Giá dầu tiếp tục giảm phá đáy: Việt Nam ứng phó ra sao?

09:12, 13/12/2015

Giá dầu tiếp tục giảm mạnh, có thể xuống mốc 20-30 USD/thùng dầu thô chỉ trong thời gian ngắn tới đây như dự báo.

 

Giá dầu tiếp tục giảm mạnh, có thể xuống mốc 20-30 USD/thùng dầu thô chỉ trong thời gian ngắn tới đây như dự báo. Với Việt Nam, thu ngân sách bị ảnh hưởng đã rõ song tác động có lợi từ giá dầu giảm tới nền kinh tế, doanh nghiệp và chi tiêu của người dân thì vẫn chưa rõ ràng.

Ngân sách lại một phen bất ngờ

Trên thị trường thế giới, giá dầu tiếp tục giảm mạnh. Giá dầu thô ngọt nhẹ hôm qua trên thị trường New York đã giảm xuống còn 36,45USD/thùng, mức thấp chưa từng có trong hơn 12 năm qua. Giá dầu Brent biển Bắc trên thị trường London cũng tụt giảm xuống còn 39,44USD/thùng.

Chỉ trong vòng 1 năm rưỡi qua, giá dầu thế giới đã tụt giảm mạnh chưa từng thấy, từ mức 105,86USD/thùng hồi tháng 6 năm ngoái xuống còn 36,45USD/thùng như thời điểm hiện tại, tức giảm gần 3 lần. Giới đầu tư lo ngại tình trạng thừa cung sẽ kéo dài sang năm 2016 khi các nước sản xuất tiếp tục bơm dầu với tốc độ kỷ lục sẽ đưa giá dầu sớm phá đáy về mốc 20-30 USD/thùng. Nếu điều này xảy ra thì hoạt động xuất khẩu dầu mỏ và thu ngân sách của Việt Nam sẽ hết sức khó khăn.

Báo cáo tại Hội nghị giao ban do Bộ Công Thương tổ chức mới đây, ông Đỗ Chí Thanh - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết, do giá dầu thô sụt giảm mạnh nên nhiều chỉ tiêu như doanh thu và nộp ngân sách của PVN sẽ giảm mạnh so với kế hoạch đề ra. Ước tính giá dầu trung bình tháng 11.2015 chỉ dao động ở ngưỡng 48 USD/thùng, giảm 2,7 USD/thùng so với trung bình tháng 10.

Giá dầu trung bình 11 tháng chỉ là 55,6 USD/thùng, giảm 50,4 USD/thùng so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này đã tác động trở lại khiến tổng doanh thu toàn tập đoàn ​trong 11 tháng chỉ đạt 511.000 tỷ đồng, bằng 74,2% kế hoạch năm, nộp ngân 108.200 tỷ đồng, bằng 61,18% kế hoạch năm.

Trong khi đó, theo kế hoạch ​đặt ra, doanh thu toàn tập đoàn năm nay sẽ đạt 718.400 tỷ đồng nhưng do giá dầu tiếp tục giảm mạnh nên thực hiện chỉ đạt 555.000 tỷ đồng, như vậy sẽ hụt khoảng 163.400 tỷ đồng, trong khi nộp ngân sách theo đăng ký là 159.000 tỷ đồng nhưng thực hiện chỉ đạt 115.000 tỷ đồng, hụt 44.000 tỷ đồng. "Các chỉ tiêu của PVN giảm mạnh do giá dầu thô giảm quá nhiều" - ông Đỗ Chí Thanh báo cáo.

TS Phan Ngọc Trung - nguyên Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam, thành viên Hội đồng thành viên PVN cho biết, Việt Nam tiếp tục giữ mức khai thác dầu thô trên dưới 15 triệu tấn/năm. “Đây là chiến lược mang tính chất cân đối giữ cung cầu, thu ngân sách bởi thu từ dầu thô đang chiếm tới 10% thu ngân sách và đang khó khăn…” - ông Trung nói.

Vào đầu năm 2015, phần lớn các bên tham gia thị trường đều lường trước việc giá dầu thô sẽ ở mức thấp, song sự sụt giá mạnh của dầu hiện nay là một "bất ngờ thực sự", nhất là khi Việt Nam vẫn dự tính thu ngân sách năm 2016 với giá dầu ở mức 60 USD/thùng.

Lợi ích nền kinh tế, người dân ở đâu?

Giá dầu thế giới liên tiếp sụt giảm mạnh và chạm đáy thấp nhất trong nhiều năm chắc chắn báo hiệu xăng dầu trong nước từ nay cho tới khoảng đầu năm 2016 tiếp tục có dư địa giảm giá mạnh, tạo cơ hội cho nền kinh tế, doanh nghiệp, người dân được hưởng lợi.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, Việt Nam nhập xăng dầu còn lớn hơn cả xuất dầu thô, do đó khi giá thành nhập khẩu dầu mỏ và chế phẩm xăng dầu giảm mạnh như hiện nay thì giá bán lẻ trong nước nên giảm phù hợp để tạo hiệu ứng kéo giá hàng hóa thiết yếu giảm theo.

Tuy nhiên, kỳ điều hành giá xăng dầu mới đây (3.12), giá xăng chỉ giảm được gần 258 đồng/lít và các kỳ trước chỉ giảm nhỏ giọt. Dù từ đầu năm tới nay, giá xăng có tới 10 lần giảm thì so với cùng kỳ năm 2014, giá xăng hiện tại cũng chỉ thấp hơn được khoảng 1.100 đồng/lít.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, giá dầu thô giảm quá mạnh, hụt thu ngân sách từ giá dầu quá lớn nên cơ quan quản lý mới chỉ tính làm sao thu được nhiều nhất từ mặt hàng xăng dầu ở trong nước để bù đắp. Trong khi đó, lợi ích từ giá dầu giảm tới nền kinh tế, doanh nghiệp và chi tiêu của người dân thì chưa được ghi nhận.

Chuyên gia kinh tế Bùi Ngọc Sơn cũng đồng tình cho rằng, chi phí xăng dầu đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế bởi nó chiếm tới 40-50% chi phí sản xuất, 10-15% chi phí giá thành sản phẩm hàng hóa. Do vậy, xét về mặt lý thuyết có thể ngân sách bị hụt thu từ khoản xăng dầu nhưng đổi lại toàn nền kinh tế lại được kích cầu, sản xuất tốt hơn, tạo ra nhiều giá trị gia tăng hơn.

Theo chuyên gia kinh tế Bùi Trinh, trong khoảng 3 tháng đầu năm 2015 (khi giá dầu cũng xuống dưới 40 USD/thùng), giá trị gia tăng của GDP (tổng sản phẩm trong nước) ước tính tăng khoảng từ 2 - 2,3 điểm phần trăm và chỉ số giá sản xuất giảm khoảng 0,95 - 0,98 điểm phần trăm nhờ giá xăng dầu trong nước giảm. 

 

Nguồn: http://danviet.vn/kinh-te/gia-dau-tiep-tuc-giam-pha-day-viet-nam-ung-pho-ra-sao-647395.html

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh