TPP: Thị trường mới, cơ hội mới

06:12, 04/12/2015

Tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường chung rộng lớn với gần 800 triệu người tiêu dùng và 40% GDP toàn cầu

Tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường chung rộng lớn với gần 800 triệu người tiêu dùng và 40% GDP toàn cầu.

Tuy nhiên, TPP cũng đặt ngành nông nghiệp Việt Nam trước nhiều thách thức, sản phẩm phải cạnh tranh gay gắt từ hàng hóa của các quốc gia thành viên. 

TPP mở ra nhiều cơ hội mới cho ngành nông nghiệp.
TPP mở ra nhiều cơ hội mới cho ngành nông nghiệp.

Tại hội thảo: “Nâng cao khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị nông nghiệp khi Việt Nam gia nhập TPP” trong khuôn khổ Hội chợ triển lãm quốc tế nông nghiệp công nghệ cao và chuỗi giá trị sản phẩm tại TP Cần Thơ, những vấn đề này được nhiều chuyên gia mổ xẻ.

Theo bà Nguyễn Thị Thúy Hằng (Bộ Kế hoạch- Đầu tư), khi hội nhập TPP các sản phẩm xuất khẩu chủ lực như nông sản sẽ có cơ hội tiếp cận với nhiều thị trường lớn. Nhiều thành viên TPP là những thị trường tiêu thụ nông sản lớn của Việt Nam như Canada, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Mexico,...

Những thị trường này sẽ giúp Việt Nam có cơ hội giảm áp lực phụ thuộc, đồng thời, tạo ra cơ hội mở cửa thị trường thông qua giảm thuế xuất nhập khẩu.

Cụ thể, đối với mặt hàng nông sản, khi mở cửa thị trường với Hoa Kỳ sẽ xóa bỏ thuế quan ngay đối với 97,7% kim ngạch xuất khẩu, sau 15 năm có 99,97% dòng xóa bỏ thuế; thị trường Mexico, thủy sản được xóa bỏ thuế quan ngay và sau 3- 5 năm 60% dòng xóa bỏ thuế chiếm 99,33 kim ngạch xuất khẩu.

 

 

GS.TS Nguyễn Quốc Vọng cho biết: 9 tháng đầu năm nay, Việt Nam xuất khẩu 4,35 triệu tấn gạo đạt 1,83 tỷ USD, giảm 9% về lượng và 10,5% về giá trị. Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất nhưng đang giảm: năm 2012- 2013 Việt Nam chiếm hơn 65%, năm 2014 còn 53%, 6 tháng đầu năm nay còn 47%. Thế chân vào Việt Nam là các nước Thái Lan, Campuchia, Pakistan.

 

Trong đó, cá tra được xóa bỏ thuế quan sau 2 năm. Nhật Bản xóa bỏ thuế quan ngay đối với 78% kim ngạch xuất khẩu, sau 5- 6 năm xóa bỏ thuế quan cho các mặt hàng tiếp theo đạt 88,5% kim ngạch xuất khẩu.

“Tuy Nhật Bản không cam kết mở cửa thị trường gạo, nhưng để tăng cường năng lực xuất khẩu gạo của Việt Nam vào thị trường này, Nhật Bản sẽ hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam nhằm tăng cường khả năng trúng thầu hạn ngạch WTO của Nhật (300.000 tấn/năm). So với hiệp định đối tác Việt Nam- Nhật Bản, cải thiện 38,4% dòng nông sản”- bà Nguyễn Thị Thúy Hằng cho biết.

Mặt hàng rau quả, thủy sản, gạo, cà phê, điều, cao su, gỗ là cơ hội cao nhất khi gia nhập. Tuy nhiên cũng có nhiều thách thức về công nghệ chế biến, nguồn gốc xuất xứ. Riêng đối với ngành chăn nuôi sẽ có tác động tiêu cực ở mức độ cao, đặt ra thách thức về cạnh tranh hàng nhập khẩu, giá thức ăn chăn nuôi giảm thấp.

Trong đó, các đối tượng chăn nuôi chính sẽ phải đối mặt khi hội nhập TPP là heo, bò, gà. Gần đây nhất, gà Mỹ giá rẻ vào Việt Nam khiến người chăn nuôi trong nước gặp nhiều khó khăn.

Lúa gạo là ngành hàng có cơ hội cao khi gia nhập TPP.
Lúa gạo là ngành hàng có cơ hội cao khi gia nhập TPP.

Theo GS.TS Nguyễn Quốc Vọng- Đại học RMIT (Úc)- Thành viên hội đồng quản trị Công ty CP Giống cây trồng Miền Nam (SSC), bên cạnh những cơ hội “vàng”, Hiệp định TPP cũng quy định những điều kiện khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm như dư lượng kháng sinh trong tôm và thủy sản, dư lượng thuốc trừ sâu trong chè, cũng như các yêu cầu về nhãn mác, bao bì đóng gói, mã vạch…

Mặc dù có những tiến bộ vượt bậc trong nhiều năm qua, song trình độ sản xuất và kỹ năng thị trường ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn còn đi sau so với các nước còn lại.

 Bộ Tài chính đã công bố một số dòng thuế được miễn thuế ngay khi TPP có hiệu lực, trong đó có nhiều sản phẩm nông nghiệp và một số mặt hàng là đầu vào của ngành như động vật sống, thức ăn gia súc, một số sản phẩm sữa, ngũ cốc, gạo, cao su… 

Điều này sẽ dẫn đến luồng hàng nhập khẩu hàng hóa từ các nước thành viên TPP vào Việt Nam ngày càng lớn, do giá cả cạnh tranh hơn, chất lượng đạt chuẩn hơn và bao bì, mẫu mã đa dạng, phong phú hơn.

Khi đó, các quy trình công nghệ trong sản xuất nông nghiệp sẽ ngày càng lệ thuộc nhiều hơn vào các công ty cung cấp giống, vật tư, thức ăn, phân bón… từ nước ngoài, đòi hỏi các doanh nghiệp trong nước nhanh chóng đầu tư, thích ứng kịp thời với những yêu cầu, đòi hỏi của thị trường quốc tế. 

Với thị trường mới, để tồn tại, đòi hỏi doanh nghiệp nông sản phải có chiến lược phát triển kinh doanh vững chắc.
Với thị trường mới, để tồn tại, đòi hỏi doanh nghiệp nông sản phải có chiến lược phát triển kinh doanh vững chắc.

Bà Nguyễn Thị Thúy Hằng cho rằng, giải pháp đối với nông lâm thủy sản Việt Nam là nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và hàng hóa nông- lâm- thủy sản, tăng cường nhân lực, nâng cao năng suất lao động, phát triển lực lượng lao động tiên tiến phục vụ cho ngành, đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, giảm thiểu sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu...

Còn theo GS.TS Nguyễn Quốc Vọng, Việt Nam cần phải sản xuất theo chuỗi ngành hàng để phát triển nông nghiệp bền vững. Sản phẩm nông nghiệp cho thị trường hiện nay cần sự tổng hợp của một chuỗi giá trị với mục tiêu sản phẩm cuối cùng phải có chất lượng cao và an toàn vệ sinh thực phẩm.

 

Tổng thư ký Phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam Phạm Thị Thu Hằng cho rằng để phát huy lợi thế khi gia nhập, từng doanh nghiệp phải đưa ra kế hoạch sản xuất kinh doanh; liên kết “4 nhà”, đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu ngành, giảm thiểu phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu, hoàn thiện môi trường chính sách. Đặc biệt, các doanh nghiệp phải nâng cao hiệu quả sản xuất, năng lực cạnh tranh, phát triển chuỗi cung ứng nông sản.

 

Bài, ảnh: THẢO LY- HOÀNG MINH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh