên kết hợp tác với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh ĐBSCL điều tiết hàng hóa để kịp thời bình ổn thị trường.

Ông Văn Quốc Hoàng- Giám đốc Siêu thị Co.opmart Vĩnh Long cho biết: Hiện siêu thị có 2 kho đã chứa khoảng 30- 40% lượng hàng. Thời điểm cuối năm sẽ tăng lượng nhập hàng lên. Dự đoán, vào những ngày tết sức mua sẽ tăng 30% so với ngày thường và tăng 10% so với cùng thời điểm tết năm trước. Siêu thị sẽ tăng mức trữ hàng lên khoảng 60 tỷ đồng, trong đó, mặt hàng gạo sẽ tăng 10- 15%.

Hiện sức mua đã tăng dần, nhưng sẽ tăng mạnh từ 23 tết. Siêu thị đang triển khai nhiều chương trình khuyến mãi như: “Đẹp ý quà xuân”, “Tết Việt thắm tình” với 48 mẫu giỏ quà tết, “3 ngày bán giá vốn”,... đồng thời, cam kết ổn định giá, không để xảy ra tình trạng thiếu hụt hàng, tăng giá đột biến.

Bên cạnh đó, các chợ truyền thống, điểm kinh doanh nhỏ lẻ cũng đã sớm chuẩn bị hàng tết. Nhiều tiểu thương cho biết, các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu dịp tết sẽ không có biến động nhiều và không lo thiếu hàng vì nguồn cung năm nay rất dồi dào; giá cả cũng sẽ ít có biến động lớn.

Cô Đặng Thị Mai- Chủ cửa hàng phân phối Tỷ Mai (Phường 1- TP Vĩnh Long) cho biết: “Năm nay, dự đoán sức mua tăng nên tôi nhập hàng nhiều hơn năm trước 40%, giá cả tương đối ổn định. Tôi đã sẵn sàng nguồn hàng cung ứng phong phú, đa dạng để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng”.

Ông Phạm Tứ Phương- Giám đốc Sở Công thương cho biết: Hiện các doanh nghiệp lớn đã tích cực trữ hàng, địa phương có chủ trương bình ổn theo từng vùng, đảm bảo không để bị khan hiếm các mặt hàng chủ yếu như lương thực, xăng dầu, thực phẩm,...

Hàng Việt Nam chiếm ưu thế

Theo nhiều chủ cửa hàng kinh doanh, siêu thị, hiện nay, hàng Việt Nam đã chiếm tỷ trọng lớn do chất lượng hàng Việt Nam ngày càng được nâng cao, tạo được uy tín trên thị trường.

Cô Hồ Thị Kiên- Chủ cơ sở bánh kẹo Hải Ký (Phường 1- TP Vĩnh Long) nói: “Năm nay, bánh mứt tết Việt Nam chiếm gần 80%, nhiều doanh nghiệp ra mẫu mã mới đón tết rất bắt mắt. Bên cạnh đó nhiều sản phẩm trong tỉnh như kẹo đậu phộng Sơn Hải, kẹo Phước Ân,... rất được lòng người tiêu dùng. Năm rồi bán rất chạy, nên năm nay tôi lấy hàng nhiều hơn”.

Hàng hóa năm nay khá dồi dào, mẫu mã đẹp.
Hàng hóa năm nay khá dồi dào, mẫu mã đẹp.

Có 95% hàng hóa là hàng Việt Nam. Ông Văn Quốc Hoàng cho biết thêm: Năm nay, chủ đề dịp tết của siêu thị là “Tết Việt gắn kết mọi nhà”. Thời gian qua cho thấy, sản phẩm Việt Nam hiện nay được ưa chuộng vẫn tập trung vào nhóm hàng tiêu dùng, thực phẩm tươi sống như rau củ, gạo, đường, dầu ăn, bánh, mứt,...

Theo ông Phạm Tứ Phương, việc bình ổn giá sẽ góp phần cân đối cung cầu hàng hóa trên thị trường nhất là các mặt hàng thiết yếu, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng, từ đó góp phần hạn chế tốc độ tăng giá, kiềm chế lạm phát, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển.

Đồng thời, góp phần định hướng khuyến khích người tiêu dùng hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Theo đó, quan trọng nhất là công tác kiểm tra, kiểm soát để loại bỏ hàng gian, hàng giả, hàng lậu, lành mạnh hóa thị trường.

Bài, ảnh: THẢO LY

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh