Mua hàng đa cấp không cần sản phẩm chất lượng ra sao, chỉ hy vọng được lên cấp để được thoái vốn và nhận thù lao.
Mua hàng đa cấp không cần sản phẩm chất lượng ra sao, chỉ hy vọng được lên cấp để được thoái vốn và nhận thù lao.
Vậy là, người trước lừa người sau để thu lợi- “chiêu” muôn thuở của kinh doanh đa cấp. Nhưng thực tế, có những trường hợp nhiều người không chỉ mất tiền, hại thân vì không được chăm sóc sức khỏe đúng cách, mua hàng kém chất lượng mà còn dẫn đến nợ nần. Nhiều người lao vào hình thức này như những con “thiêu thân”.
Bà Dảnh với phiếu chăm sóc sức khỏe làm đẹp. Bà được clàm “tổ trưởng kinh doanh” dù biết rất ít chữ. |
Tan giấc mơ
Sau khi hay tin các cơ sở thuộc Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy mắc nhiều sai phạm trong kinh doanh, nhiều người là nạn nhân tìm đến ngành chức năng trình báo với hy vọng “hốt của đổ”.
Ngồi thu mình trong một góc phòng, nước mắt giàn giụa, bà Nguyễn Thị Dảnh (xã Long Phước- Long Hồ) nói: “Tôi cũng chỉ nghe lời xúi giục, dụ dỗ của người hàng xóm, tham gia vào nghe nói có lời. Vậy là tôi rủ thêm bà bạn nữa tham gia, hy vọng có tiền về già. Ai ngờ đâu, hơn 1 năm rồi không nhận được bao nhiêu tiền lại sắp hết hạn hợp đồng, giờ chỉ biết tự trách mình quá tin người mà dính vào con đường đa cấp”.
Cũng theo bà Dảnh, lý do để bà đồng ý mua gói chăm sóc sức khỏe của công ty vì tuổi già, thường đau yếu. Thêm nữa, “họ mặc toàn đồ sang trọng, nói nhiều tên tuổi làm lớn, thành đạt đều sử dụng hàng công ty nên tui mới tin. Ai ngờ…”
Cũng những lý do đó mà bà Nguyễn Thị Đào (Trà Ôn) gom góp hơn 200 triệu đồng của con cái ở thành phố gửi về “đốt” sạch vào mua hàng đa cấp.
“Lúc đầu tôi đã nói để hỏi ý kiến người thân, nhưng nhân viên này bảo tôi không nên hỏi mà hãy âm thầm làm để gây bất ngờ. Tôi than già rồi không biết chạy xe, đi bộ không nổi làm sao rủ rê người khác tham gia, nhân viên nói cứ mua hàng rồi từ từ thuyết phục. Thế là, tôi giấu con cái tham gia, giờ đổ bể không biết tính sao nữa?”- bà Đào nức nở.
Theo ông Nguyễn Văn Tiến- Phó Chủ tịch UBND huyện Vũng Liêm, bán hàng đa cấp đã xuất hiện từ lâu, chủ yếu đánh vào lòng tham của người khác. Cơ sở Phụng Quần 2 tại địa phương cũng vừa bị lực lượng chức năng kiểm tra. Chủ cơ sở đã thừa nhận hàng loạt những sai phạm.
Còn theo điều tra của Chi cục Quản lý thị trường, toàn tỉnh ước có khoảng 20.000 người dính vào đường dây bán hàng đa cấp. Trong đó, có khoảng 10.000 người đã được thụ hưởng thoái vốn, 2.000- 3.000 người vừa mới được thụ hưởng, còn lại 7.000- 8.000 người phải chịu cảnh mất trắng.
Một số người còn cho biết, không có tiền nhưng phía “môi giới” sẵn sàng cho mượn, nhưng với điều kiện “ký hợp đồng và phải tìm người cùng tham gia”. Ông Nguyễn Hữu Chiến (Phường 8- TP Vĩnh Long) là trường hợp như vậy. Ông cho biết: “Tôi được hàng xóm giới thiệu mua gói sản phẩm chăm sóc sức khỏe nhưng tôi không có tiền, cô hàng xóm đó cho tôi mượn tiền, nói khi nào thoái đủ vốn mới đến tôi nhận tiền. Gần 1 năm rồi, tôi chưa nhận được đồng nào, trị bệnh cũng không thấy hết”.
Ông Đặng Văn Hoai- Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng tỉnh cho biết: Đã có rất nhiều người bị gạt theo hình thức bán hàng đa cấp, chủ yếu là các mặt hàng thực phẩm chức năng, hàng gia dụng. Công ty đưa ra nhiều chiêu trò khuyến mãi hấp dẫn, muốn nhận thưởng khách hàng buộc phải bỏ thêm tiền mua hàng khác để gia hạn hợp đồng.
Nhiều người bỏ ra số tiền rất lớn để mua hàng nhưng thực chất chỉ được cung cấp mã số tham gia. Trong khi đó, nếu muốn lấy lại tiền, thành viên tham gia có nhiệm vụ bán hàng, chiêu dụ thêm người khác tham gia hệ thống. Khi không giới thiệu được ai vào hệ thống, đến hạn hợp đồng, không được gia hạn thì coi như mất trắng. Tình trạng này diễn ra ở Vĩnh Long đã nhiều năm qua.
Hệ lụy từ hàng đa cấp
Có người cho rằng, do trình độ hiểu biết của một số người dân còn thấp nên dễ dàng để mạng lưới hàng đa cấp tấn công. Nhưng, theo kết quả điều tra của Chi cục Quản lý thị trường tỉnh thì không ít cán bộ, công chức cũng dính vào mạng lưới này. Không phủ nhận bán hàng đa cấp là một hình thức phân phối tiên tiến, nhưng thực tế phần lớn các công ty, doanh nghiệp biến tướng kinh doanh với nhiều chiêu trò lừa gạt.
Cụ thể, kết luận của Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, kiểm tra tại 6 cơ sở thuộc Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy thì tất cả đều có những hàng loạt sai phạm như:
bảng kê khách hàng của cơ sở 6 tháng đầu năm vượt quá số lượng so với số người báo cáo cho Sở Công thương; thu nhập của người tham gia xuất phát chủ yếu từ việc gia hạn hợp đồng của người đã tham gia, khoản đầu tư của người tham gia trong mạng lưới, dùng tiền đầu tư của người sau trả thù lao, hoa hồng cho người trước;
duy trì nhiều hơn 1 vị trí kinh doanh đa cấp, hợp đồng bán hàng đa cấp mã số kinh doanh đa cấp hoặc các hình thức khác tương đương đối với cùng một người tham gia bán hàng đa cấp; sử dụng người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh không có chứng chỉ hành nghề, không khám sức khỏe theo quy định, không có giấy phép hoạt động dịch vụ khám chữa bệnh…
Theo ông Phạm Tứ Phương- Phó Giám đốc Sở Công thương, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường, thực chất các cơ sở này bán hàng ảo. Khi đối chiếu với giấy phép kinh doanh thì các cơ sở này hoạt động hoàn toàn sai. Chính 6 cơ sở này (5 cơ sở Phụng Quần và cơ sở Long Giang) tiếp tay cho Công ty Thiên Ngọc Minh Uy.
“Nhiều người phải chịu cảnh nợ nần, cầm sổ đỏ để có tiền đóng vào tiếp. Bản chất các hợp đồng này đều là hợp đồng ma. Không phải bán hàng mà là đầu tư tài chính. Các cơ sở này đều có dịch vụ khám chữa bệnh trá hình để thu hút khách. 6 đại lý này hoạt động không đúng giấy phép, hoàn toàn sai phạm, trái luật.
Tất cả các hành vi vi phạm trên cơ sở đã thừa nhận và đã ký vào biên bản vi phạm. Trước mắt, chúng tôi sẽ xử lý hành chính 6 đại lý này và Công ty Thiên Ngọc Minh Uy. Đồng thời có biện pháp khắc phục, phạt bổ sung”- ông Phạm Tứ Phương cho biết.
Nhiều người khi đã sa chân vào con đường bán hàng đa cấp, biết mình bị lừa, cay cú nhưng không còn cách nào khác để lấy lại vốn thì họ lại lôi kéo dụ dỗ người thân, tiếp tục vẽ thêm viễn cảnh giấc mơ làm giàu.
Giờ đây, họ mới nhận ra rằng, chẳng có sự giàu có nào từ trên trời rơi xuống nếu không đổ mồ hôi, công sức lao động chân chính. Từ những ảo tưởng giàu nhanh chóng từ bán hàng đa cấp như lời mạng lưới bán hàng này “dụ dỗ”, giờ đây đó chỉ còn là chuyện của những giấc mơ đau đớn!
|
Ông Đặng Văn Hoai- Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng tỉnh khuyến cáo: Người tiêu dùng cần phải tỉnh táo, tự bảo vệ mình, không để kẻ xấu lợi dụng niềm tin mà mất tiền oan lại rước họa vào người. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần có những biện pháp xử lý nghiêm và mạnh tay hơn nữa để người dân không còn bị vướng vào “ma trận” sản phẩm bán hàng đa cấp. |
Bài, ảnh: MINH THẢO
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin